Chàng sinh viên cao 80cm, nặng 30kg ước mơ ngồi trên yên xe đạp

04/04/2016 13:06 GMT+7

Một phép màu từ tình yêu thương, sẻ chia của tất cả mọi người sẽ giúp cho chàng sinh viên đặc biệt này bớt gập ghềnh khi tiếp bước trên đường đời đang lắm nỗi lo toan.

Một phép màu từ tình yêu thương, sẻ chia của tất cả mọi người sẽ giúp cho chàng sinh viên đặc biệt này bớt gập ghềnh khi tiếp bước trên đường đời đang lắm nỗi lo toan.

Em Dương Văn Thành và chiếc xe đạp nhỏ đã sử dụng 15 năm quaEm Dương Văn Thành và chiếc xe đạp nhỏ đã sử dụng 15 năm qua
Làng đại học của Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức, TP.HCM) có một sinh viên đặc biệt. Đó là Dương Văn Thành, chỉ cao 80cm và nặng 30kg.
Cuộc đời của chàng sinh viên “tí hon” này như một câu chuyện kỳ diệu về nghị lực phi thường tỏa sáng, dẫu bao năm tháng qua luôn đối mặt với vô vàn thử thách, gian truân.
VIDEO: Cậu sinh viên cao 80cm , nặng 30 kg và ước mơ của mình
Đến cấp 2 mới chập chững tập đi
Thường xuyên thiếu trước hụt sau lắm chú ơi, nhưng giờ biết làm sao. Nghề đi biển của chồng tui, rồi thằng Đạt đi làm công nhân cũng không dư dả gì cả. Tui phải chắt chiu từng đồng một
 Đặng Thị Thiểu
Năm nay Thành 22 tuổi, đang là sinh viên năm 2, khoa Hệ thống thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM).
Thôn Hà Tây, xã Triệu An, H.Triệu Phong (Quảng Trị) - quê của Thành vốn là vùng quê nghèo, thời tiết khắc nghiệt với mùa hè khô cằn cát bỏng, mùa đông lạnh buốt thấu xương. Dường như sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi miền đất này đã hun đúc cho Thành một khát vọng sống mãnh liệt, dẫu khi mới lọt lòng em đã bị khuyết tật bẩm sinh.
Để có được kỳ tích như hôm nay, Thành đã trải qua bao thử thách, gian truân của số phận không may mắn. Nếu như không có một nghị lực phi thường tỏa sáng và sự cưu mang, hy sinh lớn lao của những người thân yêu trong gia đình, thì Thành đã không thể nào “trụ vững”.
Bị vẹo cột sống và đôi bàn chân của Thành bị khuyết tật nên mãi đến năm cấp 2 Thành mới chập chững tập đi từng bước sau 3 lần phẫu thuật lúc còn học tiểu học. Bàn chân phải của Thành đã qua 2 lần phẫu thuật chỉnh hình, bàn chân trái cũng đã qua 1 lần phẫu thuật nhưng cho đến nay vẫn chưa thể trở lại bình thường. Khó khăn đi lại là vậy nhưng chưa một ngày Thành nguôi khát vọng đến trường, đến lớp.
Bà Thiểu, mẹ của Thành, rời quê theo con vào Sài Gòn mưu sinh giúp Thành có tiền đi học đại học
Thành nhớ lại: “Trường cấp 1 cách nhà em 1,5 km, mỗi ngày em đến lớp thì có mẹ cõng đi. Lên cấp 2, trường cách nhà 3km, có em trai chở bằng xe đạp. Đến cấp 3, trường cách nhà 7 km, mỗi ngày em đi học thì có mấy anh em trong xóm thương tình chở đi, chở về. Vất vả, khổ cực thì nhiều lắm nhưng em quen rồi”.
Tình yêu thương của những người thân trong gia đình và bạn bè đồng trang lứa, cho đến bây giờ, vẫn đang tiếp diễn, như một động lực tiếp sức cho Thành vượt qua khiếm khuyết của cơ thể.
Ở vùng quê nghèo, gia đình Thành thuộc diện hộ nghèo suốt bao năm qua. Bố của Thành (ông Dương Văn Dả) làm nghề đi biển thuê. Mẹ của Thành (bà Đặng Thị Thiểu) ở nhà lo nội trợ, cõng Thành đi học mỗi ngày. Ngày Thành có giấy báo vào đại học, bà Thiểu và Dương Văn Đạt (em trai của Thành, nay đã nghỉ học đi làm công nhân) cũng theo Thành vào TP.HCM.
Nhắc đến chuyện gia đình luôn đối mặt với quá nhiều cơ cực, nhiều lần bà Thiểu ứa nước mắt khi gặp chúng tôi.
Đi chân không vậy rồi nó cũng quen anh ơi. Đi trên đường bê tông hay đường cát, dù nóng thế nào em cũng thấy như thường do da bàn chân chai sần hết rồi. Lúc đầu đi thì bị chảy máu nhưng giờ thì không chảy nữa
Sinh viên khuyết tật Dương Văn Thành
“Thành lúc mới sinh ra đã bị khuyết tật rồi, đến giờ sức khỏe vẫn yếu bởi còn bị tim bẩm sinh nữa”, bà Thiểu chia sẻ và ngậm ngùi: “Ở quê không làm gì có tiền nên tui và thằng Đạt phải lặn lội vào Sài Gòn kiếm việc làm để giúp Thành có điều kiện đến lớp. Lúc nghe nó vào được đại học, tui đang đi gánh cá thuê ngoài bãi biển mà mừng đến phát khóc. Liên sau đó tui sắp xếp chuyện gia đình để đưa nó vô đây. Bây giờ bố nó ở quê cũng còn đi biển, vất vả, đơn chiếc lắm. Cứ đến tết mẹ con tui xin theo các chuyến xe miễn phí về thăm”.
