Chàng trai dành cả thanh xuân làm 'sứ giả' kết nối các lớp học tình thương

12/12/2022 09:00 GMT+7

Suốt 4 năm nay, Ninh Việt Trí (25 tuổi) ở tỉnh Bình Dương đi vận động khắp nơi để kết nối, mang con chữ về cho các em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các lớp học tình thương.

Tìm đến lớp học tình thương cho các em nhỏ xóm nhập cư ở đường số 18, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM), chúng tôi bắt gặp hình ảnh một chàng thanh niên trẻ có cái tên khá đặc biệt, đó là Ninh Việt Trí. Anh cho biết mình vừa xong công việc ở chỗ làm thì vội vã chạy qua lớp học để hỗ trợ, chỉ bài cho các em nhỏ.

Ninh Việt Trí dành cả thanh xuân để kết nối, hỗ trợ các lớp học tình thương

THẢO PHƯƠNG

Cùng các em viết tiếp ước mơ còn dang dở…

Sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, cũng như bao bạn bè đồng trang lứa khác, năm 18 tuổi, Trí “cõng” ước mơ của mình lên thành phố. Trong thời gian học tập ở Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, Trí luôn tham gia đội công tác xã hội, hay thực hiện những chuyến đi tình nguyện xa, nhưng chỉ gói gọn vào các ngày cuối tuần.

Vì thế, để giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn một cách đều đặn hơn, chàng trai 9X bén duyên với các lớp học tình thương. "Sau khi được giới thiệu lớp học tình thương ở làng đại học (giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương), được nghe những câu chuyện, mình thấu hiểu sự kém may mắn khi các em phải vào đời từ sớm, vì hoàn cảnh nên không thể theo đuổi con chữ. Vì vậy, mình muốn chia sẻ những gì mình có thể làm để cùng các em viết tiếp ước mơ còn dang dở”, Trí chia sẻ.

Trí cũng cho biết thêm sở dĩ anh chọn hoạt động giáo dục để cống hiến vì mọi vấn đề đều bắt nguồn từ con người, cho nên chỉ có thay đổi nhận thức thì mới giải quyết được tất cả vấn đề. Chàng trai trẻ cũng hy vọng thông qua việc dạy dỗ, chia sẻ với các em nhỏ sẽ góp phần tạo nên thế hệ tương lai, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Hiện tại Trí đang hỗ trợ kết nối cho 4 lớp với khoảng 370 em: lớp học tình thương đường số 18 (số 80, đường số 18, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức); lớp học tình thương ấp Tân Lập (TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương); lớp học tình thương Ái Linh (154, P.Tân Phú, TP.Thủ Đức); mái ấm Sunrise tại Kenya, ở tận châu Phi.

Ninh Việt Trí giảng bài cho các em nhỏ tại lớp học tình thương đường số 18, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức

THẢO PHƯƠNG

Các em tham gia lớp học đa phần trong độ tuổi tiểu học, chủ yếu là dân nhập cư, công việc của gia đình không ổn định nên phải ra đời sớm, tìm việc phụ giúp gia đình.

“Tại lớp học ở đường số 18, vào mỗi giờ học các em sẽ ngồi vào chỗ và các tình nguyện viên sẽ luôn phiên đi đến bàn từng bàn để kèm các em học. Vì không cùng một độ tuổi nên việc đứng bục giảng để giảng bài cho các em ở lớp học này là hầu như không có”, Trí cho hay.

Hằng ngày luôn dành thời gian để đưa đón đứa cháu 8 tuổi tới lớp học tình thương ở đường số 18, bà Đặng Thị Vân (64 tuổi), quê Cà Mau đang ngụ tại khu phố 6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức không giấu nổi sự xúc động: “Ba mẹ nó bỏ, 2 bà cháu nương tựa sống với nhau qua ngày làm gì có tiền cho nó đi học, tôi cũng bận đi làm kiếm cơm nên không có ai chỉ, lên 8 tuổi, nhờ các thầy cô ở đây nó mới biết đọc, biết viết”, bà Vân nói.

