Chàng trai 9X ở Pháp muốn giúp Việt Nam phát triển kinh tế năng lượng

04/06/2021 14:06 GMT+7

Làm việc cho Tập đoàn dầu khí Total, Trần Hoài Phương (28 tuổi) mong muốn làm cầu nối giữa Việt Nam và Pháp trong phát triển công nghệ đảm bảo an ninh năng lượng sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Trần Hoài Phương quê ở Hà Nội hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm cuối ngành vật lý - hóa học - vật liệu tại Đại học Sorbonne, Pháp. Anh cũng là chuyên viên nghiên cứu và phát triển tại Tập đoàn dầu khí Total - một trong 5 tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới

 Công trình nổi bật nhất 

Chàng trai người Việt tại Pháp theo đuổi đề tài luận văn tiến sĩ “Sự hình thành và tính ổn định của bọt dầu” xoay quanh cách ổn định hỗn hợp chất tạo bọt, ứng dụng trong truyền dẫn dầu khí và động cơ xe điện.
Vào tháng 10.2020, những thành quả ban đầu trong nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Khoa học Physical Review Letters (Hiệp hội Vật lý Mỹ) - một trong những tạp chí chuyên ngành nổi tiếng và quan trọng nhất của lĩnh vực vật lý trên thế giới.

Phương (bìa phải) tại hội thảo khoa học về lưu biến học toàn châu Âu tại Slovenia cùng nhóm nghiên cứu

Bài báo “Nghiên cứu tính chất tạo bọt của hỗn hợp chất lỏng: Phát hiện nguồn góc tương tự chất hoạt động bề mặt trong việc tăng tuổi thọ màng chất lỏng” của Hoài Phương trở thành công trình nổi bật nhất trong kỳ được khuyến nghị tới độc giả và giới khoa học trong phần “Đề xuất của tòa soạn” (Editor’s suggestion) và “Nghiên cứu vật lý tiêu biểu” (Featured in Physics). Bài báo cũng nhận được sự quan tâm của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc Gia Pháp (CNRS) cũng như Hiệp hội Vật lý Mỹ (APS).

Động lực đổi mới và tư duy sáng tạo của thanh niên chính là nguồn năng lượng quý giá và vô tận hơn bất kỳ dạng năng lượng truyền thống nào khác

Trần Hoài Phương  
Sự hình thành các bọt khí cản trở năng suất vận hành của các mỏ dầu tự nhiên khi có thể gây tắc nghẽn, dẫn tới rò rỉ dầu, gây thiệt hại về kinh tế cũng như làm ô nhiễm môi trường. Do đó, nghiên cứu của Hoài Phương góp phần vào giải quyết một trong những bài toán khó khăn nhất tại giai đoạn khai thác và vận chuyển dầu khí.
Bên cạnh đó, nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tế khi xu hướng xe điện dẫn đầu trở thành phương tiện di chuyển thay thế cho các phương tiện dùng xăng, dầu truyền thống. "Trong quá trình động cơ vận hành, bọt khí xuất hiện làm cản trở chuyển động của các bánh răng, dẫn đến giảm hiệu năng và gây ra hỏng hóc trong động cơ xe điện. Vì thế, nhóm nghiên cứu và tôi quyết định đưa ra mô hình để giải thích hiện tượng này", Hoài Phương chia sẻ.

Phương  tại chuyến thực địa tại nhà máy Flanders  năm 2015  ở Dunkirk (Pháp). Đây là nhà máy lọc dầu cuối cùng được xây dựng ở Pháp (hiện đã dừng hoạt động)

“Công trình này góp phần nâng cao hiệu suất của việc khai thác và vận chuyển dầu khí trong các ống dẫn (năng lượng hóa thạch truyền thống) và tối ưu hóa các chất bôi trơn trong động cơ xe điện”, Phương cho biết.
Đáng chú ý, kết quả của anh đã được Giáo sư Steven Abbott, từng nghiên nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) và Đại học Harvard (Hoa kỳ) hiện thực hóa thành ứng dụng để đo mức độ tạo bọt.

Mê nghiên cứu ứng dụng phát triển năng lượng

Kể từ khi còn là học sinh chuyên lý, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên  (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) đến nay, Hoài Phương vẫn gắn bó với ước mơ đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng phát triển năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi từng ngày.
Dự định của anh sau khi hoàn thành tiến sĩ là tiếp tục làm cầu nối giữa Việt Nam và Pháp trong chuyên ngành này. Với những nghiên cứu của mình, anh hy vọng có thể đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng từ hóa thạch truyền thống, tiến tới giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải CO2 trong quá trình sản xuất. Điều này có thể giúp Việt Nam tiến gần hơn với mục tiêu kép phát triển bền vững: vừa đảm bảo kinh tế - năng lượng vừa bảo vệ môi trường.
“Vấn đề an ninh năng lượng là một trong năm trụ cột của chiến lược quốc gia, đóng vai trò then chốt cho sự phát triển không ngừng trong tương lai của Việt Nam. Do đó, chúng ta cần đảm bảo và gắn chặt nó với phát triển bền vững. Chính vì vậy, mình lựa chọn theo đuổi lĩnh vực này để có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, Hoài Phương cho hay.

Phương (bìa trái) tại chuyến đi dã ngoại, trải nghiệm môi trường thiên nhiên cùng nhóm nghiên cứu

Tham gia mảng năng lượng cho dự án “Tái thiết miền Trung"

Không chỉ dừng lại ở hoạt động nghiên cứu, Hoài Phương còn tham gia cuộc thi Innocity 2021 với vai trò huấn luyện viên, nhằm chia sẻ kiến thức và hỗ trợ cho các đội thi tranh tài trong hạng mục Năng lượng - Môi trường.
Đây là cuộc thi Sáng kiến trẻ Việt Nam toàn châu Âu đầu tiên và duy nhất được Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan, phối hợp cùng Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (Global VYSA) và các Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu  tổ chức.
Bên cạnh đó, anh tham gia tích cực các dự án tình nguyện của Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), tham gia tư vấn phát triển bền vững cho các tỉnh, thành phố và ứng dụng đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Hiện nay, Phương đang dành phần lớn thời gian cho mảng năng lượng của dự án “Tái thiết miền Trung”, bắt đầu từ tỉnh Quảng Trị, cũng như tìm hiểu các kinh nghiệm quốc tế để định vị thương hiệu và hướng phát triển của TP.HCM trong tương lai.
“Tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời điểm hiện nay. Nhưng vươn lên tất cả, động lực đổi mới và tư duy sáng tạo của thanh niên chính là nguồn năng lượng quý giá và vô tận hơn bất kỳ dạng năng lượng truyền thống nào khác”, Phương chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.