'Chẳng lẽ hợp pháp hóa 55% tài sản bất minh?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/04/2018 19:01 GMT+7

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc đã thẳng thắn đặt câu hỏi như vậy khi cho ý kiến về đề xuất thu thuế thu nhập 45% đối với tài sản kê khai không trung thực trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng .

“Thu thuế 45% còn hợp pháp hóa 55% tài sản còn lại là không ổn. Anh tham nhũng 100 triệu đồng rồi nộp thuế 45 triệu, còn lại 55 triệu thì coi như hợp pháp”, ông Phúc nói và nêu quan điểm: đã xác minh tài sản không chứng minh được thì phải tịch thu đã, nếu người bị tịch thu có ý kiến thì có thể kháng nghị ra tòa.
Cho rằng phương án truy thu thuế đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc là tối ưu trong hoàn cảnh hiện nay, song bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, không đồng tình với quy định cứng mức thuế suất 45% vì không có căn cứ và logic, đồng thời đề nghị cần tính theo luật Thuế thu nhập cá nhân.
Còn ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, thì cho rằng nguyên tắc là thu nhập, tài sản tăng thêm thì phải đánh thuế, đồng thời đề xuất: “Trường hợp tài sản tăng đột biến mà không kê khai thì xử phạt hành chính vì như vậy là khai gian. Sau khi xử phạt có thể tiếp tục đánh thuế với phần thu nhập tăng thêm”.
Thu thuế 45% còn hợp pháp hóa 55% tài sản còn lại là không ổn. Anh tham nhũng 100 triệu đồng rồi nộp thuế 45 triệu, còn lại 55 triệu thì coi như hợp pháp
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Trong khi đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.
Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”. Do đó, bà Nga đề xuất cần thận trọng, và có bước đi phù hợp trong quy định này.
Theo bà Nga, các thành viên của Ủy ban Tư pháp Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng tình với phương án truy thu thuế với mức 45%, có ý kiến tán thành với phương án xử phạt hành chính, song cũng có ý kiến đề nghị quy định cơ chế tịch thu tài sản theo trình tự tố tụng dân sự có tranh tụng hoặc tịch thu theo trình tự thủ tục hành chính, tư pháp (tương tự như trình tự, thủ tục tòa án quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng). "Cũng có ý kiến đề nghị hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp", bà Nga nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, đây là vấn đề mới và rất khó nên ý kiến còn rất khác nhau. Từ đó, ông Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra lập luận chặt chẽ, thuyết phục cho các phương án được đề xuất, đồng thời cho rằng, cần phải tổ chức các hội nghị, hội thảo bàn sâu hơn về vấn đề này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.