Bài toán giao thông đô thị

10/09/2015 06:12 GMT+7

Cách đây hơn 15 năm, nhiều người đã cảnh báo “Bóng ma giao thông Bangkok đang lởn vởn trên đầu TP.HCM”, nhưng các nhà quản lý chưa quan tâm vì nước chưa tới chân nên không cần nhảy. Thời đó, Bangkok kẹt xe ghê gớm. Ngoài việc có mô tô và trực thăng sơ cấp cứu, Bangkok còn quy định “Tài xế taxi trong nội thành, ngoài bằng lái xe, phải có bằng đỡ đẻ”.

Cách đây hơn 15 năm, nhiều người đã cảnh báo “Bóng ma giao thông Bangkok đang lởn vởn trên đầu TP.HCM”, nhưng các nhà quản lý chưa quan tâm vì nước chưa tới chân nên không cần nhảy. Thời đó, Bangkok kẹt xe ghê gớm. Ngoài việc có mô tô và trực thăng sơ cấp cứu, Bangkok còn quy định “Tài xế taxi trong nội thành, ngoài bằng lái xe, phải có bằng đỡ đẻ”.

Nghe chuyện, cứ tưởng bịa. Sài Gòn lúc đó thi thoảng mới kẹt xe. Bây giờ, Bangkok vẫn kẹt xe như xưa. Thủ đô hoặc thành phố cả chục triệu dân nào mà không kẹt xe.
Thiên hạ tắc nghẽn giao thông vì xe quá nhiều, họ kẹt xe trong trật tự và tự vãn hồi. Sài Gòn và Hà Nội, xe ít hơn 1/3 nhưng kẹt xe nhiều hơn, chỗ nào cũng kẹt. Mỗi người lấn một chút, không ai nhường ai, thế là cùng kẹt. Lắm lúc CSGT cũng bó tay. Nạn ngập úng ngày mỗi gia tăng càng làm trầm trọng thêm vấn nạn giao thông đô thị. Xe cấp cứu cũng bất lực dù hụ còi inh ỏi xin đường ưu tiên. Kẹt cứng như nêm, có muốn nhường cũng không được vì “tiến, thoái lưỡng nan”. Chưa ai thống kê được, mỗi năm có thêm bao nhiêu người chết, bị tàn tật do xe cấp cứu đến chậm vì tắc đường và đến bệnh viện chậm vì kẹt xe? Con số phải tính hàng mấy ngàn?
Có người hiến kế học tập Thái Lan lập đội mô tô và trực thăng cấp cứu. Nghe có vẻ hợp lý nhưng không khả thi. Thiên hạ kẹt xe trong trật tự, ô tô và gắn máy có làn riêng nên mô tô có thể luồn lách hoặc leo lên lề. VN thì chịu. Lề cũng kẹt cứng. Chỉ có mô tô bay may ra. Trực thăng cũng vậy. Xứ họ đâu có dây nhợ chằng chịt như mạng nhện trên đầu nên trực thăng có thể hoạt động dễ dàng.
Chỉ còn cách lập lại trật tự giao thông đô thị. Khó nhưng phải làm bằng được. Phải có lộ trình cụ thể và đồng bộ, bắt đầu từ việc tôn trọng luật giao thông. Bắt đầu từ việc xử phạt nghiêm minh. Cần có ngay tổng đài sơ cấp cứu với đường dây nóng và hệ thống nhân lực phản ứng nhanh gọn. Khi có tin báo, ai gần nhất sẽ tới. Thời gian đầu, có thể phải dùng mô tô mở đường hụ còi từ xa, chứ đã kẹt rồi thì vô phương. Các mô tô này làm luôn nhiệm vụ sơ cấp cứu.
Lập lại trật tự giao thông đô thị cũng là cách giảm thiểu tai nạn giao thông và nhiều bệnh tật khác. Ra đường là cái chết rình rập. Mình cẩn thận, không đụng ai nhưng xe “điên” ngang dọc khắp nơi, thảm họa chực chờ mọi lúc. Chưa chết vì tai nạn thì cũng nhồi máu cơ tim hoặc thần kinh phân liệt vì căng thẳng. Xe gì cũng gây tai nạn được. Lạ là đường tốt hơn, xe mới hơn nhưng tai nạn cứ nhiều hơn. Không thể đổ tại trời, tại số phận. Tất cả đều do con người. Từ quản lý lỏng lẻo, yếu kém; đăng kiểm lấy lệ hoặc ảo; xử phạt trêu ngươi hoặc bao che nên lờn luật. Đến ý thức chấp hành luật giao thông, hành xử nơi công cộng quá kém. Con người là nguyên nhân nên chỉ có con người mới giải quyết được hậu quả. Thiên hạ cũng khó đâu kém mình? Sao họ làm khá tốt.
Đáp số của bài toán giao thông đô thị tùy thuộc vào ý thức, trách nhiệm và hành động của mỗi công dân, mà nhà nước là chủ đạo và nêu gương thực hiện. Không ai làm thay mình được. Không còn đường lùi. Cũng không có sự lựa chọn nào khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.