Tháng đầu mới vào Sài Gòn, do chưa kiếm được việc làm nên bà Thiểu vô cùng chật vật chuyện cơm áo gạo tiền để lo cho con. Sau đó bà tìm đến căn tin của làng đại học xin phụ nấu bếp, lau dọn, rửa chén bác. Thấy hoàn cảnh mẹ con bà quá tội nghiệp nên người phụ trách căn tin nhận bà vào làm, trả 3 triệu đồng/tháng, đến nay được tăng thêm 500.000 đồng/tháng. Do không có tiền thuê trọ nên bà Thiểu lót chiếu ngủ lại căn tin mỗi tối.
Giữa đất Sài Gòn, chúng tôi nghĩ chừng đó tiền thì 2 mẹ con khó bề xoay sở chuyện ăn, chuyện học. “Thường xuyên thiếu trước hụt sau lắm chú ơi, nhưng giờ biết làm sao. Nghề đi biển của chồng tui, rồi thằng Đạt đi làm công nhân cũng không dư dả gì cả. Tui phải chắt chiu từng đồng một”.
Mơ một ngày được ngồi lên yên xe đạp
Do khuyết tật ở bàn chân nên dẫu đã 22 tuổi rồi mà chưa một lần Thành được mang dép. Những đôi dép bình thường ngoài chợ, Thành mang vào thì chân bị bó lại, rất đau bởi kích thước bàn chân không đồng đều.
Riêng những đôi dép đặc biệt dành cho người khuyết tật để có thể ướm thử vào chân, Thành chưa bao giờ dám mơ tới vì không có tiền để đặt làm. Dẫu vậy, Thành vẫn lạc quan: “Đi chân không vậy rồi nó cũng quen anh ơi. Đi trên đường bê tông hay đường cát, dù nóng thế nào em cũng thấy như thường do da bàn chân chai sần hết rồi. Lúc đầu đi thì bị chảy máu nhưng giờ thì không chảy nữa”.
Hiện Thành đang ở khu A ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, cách Trường Đại học Công nghệ Thông tin khoảng 1 km. Ngày ngày Thành cọc cạch đến lớp trên chiếc xe đạp nhỏ. Chiếc xe được một tổ chức từ thiện tặng cho Thành từ lúc em đi phẫu thuật bàn chân hồi con học tiểu học. Mãi đến năm lớp 8 Thành mới tự đạp được chiếc xe này.
Đến nay Thành và gia đình vẫn gìn giữ chiếc xe như một báu vật, dẫu nó đã quá cũ kỹ, hư hỏng nhiều bộ phận. Kích thước chiếc xe cũ không còn phù hợp nữa, nhưng không có tiền mua xe mới nên Thành vẫn phải sử dụng chiếc xe đạp được cho từ 15 năm trước.
Thành luôn ấp ủ giấc mơ mơ một ngày được ngồi lên yên xe đạp, bởi với chiếc xe hiện tại, Thành buộc phải ngồi sau yên thì mới đạp được. Cùng với “người bạn đồng hành” này, Thành còn có bạn học Trần Minh An thường xuyên đến giúp đỡ, phụ đẩy Thành bớt nhọc nhằn khi lên những đoạn đường dốc, cõng lên xuống tầng khi di chuyển phòng học...
Cuộc sống khó khăn trăm bề nhưng bà Thiểu vẫn âm thầm chịu đựng, nỗ lực vượt qua nơi đất khách quê người mà không một lời than vãn. “Tui chỉ mong có sức khỏe để sống với con, dù cực khổ thế nào cũng được, chứ đau ốm nữa thì không biết làm sao”.
Mới đây Thành được đưa đến tham quan nhà máy của FPT ở Khu công nghệ cao TP.HCM. Đây là lần đầu tiên Thành được chứng kiến một môi trường làm việc chuyên nghiệp về khoa học công nghệ. Trở về Thành ấp ủ mong ước sau khi ra trường sẽ có cơ hội gắn bó trong những môi trường như thế để có thể thực hiện những dự định tương lai của mình, giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh nghèo bám riết bao năm qua.
Thành và cả gia đình dù đã nỗ lực mỗi ngày nhưng vẫn không cách nào tự vượt qua được những ngặt nghèo, cơ hàn của số phận.
Chiếc xe không còn phù hợp nên Thành thường phải ngồi phía sau. Thành mơ một ngày được ngồi lên yên xe đạp và đôi chân mang được dép
Mẹ Thành phụ bếp ở căn tin làng đại học, đến tối lót chiếu ngủ tại đây vì không có tiền thuê trọ
Thành và người bạn học thân thiết Trần Minh An tại khu ký túc xá

Mọi sự giúp đỡ cho sinh viên Dương Văn Thành, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 102010000116341 – Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 tại TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ sinh viên Dương Văn Thành.
Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến sinh viên Dương Văn Thành trong thời gian sớm nhất.
Bạn đọc muốn liên hệ trực tiếp, xin gọi số: 0163 3290380 (em Thành) và 0167 2013132 (mẹ Thành). Thành đang ở khu A ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.