Chàng sinh viên ngành tiếng Anh giữ lửa nghề hát bội

17/06/2022 08:26 GMT+7

Trong khi những người trẻ yêu thích văn hóa và nghệ thuật hiện đại, chàng sinh viên trường ĐH Mở TP.HCM lại dành trọn trái tim, sự đam mê và nhiệt thành cho hát bội.

Cái duyên trời ban

Trần Thế Dương (quê ở Sóc Trăng) hiện là sinh viên năm cuối của ngành Ngôn ngữ Anh. Từ lúc còn bé, Dương đã lớn lên cùng những giai điệu mùi mẫn, ngọt ngào của cải lương, hát bội.

Khi hỏi vì sao lại chọn theo đuổi nghệ thuật của “những ngày dĩ vãng”, chàng sinh viên bộc bạch vì là người Việt Nam nên anh yêu thích và muốn tìm hiểu nghệ thuật truyền thống của nước nhà. “Hát bội mang lại giá trị nhân văn cho cuộc sống, hướng xã hội đến những điều tốt đẹp, dạy cho chúng ta đạo đức làm người”, Dương chia sẻ về mối duyên giữa mình và hát bội.

Dương luôn mơ ước được đứng trên sân khấu

NVCC

Hiện Dương hoạt động tại Đoàn Nghệ thuật hát bội cải lương tuồng cổ Thanh Lệ, đoàn nghệ thuật của gia đình qua nhiều đời truyền lại. Chàng sinh viên lấy nghệ danh Hải Dương - cái tên được nghệ sĩ Thanh Lệ đặt cho anh. “Hải” tượng trưng cho sự rộng lớn, dạt dào của biển cả, còn “Dương” là ánh mặt trời chỉ ánh sáng và sự minh bạch. Nghệ sĩ Thanh Lệ muốn Hải Dương trở thành một người nghệ sĩ dạt dào cảm xúc, sáng sân khấu và có đạo đức tốt đẹp như hai hình tượng biểu trưng trên.

Hải Dương cùng nghệ sĩ Thanh Lệ (áo xanh) và anh chị em trong đoàn biểu diễn trên sân khấu

NVCC

Nam sinh viên tâm sự: “Tôi đến với đoàn rất tình cờ. Trong một lần đi xem hát, tôi được một người anh trong nghề hỏi thăm, dẫn về nhà nghệ sĩ Thanh Lệ để giới thiệu và đăng ký nhập học”.

Không qua trường lớp đào tạo, Hải Dương học trực tiếp từ nghệ sĩ Thanh Lệ (trưởng đoàn), người vừa là thầy cũng là má nuôi của anh, cùng anh chị em nghệ sĩ trong đoàn.

Chàng trai trẻ tâm sự điều khó khăn nhất khi học trực tiếp từ sân khấu là rất bỡ ngỡ, không có kinh nghiệm xử lý những tình huống phát sinh. Anh kể: “Sự cố đầu tiên là lúc mình chưa biết "hát cương". Khi diễn cùng nghệ sĩ chuyên nghiệp thì bị đơ ra, không biết hát gì”. Hát cương là lối hát ngẫu hứng vẫn đúng tình huống của tuồng nhưng cần sự ứng biến của ca và diễn, không nằm trong kịch bản từ trước.

Theo thời gian, Hải Dương quen dần nên tích lũy được kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót. “Má Thanh Lệ nhận xét mình có cố gắng và phát triển rõ rệt qua từng năm”, anh vui vẻ bộc bạch.

Hải Dương tâm sự thêm vai diễn đặc biệt nhất của mình là vai Tang Đại trong vở tuồng Sở Vân Cứu Giá. Vai diễn này ban đầu là kép nam nhưng về sau anh phải giả đào (nữ) để lập mỹ nhân kế và anh mất gần 1 tháng tập múa song kiếm thành thạo để sắm vai.

Dương đổi trang phục và đầu tóc trong 10 phút từ kép (nam) sang đào (nữ)

NVCC

“Hát bội làm tội người ta”

Bắt đầu học nghề và làm quen sân khấu từ năm 2017, Hải Dương phải cân bằng giữa đi học và đi diễn. Đôi khi lịch diễn và lịch học trùng hoặc sát nhau, anh chỉ có thể gác lại việc nghỉ ngơi để chu toàn mọi thứ.

Một vở diễn đòi hỏi rất nhiều công sức nhưng thu nhập của nghệ sĩ lại không cao, nếu không muốn nói là “bọt bèo” giữa buổi vật giá leo thang. Hải Dương bộc bạch: “Giá cát sê so với tiền sắm sửa phục trang, mũ mão thì cũng chẳng thấm vào đâu. Song tôi luôn quan niệm đây là đam mê, tôi chưa bao giờ đặt nặng vấn đề tiền bạc”.

