Bệnh đã được chẩn

05/06/2017 05:56 GMT+7

Hôm nay (5.6), theo nghị trình, Quốc hội sẽ thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.

Đây là vấn đề tại kỳ họp hồi tháng 7 năm ngoái, Quốc hội đã lựa chọn để giám sát tối cao cùng với chuyên đề về cải cách bộ máy hành chính nhà nước.
Bởi đây là chuyện nhức nhối của nhân dân, mà nói như nhiều vị đại biểu QH, thì nóng bỏng từ bàn ăn cho đến trang trại. Trước đó, khi đề cập đến chuyện này, không ít cơ quan liên quan đã lấy lý do chồng chéo trong phân cấp, giao nhiệm vụ để đổ lỗi cho tình trạng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tràn lan, từ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, đến câu chuyện dùng hóa chất chế biến thức ăn trong nhà hàng, chợ đầu mối... Không ít ý kiến cho rằng pháp luật chưa nghiêm khiến cho những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận mà bất chấp, thậm chí sẵn sàng bị phạt...
Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả cơ quan điều hành, đi kèm với sự giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc thì kết quả bước đầu đã chỉ ra rằng nguyên do của việc mất VSATTP không phải ở sự chồng chéo, thiếu chế tài của pháp luật mà mấu chốt là sự thiếu quyết tâm, thiếu trách nhiệm. Thực tế, khi Ủy ban TVQH “hội chẩn” vấn đề này vào tháng 4.2017, báo cáo của Chính phủ cũng đã nhìn nhận, các quy định pháp luật không hề thiếu. Đơn cử, luật An toàn thực phẩm đã phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước cho 3 bộ: Y tế, NN-PTNT và Công thương theo nguyên tắc quản lý theo chuỗi với từng nhóm thực phẩm, ngành hàng. Để thống nhất thực hiện, Bộ Y tế đã chủ trì ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ quản lý cho 3 bộ với nguyên tắc cơ bản là: Một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước.
Điều này đã khắc phục được tình trạng chồng chéo. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng hành lang pháp lý về VSATTP của VN không thiếu. Bên cạnh các luật chuyên ngành còn có các luật về xử lý, mà nổi bật là bộ luật Hình sự đã quy định rõ nhóm tội vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, buôn lậu… bị phạt tù từ 1 - 5 năm, đặc biệt nghiêm trọng thì từ 7 - 15 năm. Với tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm mà đặc biệt nghiêm trọng còn có thể bị chung thân hoặc tử hình.
Theo đó, các quy định như hiện nay hoàn toàn đủ sức răn đe với các tội liên quan VSATTP. Khi đánh giá về vấn đề này, Ngân hàng Thế giới cũng nhận định VN đã xây dựng được một khung pháp lý. Nhưng Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo để triển khai hiệu quả các quy định pháp lý, VN cần tập trung nhiều hơn vào yếu tố nguy cơ và kết quả triển khai trên thực tế. Báo cáo kết quả giám sát gửi tới Thường vụ QH cách đây hai tháng cũng đã nhấn mạnh hạn chế trong công tác này không phải ở luật mà ở quá trình triển khai. Ví dụ thủ tục hành chính, công tác chỉ đạo điều hành của các cấp các ngành chưa hiệu quả, xử lý chưa dứt điểm, chưa bố trí nguồn lực thực hiện hợp lý...
Chính vì vậy, “con bệnh” về VSATTP đã được “chẩn” trúng, các cơ quan thực hiện và giám sát sẽ không còn lý do để tranh luận hay bào chữa nếu tình trạng vi phạm VSATTP tiếp tục diễn biến xấu. Nếu tiếp tục diễn biến xấu thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.