Chánh án tối cao: 'Cả đời vẫn là thẩm phán sơ cấp, anh em rất tâm trạng'

18/09/2023 20:17 GMT+7

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, quy định như hiện hành khiến đội ngũ thẩm phán tại TAND cấp huyện dù phấn đấu cả đời vẫn là thẩm phán sơ cấp, "anh em rất tâm trạng".

Chiều 18.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi. Dự án luật này do TAND tối cao chủ trì soạn thảo.

Chánh án tối cao: 'Cả đời vẫn là thẩm phán sơ cấp, anh em rất tâm trạng' - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

QUỐC HỘI

Rút gọn từ 4 xuống còn 2 ngạch thẩm phán

Theo quy định hiện hành của luật Tổ chức TAND năm 2014, thẩm phán có 4 ngạch, gồm: sơ cấp, trung cấp, cao cấp và TAND tối cao.

Tại dự thảo đưa ra lấy ý kiến, TAND tối cao đề xuất rút gọn còn chỉ còn 2 ngạch thẩm phán, gồm thẩm phán và thẩm phán TAND tối cao. Trong đó, thẩm phán có 9 bậc, từ 1 đến 9; thẩm phán TAND tối cao có 3 bậc, từ 1 đến 3, Chánh án TAND tối cao mặc định giữ bậc 3.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, cơ quan soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm từ rất nhiều quốc gia, "các nước không phân sơ cấp, trung cấp, cao cấp như chúng ta mà chỉ có thẩm phán và thẩm phán TAND tối cao".

Ông Bình phân tích, quy định phân ngạch như hiện nay với thực tiễn "sơ cấp chỉ xét xử vụ án này, trung cấp chỉ xét xử vụ kia" khiến việc điều động thẩm phán gặp nhiều khó khăn.

Chánh án TAND tối cao lấy ví dụ về gần 6.000 thẩm phán cấp huyện, khi cả đời với 40 năm công tác vẫn chỉ là thẩm phán sơ cấp. "Từ khi vào tòa án đến khi về hưu vẫn là sơ cấp, anh em rất tâm trạng, coi việc sửa đổi lần này là khao khát của anh em", ông nói.

Về lý do chia thẩm phán thành 9 bậc, ông Bình cho hay, cơ quan soạn thảo có tham khảo từ lực lượng vũ trang, theo đó từ cấp bậc hàm thiếu úy đến đại tá có 8 bậc, ngành tòa án sẽ tương tự với 9 bậc.

Số lượng bậc như vậy bảo đảm cho thẩm phán trong quá trình công tác có đủ thời gian để phấn đấu đến bậc cao nhất.

Chánh án tối cao: 'Cả đời vẫn là thẩm phán sơ cấp, anh em rất tâm trạng' - Ảnh 2.

TAND tối cao đề xuất rút gọn còn 2 ngạch thẩm phán

TUYẾN PHAN

Mở rộng nguồn nhân sự phó chánh án TAND tối cao

Một nội dung khác cũng được TAND tối cao đề xuất sửa đổi, liên quan đến chức danh phó chánh án TAND tối cao.

Theo luật Tổ chức TAND năm 2014, phó chánh án TAND tối cao được lựa chọn từ các thẩm phán TAND tối cao. Còn trong dự thảo, TAND tối cao muốn mở rộng phạm vi nguồn nhân sự cho chức danh này, không chỉ dừng lại ở các thẩm phán TAND tối cao mà gồm cả các thẩm phán đáp ứng đủ điều kiện để bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao.

Giải trình về đề xuất trên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình dẫn câu chuyện của nhiều bộ, ngành khác (xây dựng, giáo dục, văn hóa…) rằng họ có thể bổ nhiệm giám đốc ở địa phương làm thứ trưởng, nhưng với ngành tòa án thì không.

Chánh án tối cao nhận định, việc gói gọn nguồn nhân sự bổ nhiệm chức danh phó chánh án TAND tối cao trong phạm vi các thẩm phán TAND tối cao là không hợp lý, bởi "hiền tài là ở cả nước chứ đâu phải 2 - 3 ông thẩm phán TAND tối cao".

Với quy định như dự thảo, ông Bình kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội lựa chọn nhân sự cho vị trí phó chánh án TAND tối cao, đó có thể là các thẩm phán tại TAND cấp cao hoặc chánh án các tòa án địa phương.

Cho ý kiến thẩm tra đối với nội dung trên, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất của TAND tối cao.

Theo Ủy ban Tư pháp, một số thẩm phán là chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án TAND cấp cao có trình độ, chuyên môn tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng đủ điều kiện làm thẩm phán TAND tối cao.

Tuy nhiên, với quy định hiện hành, họ không thể được bổ nhiệm làm phó chánh án TAND tối cao, vì chưa phải là thẩm phán TAND tối cao.

Quy định như dự thảo sẽ khắc phục được vướng mắc đã nêu và tạo nguồn bổ nhiệm phó chánh án TAND tối cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.