Chàng sinh viên nói đôi lúc muốn dừng việc hát lại để lo toan những bộn bề cuộc sống. “Nếu nghỉ hát thì tôi sẽ sống thoải mái hơn, nhưng đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua. Tôi sống mà không có đam mê thì cũng chẳng ý nghĩa gì”, Dương giãi bày.

Tuy vất vả, nhưng anh vẫn hài lòng với hiện tại. Ngoài việc học và đi diễn, Hải Dương còn làm thêm phụ kiện hát bội như mũ mão, trâm cài... Chàng sinh viên nói đây là một cái nghề vừa có thêm thu nhập vừa làm công việc mà bản thân yêu thích. Sau khi hoàn thành sản phẩm, anh chụp ảnh đăng lên Facebook, khách hàng “thuận mua vừa bán” thì đi giao.

Hải Dương mất nhiều ngày để cho ra đời một chiếc trâm cài kỳ công. Anh cho biết phụ kiện cần làm nhẹ nhất có thể để nghệ sĩ biểu diễn thuận tiện hơn.

NVCC

Kể lại một kỷ niệm xúc động, anh cho hay: “Có đêm diễn ở miếu Bà Rá (Bình Phước) thì mưa rất lớn. Dù vậy, nhìn xuống trước sân khấu khán giả vẫn chăm chú ngồi xem. Điều đó đã khắc ghi vào tâm trí Dương đến hôm nay”.

Với ngọn lửa nghề cháy bỏng, chàng trai trẻ khao khát cùng bạn bè và anh chị em đồng nghiệp vực dậy thời hoàng kim của nghệ thuật hát bội tuồng cổ. Bởi lẽ Dương nghĩ: “Nơi người nghệ sĩ muốn đứng nhất là sân khấu. Người mà nghệ sĩ muốn gặp nhất là khán giả”.

Hát bội (hát tuồng) là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống có lịch sử lâu đời của Việt Nam. Hát bội thể hiện được “hỉ, nộ, ái, ố”, cho con người ta hiểu “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” thông qua từng lớp diễn, vai tuồng sân khấu cũng như đời thường. Từng đạt đến đỉnh cao và được đông đảo khán giả yêu thích, hát bội giờ đây đang đứng bên bờ vực mai một do ít người quan tâm, thiếu thốn cơ sở vật chất biểu diễn và rơi vào “cơn khát” nghệ sĩ trẻ để phát triển và gìn giữ lửa nghề.

Trong Đoàn Nghệ thuật hát bội cải lương tuồng cổ Thanh Lệ, ngoài Hải Dương còn có hai thành viên trẻ cùng tuổi khác là Thanh Quang và Thanh Thảo. Tất cả đều đam mê tuồng cổ hát bội, đến và ở lại với đoàn vì những cái duyên.

Nguyễn Phương Thảo, nghệ danh Thanh Thảo (23 tuổi), chia sẻ lý do đến với đoàn Thanh Lệ: “Tôi là sinh viên của Trường ĐH Văn hóa. Cách đây 4 năm, tôi tình cờ gặp được cô Thanh Lệ trong một lần biểu diễn. Tôi thấy cô tâm huyết và dễ gần nên xin theo học. Cô đã giúp đỡ, dẫn dắt tôi đến ngày hôm nay”.

Về thế hệ em cháu trong đoàn, nghệ sĩ Thanh Lệ tâm sự mình rất quý “lửa nghề” của họ. Cô cũng khiêm nhường xin dành cho khán giả phần nhận xét về các nghệ sĩ trẻ của đoàn. Cô nói: “Người xem bây giờ tuy thưa thớt, quy mô của hát bội cũng không còn hoành tráng như trước nhưng tôi luôn giữ mãi ngọn lửa nghề để truyền lại cho thế hệ trẻ. Tôi tin hát bội sẽ không bao giờ bị thất truyền”.

Hải Dương và Thanh Thảo là đôi bạn diễn ăn ý

NVCC

Nhắn gửi đến những gương mặt trẻ của sân khấu, nữ nghệ sĩ tha thiết: “Tôi mong muốn không chỉ riêng đệ tử của mình mà tất cả em cháu thế hệ tiếp nối giữ được đạo đức làm nghề. Có đạo đức thì nghệ thuật mới thăng hoa”.

Đây cũng là một trong những lời dạy mà Hải Dương khắc cốt ghi tâm. Chàng sinh viên luôn mang theo lời dặn dò của má Thanh Lệ trên bước đường theo đuổi đam mê: “Con nên nhớ nghề hát của mình là bầu trời vô tận. Con không được phép ngừng học hỏi dù chỉ một ngày”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.