Tùy vào đặc điểm riêng của từng lớp mà Trí sẽ hỗ trợ khác nhau, lớp nào thiếu người dạy thì anh tìm người đến dạy hoặc Trí sẽ đảm nhận luôn, lớp nào thiếu kinh phí thì Trí hỗ trợ tiền. Nói chung, lớp học thiếu cái gì Trí sẽ kịp thời đáp ứng hỗ trợ ngay.

Em Cầm đã gắn bó với lớp học tình thương trên đường số 18 suốt 4 năm nay

THẢO PHƯƠNG

Không chỉ hỗ trợ cho các lớp học ở Việt Nam, Trí còn kết nối xuyên biên giới: “Lúc trước, mình học về xuất nhập khẩu, sau này ra trường tuy không theo ngành học nhưng mình vẫn mong muốn có thể kết nối ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thông qua những hội nhóm trên các trang mạng xã hội, mình tìm cách kết nối với những hoàn cảnh khó khăn trên thế giới”, Trí chia sẻ.

Tuy nhiên, hành trình lan tỏa yêu thương ấy chẳng dễ dàng, do vấp phải nhiều khó khăn nên mãi đến năm 2020 Trí mới kết nối được lớp học đầu tiên ở mái ấm Sunrise tại Kenya của châu Phi. Không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính, chàng trai 9X còn chia sẻ những tác phẩm thư pháp và những giá trị, văn hóa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế như Tết Trung thu, phong tục tặng nhau chữ nghĩa vào mỗi dịp tết đến xuân về…

"Hỗ trợ cộng đồng sẽ giúp chúng ta đạt được sự thanh thản trong tâm hồn"

Mặc dù góp phần mang con chữ đến với các em nhưng Trí khiêm tốn xem đó là những việc bình thường nên làm. Trí bộc bạch: “Có nhiều người nghĩ mình đang làm điều gì đó lớn lao, nhưng đây chỉ là những việc bình thường nên làm. Giống như việc chúng ta tập thể dục để có một cơ thể khỏe mạnh thì việc hỗ trợ cộng đồng sẽ giúp chúng ta đạt được sự thanh thản trong tâm hồn”.

Hiện tại, Trí vẫn cố gắng nỗ lực từng ngày để kết nối các bạn tình nguyện viên đến với lớp học, tìm kiếm những chương trình phù hợp để hỗ trợ các em. Điều khiến Trí buồn nhất là khi vì hoàn cảnh mà các em theo cha mẹ về quê và phải rời lớp học.

“Mình biết con đường đi sau này của các em còn rất dài, mình và những người khác chỉ có thể hỗ trợ các em một đoạn đường ban đầu. Hy vọng ngoài con chữ thì các em có cho mình cách cư xử và thái độ sống tốt để được mọi người yêu thương”, Trí tâm sự.

Nụ cười của các em là niềm hạnh phúc của Trí...

THẢO PHƯƠNG

Khi số lượng các bé đến với lớp học ngày càng tăng lên và những việc làm của mình được mọi người ủng hộ, Trí cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy chàng trai 9X không ngừng cố gắng.

“Mình nghĩ ai cũng có những lúc căng thẳng mệt mỏi, khi đó thay vì tìm đến những quán cà phê hay những tụ điểm giải trí chi bằng đến giúp đỡ các em, để rồi chính chúng ta cũng sẽ được chữa lành khi giúp đỡ người khác”, Trí bộc bạch.

Thông qua những hoạt động nhân văn, Trí muốn nhắn gửi: “Mình cũng là một người bình thường làm những việc bình thường, vô tình được cộng đồng chú ý, hy vọng ai cũng tìm kiếm được con người phi thường ở chính bản thân mình, tìm ý nghĩa trong các việc mình làm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.