Chàng đội trưởng cứu nạn miễn phí: Không bỏ rơi ai cả!

11/10/2022 08:28 GMT+7

Câu chuyện về người đội trưởng của đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí cho nạn nhân tai nạn ở Hà Nội được cư dân mạng hết lòng thả tim, chia sẻ. Ai nấy đều khâm phục và ngưỡng mộ hành động cao quý của anh và các đồng đội khi không quản khó khăn, sẵn sàng giúp đỡ người xa lạ.

Những “thiên thần” không đôi cánh

Đó là anh Phạm Quốc Việt (35 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), người sáng lập ra FAS Angel, đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí cho người bị tai nạn với tôn chỉ: “Không bỏ rơi ai cả”.

Lực lượng nòng cốt của FAS Angel

NVCC

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Việt cho hay mình làm công việc này một mình từ năm 2017. Đến tháng 9.2019, khi đã tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm nhất định, anh chính thức thành lập đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí cho người bị nạn. Trụ sở hiện tại và cũng chính là nơi anh Việt làm việc là một cửa hàng sửa chữa xe ở phố Vũ Tông Phan (Hà Nội). Hoạt động chính của đội với mạng lưới hơn 130 thành viên rải đều khắp Hà Nội. Khi nhận được thông tin tai nạn, đội sẽ xác nhận vị trí hiện trường và tình trạng nạn nhân. Những thành viên gần nhất ngay lập tức đến nơi sơ cứu cho nạn nhân.

Trò chuyện với anh Việt về FAS Angel

Anh Việt cho biết FAS là từ viết tắt First Aid Support, nghĩa là hỗ trợ sơ cứu ban đầu. Chữ “Angel” giúp mọi người liên tưởng đến thiên thần. Thiên thần để bảo vệ những người không may gặp nạn, nếu không thể bảo vệ thì sẽ bên cạnh đưa tiễn họ. “Tôi chỉ muốn khuyến khích mọi người liên tưởng những hình ảnh tốt đẹp của những thiên thần, để sẵn lòng giúp đỡ người khác”, anh Việt bộc bạch.

Anh Phạm Quốc Việt - người sáng lập đội cứu nạn miễn phí FAS Angel

Sau 3 năm hoạt động, FAS Angel đã sơ cứu gần 9.000 nạn nhân ở Hà Nội. Trước đây, đội hoạt động từ 21 giờ 30 đến khoảng 1 giờ 30 sáng. Từ khi có thêm 3 ô tô cứu thương đưa nạn nhân đến bệnh viện, đội hoạt động 24/24, hỗ trợ tầm 8 - 9 vụ tai nạn/ngày, lúc cao điểm có khi hơn 30 vụ.

Mong mọi người bớt bia rượu, đừng bỏ rơi ai

Chia sẻ về cơ duyên anh Việt cho biết bản thân từng là nạn nhân bị bỏ rơi nên anh cảm nhận rất rõ sự cô đơn cũng như cảm giác nằm chờ một ai đó đến cứu mình. “Chính lý do đó nên sau này tôi đã quyết định thành lập một đội nhóm để có thể hỗ trợ nạn nhân. Dần dần thì ước mơ, nguyện vọng của mình đã được hình thành”, anh Việt tự hào. Khi mới bắt đầu, anh phải chịu sự gièm pha của nhiều người. Họ không hiểu tại sao anh lại làm một việc không kiếm ra tiền, khuyên anh nên tập trung vào mưu sinh. Phớt lờ, người thanh niên này mỗi ngày vẫn đều đặn mang theo chiếc túi cứu thương nặng 12 kg đi cứu những nạn nhân không quen.

Anh Việt cùng tình nguyện viên hỗ trợ nạn nhân trong buổi hướng dẫn cách sơ cứu người bị nạn

Anh Việt thống kê, khoảng 80% vụ tai nạn anh gặp, người bị nạn có sử dụng rượu bia, chất kích thích và không ít trường hợp phải trả giá bằng mạng sống. Ám ảnh với anh là có khoảng hơn 200 nạn nhân đã ra đi trong sự bất lực của đội.

Anh Trần Hải Minh (24 tuổi, Q.Nam Từ Liêm), thành viên của FAS Angel cho hay anh biết đội qua một vụ tai nạn, vì ấn tượng với công việc này nên đã xin tham gia. “Tôi cảm thấy khâm phục ý chí của anh Việt, nhất là sau khi biết anh đã làm công việc này một mình từ trước đó rất lâu. Hồi xưa, hai anh em phải đi tìm từng cái que, cán chổi để cố định xương cho nạn nhân. Sau vụ ấy, tôi học hỏi thêm cách trấn an nạn nhân, cách sơ cứu vết thương nghiêm trọng”, anh Minh kể.

Số vụ sơ cứu nạn nhân qua cơn nguy kịch cũng rất nhiều, nhưng theo anh, hầu như anh không biết rõ họ là ai và chính nạn nhân cũng không biết ai đã cứu họ. Anh nhớ một vụ tai nạn khi xe máy lao vào xe cẩu. Người dân can ngăn anh cứu vì nghĩ nạn nhân đã chết nhưng biết nạn nhân còn thở, anh Việt đã khuyên tài xế cùng mình ra sức sơ cứu nạn nhân. Đến viện, nạn nhân bị chết 60% não. Nhưng kỳ tích xuất hiện, sau hơn 3 tháng, nạn nhân tỉnh lại.

“Khi một người bị nạn, đừng bao giờ bỏ rơi họ”, anh Việt nói. Anh Việt khẳng định ngày nào anh còn sống, anh sẽ phát triển mô hình hỗ trợ sơ cứu ban đầu đến mức tối đa, không dừng ở Hà Nội mà ở những nơi khác nữa. Mong muốn của anh là thay đổi phần nào nhận thức của mọi người cho họ thấy tầm quan trọng của sơ cứu ban đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.