Chàng trai là 1 trong 100 sinh viên có đề tài tốt nghiệp xuất sắc thế giới

26/10/2022 14:15 GMT+7

Lê Anh Tài (25 tuổi), vừa trở thành một trong số 100 sinh viên có đề tài tốt nghiệp xuất sắc thế giới trong lĩnh vực kiến trúc do Tamayouz Award tổ chức.

Đáng chú ý, để có được kết quả này, năm 2019 giảng viên thỉnh giảng của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã 2 lần quyết định tạm nghỉ học để tìm ra con đường phù hợp nhất cho bản thân.

2 lần gap year xứng đáng…

Ngay từ khi trở thành sinh viên của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Tài nỗ lực trau dồi kiến thức và mạnh dạn tham dự các cuộc thi dành cho sinh viên với hy vọng nâng cao kỹ năng trong ngành cho bản thân. Năm 2018, anh lọt TOP 5 sinh viên Việt Nam tham dự cuộc thi Tài năng sinh viên kiến trúc châu Á.

Tài nhận giải Vàng quốc tế cuộc thi thiết kế kiến trúc sinh viên Châu Á 2021

NVCC

“Sau cuộc thi, mình đã đắn đo rất nhiều về kế hoạch để có thể thực hiện những điều bản thân mong muốn. Thời điểm đó, mình cũng hoang mang về việc lựa chọn con đường cho bản thân, do đó mình quyết định gap year (một kỳ nghỉ kéo dài khoảng 12 tháng) lần nữa. Khác với lần đầu, mình đăng ký và xin học bổng tham dự các chương trình workshop, hội thảo và các cuộc thi để trải nghiệm, phát triển bản thân và tìm ra điều mình sẽ gắn bó lâu dài cho nghề nghiệp trong tương lai”, anh kể.

Trong vòng gần 1 năm tạm nghỉ, chàng trai xứ Huế đã ứng tuyển thành công học bổng và tham gia 3 workshop tại Nhật Bản, Thái Lan và Phillipines.

“Trong số các hoạt động tham dự, mình đã có cơ hội tìm hiểu sâu về kiến trúc di sản, đặc biệt trong 3 tuần mình được khám phá thực địa để thiết kế xây dựng lại khu nhà ổ chuột Bohol, Phillipines. Mặc dù người dân ở khu vực này còn khó khăn nhưng họ rất trân quý sinh viên tụi mình, sẵn sàng mời cơm, hỗ trợ khảo sát. Chuyến đi đó thực sự để lại cho mình nhiều điều tốt đẹp, mặc dù thiết kế chưa được hiện thực hoá”, Tài cho hay.

Tài thuyết trình tại Cuộc thi Tài năng sinh viên kiến trúc Châu Á 2019

NVCC

Cũng trong thời gian này, thành viên TOP 5 Việt Nam cuộc thi Tài năng sinh viên kiến trúc châu Á năm 2018 đạt giải nhất của Việt Nam và TOP 8 quốc tế. Ngoài ra, anh còn đạt giải nhì cuộc thi vẽ ký hoạ “Sinh viên UAH chung tay đẩy lùi Covid-19” và giành học bổng hỗ trợ giáo dục Lê Mộng Đào.

“Đầu năm 2020, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, mình đã bị huỷ một vài chương trình, song những thành quả trên có lẽ cũng đủ để mình thấy lần nữa lựa chọn gap year là hợp lý. Việc đi đến nhiều nơi, có cơ hội gặp gỡ và tham quan các công trình kiến trúc bản địa mình đã nhớ về những công trình kiến trúc di sản nổi tiếng của Việt Nam, ngay chính quê hương mình. Những chuyến đi đã đánh thức mình tiếp tục khai thác kiến trúc di sản bởi những giá trị của nó, thúc đẩy mình nghiên cứu, ứng dụng sâu hơn trong những công trình của bản thân trong tương lai”, kiến trúc sư người Huế nhớ lại.

Cảm hứng từ câu truyện "Dế mèn phiêu lưu ký"

Năm 2021, nhóm của Tài đạt giải Vàng cuộc thi thiết kế kiến trúc dành cho sinh viên khu vực châu Á do Hội Kiến trúc sư châu Á tổ chức. Đáng nói, nhóm công trình do Tài đứng đầu là nhóm Việt Nam 1 trong 3 nhóm sinh viên Việt Nam tham dự chương trình và đạt giải thưởng Vàng.

