Bài học vỡ lòng

28/07/2020 00:00 GMT+7

Thì là từ thuở học vỡ lòng, ai mà chẳng được dạy câu “Nhặt được của rơi nhớ trả lại người đánh mất ”. Vậy mà lại không ít chuyện người lớn “can đảm” làm điều ngược lại, thậm chí là ngay trước mặt con mình.

Ví dụ “nóng hổi” là chuyện một người phụ nữ ở Hà Nội nhặt chiếc túi bên trong có một bình giữ nhiệt nhưng không chịu trả cho anh thanh niên đánh rơi đến xin lại, sau một hồi tranh cãi đuối lý thì ném chiếc giỏ xuống đường, rồi chửi bới thậm chí vu khống ngược lại anh thanh niên là ăn cướp. Đáng nói, ngồi sau xe máy là con gái của người phụ nữ này, và đứa trẻ đề nghị mẹ mình trả lại túi đồ cho anh thanh niên.
Cũng rất “nóng hổi”, là chuyện một người đàn ông chạy xe máy khi vào đổ xăng tại một cây xăng ở Cư M’gar (Đắk Lắk) đã bày chiêu trò che chắn để nhặt túi tiền của một nhân viên cây xăng vô ý đánh rơi. Cách đây không lâu từng có cả chuyện trước một quán cơm ở Đông Hà (Quảng Trị), một người đàn ông “tỉnh bơ” cúi nhặt tờ tiền 200.000 của một cậu bé đánh rơi trước đó, và ngay cả khi cậu bé tội nghiệp quay lại tìm thì người đàn ông này cứ phớt lờ như không rồi thản nhiên bỏ đi.
Chuyện tưởng chỉ là chuyện nhỏ, chuyện vặt trong đời sống nhưng thật ra đều là chuyện phải ngẫm, phải lo. Ngẫm là ngẫm cái chuyện lạ đời, cớ sao mà đến nông nỗi người lớn để chút lòng tham trong mình trỗi dậy lấn át đến mờ mắt lẫn trí rồi cho phép mình chọn cách hành xử tệ hại khi nhặt được của rơi.
Lo là lo chuyện những chuẩn mực tối thiểu của hành xử xã hội bị một số người lớn ngang nhiên chà đạp, mà là chà đạp ngay trước mặt con trẻ. Kết tội những kẻ như thế, không đơn giản là kết tội kẻ tham lam, mà còn phải kết đúng cái tội phá hoại chuẩn mực hành xử đạo đức xã hội mà con trẻ được răn dạy và được uốn nắn thực hành từ thuở nhỏ.
Luật thì rõ rồi, có hẳn điều khoản để xử lý những người tham lam nhặt được tài sản của người khác mà không hoàn trả hoặc không thực hiện theo hướng dẫn của pháp luật trong trường hợp không rõ thông tin người đánh rơi để trả lại. Nhưng chẳng lẽ cái gì cũng viện đến luật pháp, mà không viện đến năng lực hành xử đạo đức tối thiểu của con người?
Lòng tham, nói cho đến cùng, luôn “thường trực” trong mỗi cá nhân, và không ít người gục ngã vì lòng tham bị kích hoạt bởi một hấp lực ghê gớm nào đó, chẳng hạn bị kích hoạt bởi một số tiền quá lớn, một tài sản quá quý giá. Ngay cả thế thì cũng đã là không thể chấp nhận. Huống gì, chỉ cái túi đựng bình nước, chỉ tờ tiền 200.000 mà lại sẵn lòng bỏ mặc chuẩn mực của đạo đức, cắn rứt của lương tâm để dọn chỗ cho lòng tham ngự trị thì quả là không tưởng tượng nổi.
Chẳng lẽ, phải mở lại lớp học vỡ lòng cho không ít người lớn học lại cho nên nết hay sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.