'Bất lực' với giá cước

27/01/2015 03:00 GMT+7

Mặc cho giá xăng dầu tiếp tục lao dốc, bất chấp sự lên án, bức xúc của cả xã hội... giá cước vận tải những ngày qua vẫn cứ đủng đỉnh, chây ì nhằm móc túi người tiêu dùng.

Mặc cho giá xăng dầu tiếp tục lao dốc, bất chấp sự lên án, bức xúc của cả xã hội... giá cước vận tải những ngày qua vẫn cứ đủng đỉnh, chây ì nhằm móc túi người tiêu dùng.

Sự thờ ơ, vô cảm của các doanh nghiệp vận tải khiến dư luận bức xúc bao nhiêu, lại càng lộ rõ sự yếu kém, bất lực các bộ, ngành và địa phương bấy nhiêu. Bộ Tài chính, cứ mỗi lần giá xăng giảm, chỉ biết hỏa tốc ra văn bản kêu gọi; lập các đoàn kiểm tra để đốc thúc địa phương phải kiểm tra gắt hơn, xử phạt thẳng tay. Nhưng bao nhiêu văn bản và cả 3 đoàn kiểm tra đi khắp bắc, trung, nam vẫn không thấy doanh nghiệp (DN) nào bị xử phạt.
Báo cáo tổng hợp từ 63 tỉnh, thành trên cả nước của Bộ Tài chính công bố, hầu hết các DN trên địa bàn giảm rất nhỏ giọt. Rất nhiều trong số đó cố tình chậm giảm giá, để vơ vét lợi nhuận. Đơn cử, Ninh Bình đến ngày 15.12.2014 chỉ có 1 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi giảm giá cước; Lai Châu đến ngày 17.12.2014 có 5 hãng taxi vẫn giữ giá từ tháng 12.2011, một loạt các DN chưa kê khai, đăng ký giá. Hà Nội, 64/100 hãng taxi giảm giá cước nhưng mức giảm rất thấp, có hãng giảm có 2%. Oái oăm hơn là Tây Ninh khi có tới 7 đơn vị kê khai tăng giá…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá nói với Thanh Niên giọng đầy bức xúc: “Chúng tôi cứ công khai hết để người dân được biết, để địa phương thấy rằng họ phải có trách nhiệm”. Ngay sau đó, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ biết thốt lên trong bất lực: “Họ còn định móc túi người tiêu dùng đến bao giờ?” Và mới đây nhất, Thủ tướng đã phải trực tiếp yêu cầu thực hiện ngay việc giảm giá trước Tết Ất Mùi 2015.
Giá cước vận tải đã vận hành theo cơ chế thị trường, nhà nước không định giá, bình ổn giá nhưng lại buông lỏng thiếu kiểm tra, giám sát mới dẫn tới sự chây ì hiện tại. Đây là lúc các cơ quan quản lý phải vào cuộc, phải có cơ chế xử phạt nghiêm minh để tạo sự công bằng cho người tiêu dùng. Không chỉ thế, đây cũng là điều kiện tiên quyết để tạo sức lan tỏa từ việc giảm giá xăng dầu cho nền kinh tế, hồi phục sản xuất tạo thêm nguồn thu để cân bằng với việc thất thu ngân sách vì giá dầu thô xuất khẩu giảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.