Bão không vào thì… buồn

25/09/2017 06:56 GMT+7

Chuyện khai vống thiệt hại sau bão số 10 ở Thanh Hóa là câu chuyện buồn.

 Nó bộc lộ rất nhiều vấn đề: Sự tắc trách của cán bộ khi thống kê “bằng cách chỉ nghe ngóng”, “ước tính rồi nhân lên”…; đó là tư duy “dựa hơi”, trục lợi của cán bộ chính quyền, rất nguy hiểm.
Hồi năm 2015, công an đã khởi tố điều tra vụ ông giám đốc công ty cao su ở Hà Tĩnh lợi dụng chủ trương cấp kinh phí khắc phục hậu quả bão lụt, lập hồ sơ nâng khống khối lượng thiệt hại (lên gấp đôi thực tế) để lấy tiền bù đắp vào số tiền đã làm thâm hụt trước đó, số tiền đâu cả chục tỉ đồng.
Khi đó, một anh bạn tôi, có thâm niên gắn bó 30 năm với ngành đường sắt, có nói đại ý: Cái đó (khai khống, khai tăng khối lượng thiệt hại do thiên tai) có gì lạ đâu, chuẩn bị 100 m3 đá thì khai 1.000 m3, sạt lở 1 km taluy thì khai 10 km, bão sẽ cuốn đi tất cả.
“Năm nào bão không vào là năm đó buồn. Vì nếu bão không vào thì có thiệt hại đâu mà quyết toán, công nhân sẽ không có thưởng, cán bộ không có tiền tiếp khách”, ông cười cay đắng. Và đáng tiếc, không thống nhất được khối lượng thiệt hại do thiên tai, cũng chính là lý do khiến khá nhiều gói thầu xây dựng đường Hồ Chí Minh chưa thể được quyết toán sau hàng chục năm.
Có vẻ như chuyện khai vống khối lượng thiệt hại do lũ lụt, thiên tai, dù rất buồn, nhưng là sự thật và không phải cá biệt. Thế nên, ông Phó chủ tịch UBND H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa) khi giải thích việc khai vống số lượng thiệt hại đã rất đơn giản: “Báo cáo sai hay đúng thì cũng có được cái gì đâu, có được thì được cho dân thôi”.
Đấy là ông nói về mấy cái đầm tôm của dân, thế những khai báo vô số thiệt hại khác thì sao? Tiền hỗ trợ từ ngân sách T.Ư sẽ rơi vào túi ai? Và chính những người dân vùng bão Thanh Hóa là người phản đối sự bất thường của những con số. Chính họ tố cáo việc chính quyền không hề đến gặp họ để thống kê thiệt hại. Họ - hẳn nhiên không muốn “được” theo cách mà ông phó chủ tịch huyện nói ở trên, đã tự trọng hơn các quan chức chính quyền, ít nhất về thái độ đối với của công.
Trả lời Thanh Niên, Hội Chữ thập đỏ VN, với nhiều kinh nghiệm “thương đau” về công tác cứu trợ, cũng thừa nhận không thể tin tưởng 100% vào báo cáo của chính quyền địa phương. Việc kê khai khối lượng không đúng thực tế (khai khống) là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự, trong điều kiện thiên tai nó còn cực kỳ phản cảm và phi đạo đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.