Chàng trai 'duyên nợ’ với đồng bằng sông Cửu Long

12/11/2021 16:47 GMT+7

Phan Kỳ Trung giành học bổng toàn phần Chevening của chính phủ Anh cho khóa học thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên nước. Trở về Việt Nam, anh có thêm nhiều công trình nghiên cứu gắn với 'duyên nợ' đồng bằng sông Cửu Long.

Phan Kỳ Trung tâm huyết với các vấn đề môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long

nvcc

Là cựu sinh viên khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ, Phan Kỳ Trung (26 tuổi) đến với ngành môi trường từ sự tò mò với ngành còn mới mẻ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm 2012, 2013.

Chàng trai quê Bạc Liêu chia sẻ: "Càng học, tôi càng đam mê, với mong muốn có thể tìm thấy sự kết nối giữa người dân với thiên nhiên, tạo ra những giá trị tích cực nhằm nâng cao hiệu suất nhưng không ảnh hưởng tới thiên nhiên”.

Truyền cảm hứng cho người trẻ

Năm 2019, ở tuổi 24, anh Trung giành học bổng toàn phần Chevening của chính phủ Anh cho khóa học thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên nước tại ĐH Southampton. Nhận được lời mời tham gia nghiên cứu từ thầy giáo cũ ngay sau khi tốt nghiệp, anh Trung trở về Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục công việc nghiên cứu.

“Tôi mong có thể mang những gì bản thân tích lũy được từ nền giáo dục hàng đầu thế giới để có thể đóng góp nhiều hơn cho quê hương, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ”, anh nói về duyên nợ với đồng bằng sông Cửu Long.

Trung trong thời gian học tập tại Southampton

Hiện tại, công việc chính của Trung là quản lý, thực hiện và tham gia các nội dung nghiên cứu trong các dự án hợp tác giữa Trường ĐH Cần Thơ và các đối tác trong và ngoài nước.

Anh là một trong bốn nhà khoa học tại Trường ĐH Cần Thơ đang tham gia dự án Living Deltas Research Hub, được Quỹ Nghiên cứu và sáng tạo của chính phủ Anh tài trợ. Dự án này là nhằm thúc đẩy những giải pháp mang tính chiến lược trong phát triển bền vững các đồng bằng lớn bị tác động bởi biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, Trung là trợ lý nghiên cho PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, bên cạnh các dự án ngắn hạn tự điều phối, anh cũng tham gia dự án nghiên cứu Rise and Fall, hướng đến tìm kiếm các giải pháp quản lý nguồn nước dưới đất bền vững trong điều kiện xâm nhập mặn và đô thị hóa gia tăng tại đồng bằng sông Cửu Long.

Khởi xướng dự án từ khu cách ly

Bên cạnh công việc nghiên cứu, chàng trai Bạc Liêu còn tham gia nhiều hoạt động phát triển cộng đồng trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu. Anh cố vấn cho các dự án cộng đồng của thanh thiếu niên, hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học, hướng dẫn luận văn ĐH tại Trường ĐH Cần Thơ.

Trung năng động trong hoạt động thanh niên

Gần đây nhất, với vai trò là 1 trong 4 chuyên gia cố vấn cho dự án của Hội đồng Anh tại Việt Nam, Trung đã đồng hành và hướng dẫn khoa học cho 3 dự án hành động liên quan đến xâm nhập mặn tại Bến Tre, ô nhiễm môi trường tại Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ và tác động từ chế phẩm hóa học tại Làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp. Các kết quả của dự án không những góp phần nâng cao năng lực cho cộng đồng tại đồng bằng Sông Cửu Long, mà còn được Hội đồng Anh truyền tải đến Hội nghị COP 26 vừa diễn ra tại TP.Glasgow (Anh).

Cuối năm 2020, khi đang ở khu cách ly (vì vừa từ Anh trở về Việt Nam), anh cùng hai cựu học giả Chevening đã khởi xướng dự án cộng đồng về môi trường - CoRe, nhằm phát triển mạng lưới thanh niên cốt lõi tại đồng bằng sông Cửu Long, sẵn sàng hành động trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Trung tập huấn cho thanh niên về biến đổi khí hậu

Hứa Ngọc Huỳnh Trang, cựu sinh viên khóa 40 khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ: “Mình may mắn được anh Trung hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học, thời gian đó, bản thân mình đã học hỏi được rất nhiều từ anh. Nhờ đó, mình hoàn thiện hơn và đề tài đã đạt loại giỏi. Ngoài ra, anh còn là người truyền cảm hứng để mình tiếp tục tham gia nghiên cứu đề tài về môi trường và biến đổi khí hậu ngay sau đó”.

Tính đến thời điểm hiện tại, anh Phan Kỳ Trung đã tham gia 8 đề tài nghiên cứu, trong đó có 2 đề tài quốc tế. Ngoài ra, anh có 3 bài được đăng tải trên tạp chí nghiên cứu quốc tế, bao gồm "Đánh giá sự tổn thương xã hội do xói mòn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long" trên The International Journal of River Management (Tạp chí quốc tế về quản lý lưu vực sông).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.