Tài (thứ 2 từ phải qua) ở workshop "Suy nghĩ về sự cộng sinh" tại Shinjuku, Tokyo 2019

“Tụi mình lấy cảm hứng từ câu truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" để thực hiện đề tài On the floating leaves. Trong thời đại bùng nổ công nghệ, việc tương tác giữa người với người giảm sút và tụi mình mong muốn kiến trúc cũng có thể đóng vai trò kết nối giữa con người. Bên cạnh đó, câu chuyện văn hoá chợ nổi, sự giao thoa của Sài Gòn và văn hoá miền Tây sông nước ở những năm gần đây vẫn chưa được phát triển, bà con miền Tây vẫn còn đưa hàng hoá lên thành phố bằng đường thuỷ qua bến Bình Đông. Điều này có thể là một nét đẹp nhưng cũng vô tình tạo ra những ảnh hưởng đến môi trường”, Tài nói về công trình nhóm thực hiện.

Với yêu cầu thiết kế không gian công cộng trong phạm vi 15 phút đi bộ, Tài và thành viên trong nhóm đã xây dựng một công trình vừa có yếu tố văn hoá khi lấy nhân vật hai chú dế trong truyện "Dế mèn phiêu lưu ký", vừa đảm bảo các công năng thực tiễn. Điều đặc biệt của công trình là hướng đến người khuyết tật.

“Tụi mình đã xây dựng các đoạn đường/lối đi không chỉ phù hợp với các độ tuổi khác nhau mà còn ưu tiên đến người khuyết tật, giúp họ có thể thoải mái di chuyển trong khuôn viên. Ở thời điểm bắt đầu triển khai cũng là thời điểm dịch bệnh nên tụi mình bị hạn chế khảo sát, chỉ kịp sử dụng khảo sát tiền trạm vào tháng 3.2021 để làm. Bên cạnh đó, mình dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu về khu đất, các tài liệu liên quan và đặc biệt xem trọng yếu tố văn hoá lịch sử để phù hợp với người dân ở đây”, anh chia sẻ.

Tài (thứ 3 từ phải qua) tham gia khoá học hè tại Đại học thiết kế Thammasat

Tháng 7.2022 vừa qua, kiến trúc sư trẻ yêu di sản tiếp tục nhận được học bổng toàn phần tham gia khoá học thiết kế hè tại Đại học Thiết kế Thammasat, Thái Lan nằm trong khuôn khổ các chương trình học thuật nghiên cứu về thiết kế cho sức khỏe con người được bảo trợ bởi Tổ chức Y tế Thế giới.

Nói về đề tài tốt nghiệp xuất sắc lọt TOP 100 thế giới, anh cho biết: “Mình tiếp tục kiến trúc di sản với mô hình Trung tâm sinh hoạt văn hoá Phá Tam Giang làm đề tài tốt nghiệp. Bản thân luôn mong muốn có thể vận dụng những kiến thức bổ ích học được để đóng góp vào việc giữ gìn và phát triển những truyền thống tốt đẹp của quê hương. Phá Tam Giang không chỉ là niềm tự hào của người miền Trung mà còn của cả Việt Nam với vùng phá lưới lớn nhất Đông Nam Á, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, thiên nhiên lẫn kinh tế. Do đó, chúng ta cần thiết kế một công trình giúp giữ gìn những điều tốt đẹp này”.

Sau khi được đánh giá loại xuất sắc, với sự động viên của thầy cô, Tài quyết định gửi bài tham dự giải thưởng Tamayouz Award 2022, một giải thưởng uy tín thế giới về lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Hiện tại ban tổ chức đang tiếp tục xét TOP 50, TOP 20 để có thể chọn ra những công trình xuất sắc nhất và trao giải thưởng.

“Việc tìm tài liệu và tiếp cận công trình thực tế là hai khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu về kiến trúc di sản bởi không phải công trình nào cũng có sẵn dữ liệu chính xác để mình nghiên cứu và việc tìm hiểu về những công trình có tuổi đời lớn cũng rất phức tạp. May mắn mình luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía thầy cô ở trường để tìm hiểu, phân tích và nghiên cứu những giá trị của kiến trúc di sản ở Việt Nam”, anh bộc bạch.

Nói về cựu sinh viên của mình, Kiến trúc sư Đàm Huỳnh Quốc Vũ, giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM cho hay: “Tôi đồng hành cùng Anh Tài ở hai đồ án quan trọng trong cuộc đời sinh viên của em. Sau hai năm cùng làm việc, tôi nhận thấy rõ đam mê, sự nỗ lực, tinh thần cầu tiến và nguồn năng lượng vô cùng lớn của em ở lĩnh vực này. Tôi tin trên con đường nào, Tài cũng luôn thành công và trở thành một kiến trúc sư sáng tạo, một người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ”.

Thời gian tới, Tài tiếp tục tham gia thỉnh giảng tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và tham gia làm việc từ xa tại văn phòng Kiến trúc B+A Architecture, Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, anh tiếp tục tập trung theo đuổi nghiên cứu kiến trúc về di sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.