Ai quản an ninh hàng không?

Mai Hà
Mai Hà
27/11/2018 04:52 GMT+7

“Phản ứng chậm hay chuyên môn, nghiệp vụ yếu?” là câu hỏi của nhiều người khi xem clip 3 thanh niên ngang nhiên tát, đá nữ nhân viên tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) giữa vòng vây của gần chục nhân viên an ninh hàng không.

Chỉ 3 thanh niên tay không với “vũ khí” duy nhất là chiếc điện thoại đã tung hoành tại sân bay tới 2 phút, ngay cả khi bị áp chế cũng kịp đấm vào tay, mặt của 2 nhân viên an ninh. Với những đối tượng có vũ khí, những vụ việc phức tạp hơn, hậu quả sẽ lớn đến mức nào?
Rõ ràng, sân bay là địa bàn rất nhạy cảm, đòi hỏi lực lượng an ninh phải chuyên nghiệp, bản lĩnh và có nghiệp vụ cao. Nhưng hàng loạt vụ việc đã xảy ra như người tâm thần lọt qua các cửa kiểm soát an ninh lên tận máy bay, hay nữ hành khách bị cấm bay nhưng vẫn làm thủ tục, lọt qua cửa an ninh lên máy bay đi Nga..., lại cho thấy lỗ hổng an ninh hàng không (ANHK) đang xuất phát từ chính sai sót nghiệp vụ của những nhân viên an ninh.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cũng thừa nhận, dù có trên 3.000 người, nhưng lực lượng an ninh chất lượng chưa đồng đều, thực thi công vụ một số khâu chưa tốt. Trong khi đó, theo một cán bộ hàng không, ngoại trừ lực lượng làm công tác kiểm soát, soi chiếu trong sân bay được huấn luyện khá bài bản, còn lại lực lượng an ninh làm công tác tuần tra khá yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Thậm chí, một số cảng hàng không tuyển lực lượng an ninh tuần tra trình độ chỉ ngang với... công ty bảo vệ bên ngoài.
Vì đâu có nghịch lý này?
Câu trả lời nằm ở vị thế “chông chênh” của lực lượng ANHK. Dù đề án tổ chức lại lực lượng ANHK đã được Bộ GTVT thông qua (thành lập công ty ANHK trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) và về lâu dài sẽ đưa lực lượng này về dưới sự quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước), nhưng lộ trình cụ thể tới nay vẫn chưa rõ ràng.
ACV từng là doanh nghiệp nhà nước, nay đã được cổ phần hóa, không dễ gì muốn buông “miếng bánh” bộ phận an ninh. Lý do, nguồn thu từ giá dịch vụ bảo đảm ANHK, dịch vụ soi chiếu mỗi năm có thể lên tới vài ngàn tỉ đồng. Khi chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu, ACV đã công bố việc duy trì lực lượng kiểm soát ANHK sẽ đem lại 6 - 8% tổng doanh thu cho doanh nghiệp này.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, phần lớn bộ phận ANHK đều thuộc lực lượng cảnh sát. Chỉ một số ít nước thực hiện mô hình giao lực lượng ANHK cho doanh nghiệp khai thác cảng như VN đang áp dụng.
Trong khi đó, lực lượng này ngoài việc đảm bảo dịch vụ ANHK còn phải thực hiện những nhiệm vụ chính trị như bảo đảm an ninh chuyên cơ, xử lý ban đầu với các hành vi khủng bố, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng...
Chỉ khi làm rõ được “ai” quản, đưa ANHK về đúng vị thế, những lỗ hổng ANHK mới được bít lại, và người dân mới bớt hoài nghi về khả năng, vai trò của lực lượng rất quan trọng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.