Ăn, nhậu ‘nuôi’ văn hóa

07/12/2015 04:59 GMT+7

Đến nhiều nhà hát, bảo tàng, thư viện… ở Hà Nội hiện nay, không khó bắt gặp hình ảnh những nhà hàng, quán nhậu ngay trong khuôn viên.

Đến nhiều nhà hát, bảo tàng, thư viện… ở Hà Nội hiện nay, không khó bắt gặp hình ảnh những nhà hàng, quán nhậu ngay trong khuôn viên.

Thậm chí, có người còn nói chúng còn thân thuộc với công chúng hơn là những buổi biểu diễn, trưng bày, cuốn sách nơi đó.
“Lá cờ đầu” trong lĩnh vực này là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội. Gần như cả dãy mặt tiền trên phố Phạm Ngũ Lão và Tôn Đản của bảo tàng cực gần hồ Gươm này đều là hàng quán. Có quán đẹp và giá cả nhỉnh hơn nhưng cũng có quán giá rất thường. Bình dân và gần dân hơn cả, có quán bia hơi Lan Chín.
Còn gần với hồ Gươm hơn cả Bảo tàng Lịch sử là Nhà hát Nghệ thuật đương đại. Cả diện tích rộng lớn sát hồ của nhà hát này giờ là quán cà phê đẹp như mơ. Giám đốc nhà hát, NSND Trần Bình chia sẻ ông phải đầu tư một khoản lớn cả chục tỉ đồng để nâng cấp mặt bằng đó thành một quán đẹp bên hồ. Tất nhiên, nhà hát vẫn biểu diễn nhưng phần lớn là biểu diễn đặt hàng cho địa phương, tổ chức, cơ quan chứ không phải ở ngay nhà mình nữa.
Nhà hát Âu Cơ, một đơn vị văn hóa khác cũng ra tự chủ tài chính một đợt với Nhà hát Nghệ thuật đương đại cũng có một dãy quán hàng cà phê giải khát trong khuôn viên.
Cung văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) thì “hoạt động văn hóa” nổi tiếng nhất không phải là các show diễn lớn mà là cho thuê tổ chức tiệc cưới. Dịch vụ cưới ở đây vẫn thường phải đặt trước nửa năm mới chắc chắn có chỗ.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nói ông không phản đối việc các bảo tàng, nhà văn hóa, nhà hát có hàng quán. Đấy cũng chính là cách hoàn thiện chuỗi dịch vụ để phục vụ khách. Chỉ có điều, theo ông, mở dịch vụ gì ở những địa điểm đó thì phải tính toán cẩn thận.
Nhìn từ Bảo tàng Dân tộc, có thể thấy quán cà phê ở Thư viện Quốc gia Hà Nội là điểm kinh doanh hợp lý. Quán này khá yên tĩnh và luôn dành thời lượng nhất định để hỗ trợ các buổi giới thiệu sách cũng như tọa đàm khoa học.
Cũng không thể không đặt câu hỏi về việc liệu người ta có thể say ngất ngư trong các bảo tàng hay không. Vì bia hơi Lan Chín tới giờ vẫn là một thương hiệu bia bãi đông khách và điểm kinh doanh ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng rất thuận về vị trí. Hay việc cho thuê dịch vụ cưới, quán cà phê, trông xe tại Cung văn hóa Hữu nghị cũng khiến khoảng sân ở đây trở nên chật chội.
Thực tế đặt ra, đã đến lúc ngành văn hóa cũng cần có các quy chuẩn nhất định cho việc cho thuê diện tích nhà văn hóa. Chẳng hạn, diện tích cho thuê nên có tỷ lệ thế nào, các dịch vụ cần có chất lượng ra sao, sự cân đối của dịch vụ cho thuê với hoạt động khác của cộng đồng... để đơn vị này vừa có kinh phí hoạt động, bớt bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách, vừa đảm bảo hoạt động đúng là một thiết chế văn hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.