Bài học Genève

20/07/2014 03:05 GMT+7

“Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về/mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê/” (Câu hò trên bến Hiền Lương”, lời Đằng Giao - nhạc Hoàng Hiệp). Tôi đã nghe bài hát tha thiết này suốt hơn nửa thế kỷ, rồi mãi cho tới ngày 20.7.1975, run rủi thế nào tôi mới được đi qua cầu Hiền Lương. Đó là ngày đất nước ta đã thống nhất, sau đúng 21 năm bị chia cắt.

Như một định mệnh, cầu Hiền Lương bảy nhịp đã bị buộc trở thành chứng nhân của nỗi đau cắt chia đất nước suốt 21 năm.

Vớic, nước VN lần đầu tiên đã được một hiệp định mang tầm quốc tế minh định chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Nói toàn vẹn lãnh thổ là nói tới sự thống nhất trên toàn cõi VN. Nhưng mãi 21 năm sau, sự thống nhất ấy mới tới, sau một cuộc chiến tranh tàn khốc và quá dài. Đối với dân tộc VN, độc lập và thống nhất là nỗi khát khao quá lớn nhưng không dễ đạt tới.

Với Hiệp định Genève, đã có một cuộc chuyển vùng di dân dữ dội của dân tộc Việt. Hàng triệu người ở miền Nam tập kết ra Bắc, còn hàng triệu người ở miền Bắc di cư vào Nam. Ngày ấy mới 8 tuổi, tôi tập kết ra Bắc và đã chứng kiến một phiên chợ quê ở Diễn Châu (Nghệ An), nơi những người nông dân Công giáo nghèo mang ra chợ bán hết đồ đạc trong nhà mình có được trước khi di cư vào Nam. Cuộc di dân dữ dội ở cả hai miền Nam Bắc ngày ấy còn để lại hệ lụy cho tới bây giờ.

Nếu ngày 20.7.1954 là ngày vui hòa bình đi liền với nỗi đau chia cắt, thì sau 60 năm, chúng ta đã đủ bình tâm để nhìn lại. Hãy nhớ câu nói của Tổng bí thư Lê Duẩn khi tạm biệt các đồng chí mình đi tập kết từ Nam bộ sau Hiệp định Genève: “Các anh ra thưa với Bác Hồ là phải sau 20 năm nữa tôi mới được ra Bắc gặp Bác”. Có thể sau đó ông Lê Duẩn đã ra Bắc sớm hơn để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ và toàn diện, nhưng đó là một tiên đoán thiên tài, nói chính xác thời gian dài đằng đẵng của cuộc chiến tranh và thời điểm thống nhất đất nước. Đó là một thiên tài trong cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt, một cuộc chiến tranh không kết thúc ở ngày 30.4.1975, mà còn kéo dài ngay khi chúng ta ngỡ đất nước mình đã vĩnh viễn thanh bình.

Nỗi đau chia cắt đất nước qua biểu tượng cầu Hiền Lương, sông Bến Hải 60 năm trước càng khiến chúng ta hôm nay luôn cảnh giác trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình. Nước ta không lớn, dân ta chỉ đông ở mức trung bình, kinh tế cũng chỉ tạm coi là mới “thoát nghèo” ở mức thấp. Nhưng đất nước ta, dân tộc ta đã có hàng nghìn năm độc lập và tự chủ. Nghèo vẫn có thể độc lập. Chưa phải cường quốc vẫn có thể tự chủ. Dù không chỉ một lần bị chia cắt, nhưng rồi VN lại thống nhất, lại độc lập. Đó là điều chúng ta có thể tự hào khi nhìn lại 60 năm Hiệp định Genève.

Dù thế giới có thường xuyên bị chi phối bởi các nước lớn, thì các nước nhỏ vẫn có thể giữ vững được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Miễn là biết tự nhìn nhận lại lịch sử của chính mình và rút ra bài học. Miễn là biết đi những nước đi đường hoàng, chính xác, vì lợi ích của quốc gia mình, cũng vì hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia khác, bất kể là gần hay xa.

Quốc gia nào hôm nay có quyền lợi tương hợp với chúng ta, có thể hợp tác bình đẳng với chúng ta để cùng phát triển, thì đó là bạn của VN. Bài học Hiệp định Genève qua 60 năm cũng dạy ta điều đó. 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.