Bàn ‘chuyện cũ’ trong bối cảnh mới

21/10/2016 06:24 GMT+7

Quốc hội bắt đầu chương trình làm việc kéo dài hơn 1 tháng với những nội dung, vấn đề hoàn toàn không mới. Và bàn “chuyện cũ” trong một bối cảnh mới, có lẽ là thách thức lớn nhất của Quốc hội tại kỳ họp này.

5 năm trước, tháng 10.2011, Quốc hội khi đó đã bàn và thông qua kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015. Tại kỳ họp này Quốc hội cũng lại sẽ bàn về kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, với những thách thức hệt 5 năm trước. Đó là mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn ở mức thấp và chậm được cải thiện…
Còn theo Ủy ban Kinh tế, hiện trạng hiệu quả đầu tư công vẫn rất thấp (hệ số ICOR là 6,91); huy động qua ngân sách, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, bội chi ngân sách rất cao, nợ công tăng nhanh; hiệu quả sử dụng vốn nhà nước chưa được cải thiện đáng kể; các doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém; việc sắp xếp, đổi mới khu vực kinh tế nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu và lộ trình.
Điều này có nghĩa là gì? Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm qua chưa đạt kết quả như kỳ vọng, thách thức mới chính là những thách thức cũ vẫn còn nguyên.
Các đại biểu Quốc hội hẳn sẽ phải rất đau đầu, không phải để nói về các giải pháp tái cơ cấu mà chính là cần chỉnh lái con thuyền này thế nào, bởi vì sau 5 năm kết quả tái cơ cấu đang khác xa mục tiêu đặt ra với 3 tuyến đột phá - nợ xấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Cơ chế đầu tư công vẫn lấy xin - cho làm trụ, nợ xấu thậm chí còn tăng lên, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn được dẫn dắt bởi “chủ nghĩa thành tích”.
Hôm qua, Chính phủ đã trình một bản kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 đầy tham vọng, với kinh phí đề xuất khoảng 10 triệu tỉ đồng, gắn với 70 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương. Điều đó cho thấy Chính phủ thể hiện quyết tâm chính trị rất cao cho việc thay đổi mô hình tăng trưởng. Quốc hội sẽ có ít nhất 2 phiên thảo luận dài về nội dung này, trước khi thông qua nghị quyết vào cuối kỳ họp.
Nhưng kinh nghiệm thực tế của giai đoạn 5 năm qua cho thấy, vấn đề không nằm ở quyết tâm chính trị hay giải pháp mà ở việc triển khai thực hiện. Chúng ta có thực sự bắt tay, tạo ra sự thay đổi hay không? “Chốt” của xử lý vấn đề hiện nay là đổi mới thể chế kinh tế, và gánh nặng do vậy nằm ở chính việc thay đổi tư duy của các đại biểu Quốc hội. Đừng để lặp lại vết xe đổ, tái cơ cấu nói thì nhiều mà làm thì quá ít như giai đoạn vừa qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.