Chân tướng SARS-CoV-2

23/01/2022 06:53 GMT+7

Biến đổi liên tục để lây lan mạnh hơn nhưng SARS-CoV-2 cũng dễ “thiệt mạng” bởi ánh sáng hoặc những hóa chất rẻ tiền.

Lây lan chóng mặt

Hai năm kể từ khi ghi nhận SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 trên thế giới, vi rút này đã biến đổi liên tục với hàng trăm biến thể được các nhà khoa học toàn cầu cập nhật trên ngân hàng gien quốc tế.

Tại Việt Nam, trong đợt dịch thứ 4, Covid-19 ghi nhận tại 63 tỉnh thành, gần như chỉ thấy sự hiện diện của biến chủng Delta, qua các kết quả giải trình tự gien được các nhà khoa học trong nước thực hiện. “Trong đợt dịch này, có gần 1,1 triệu ca nhiễm sau 7 tháng, trong khi cả 3 đợt dịch trước đó ghi nhận 2.852 ca, trong 15 tháng”, GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nói.

Các nhân viên y tế ghi nhận thông tin lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Ca bệnh đầu tiên nhiễm biến chủng Delta là nhân viên lễ tân của một khách sạn ở Yên Bái, bị lây Covid-19 trong khu cách ly tự nguyện tại khách sạn này, cùng chuyên gia Ấn Độ. Kết quả giải trình tự gien do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư thực hiện cho thấy, các chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn nhiễm SARS-CoV-2 đều thuộc biến chủng lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ. Đó là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện biến chủng có tốc độ lây lan nhanh chóng.

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cả thế giới đều xác nhận, từ đầu dịch đến nay, biến chủng Delta là nguy hiểm nhất. “Biến chủng tác động đến 3 đặc tính cơ bản của vi rút về mức độ lan tràn (chu kỳ lây nhiễm), mức độ lây nhiễm (R0) và độc lực. Các nghiên cứu cho thấy SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 luôn đột biến. Đáng lo ngại, các biến đổi khiến chúng có thể thoát được vắc xin”, GS Kính đánh giá.

Về Delta, các nghiên cứu cho thấy biến thể này đã có tốc độ lây truyền nhanh hơn rất nhiều (tăng khoảng 4 lần), đồng thời chu kỳ lây nhiễm đã rút ngắn khoảng 4 lần so với chủng nguyên thủy lần đầu tiên phát hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc). Nếu chủng Vũ Hán có chu kỳ lây nhiễm là 7 - 14 ngày và hệ số lây nhiễm R0 là 1,1 - 2 (nghĩa là trong 7 - 14 ngày chúng lây cho 1,1 - 2 người) thì chu kỳ lây nhiễm của Delta chỉ còn 2 ngày và R0 tăng lên 9 - 11 (tức là biến thể này chỉ cần 2 ngày để lây nhiễm cho 9 - 11 người).

Covid-19 sáng 23.1: Cả nước 2.126.444 ca nhiễm | Ngồi ở đâu dễ nhiễm Covid-19 nhất?

Cánh tay “bạch tuộc”

Hai năm nay, các nhà khoa học trên thế giới dồn sức cho nghiên cứu và bắt đầu hiểu rõ, SARS-CoV-2 sau khi đột nhập vào tế bào cơ thể người để sống và nhanh chóng nhân lên. Tế bào S của SARS-CoV-2 có 2 protein (2 điểm tiếp nhận) có vai trò như 2 cánh tay giúp nó bám dính và bám rất chặt vào tế bào cơ thể người, rồi tiếp tục gia tăng số lượng.

Quá trình nhân lên của nó tùy thuộc chủng. Chủng SARS-CoV-2 nguyên thủy lần đầu tìm thấy tại Vũ Hán mất 96 giờ mới nhân lên được 1 vòng trong tế bào, nên thời gian ủ bệnh khá dài, có thể là 7 ngày, thậm chí 14 ngày, và có những trường hợp hơn 3 tuần. Do “tiến độ” chậm như vậy nên để nhân lên đủ ngưỡng có thể gây và lây bệnh, vi rút cần nhiều ngày và đó là quá trình ủ bệnh không thấy triệu chứng.

Trung bình từ khi vi rút xâm nhập cho đến khi bệnh khởi phát trong đường thở của người có ít nhất hàng tỉ con vi rút. Khi lực lượng đủ mạnh, SARS-CoV-2 tiếp tục xâm nhập xuống đường hô hấp dưới, gây tổn thương thêm ở phổi, và khi người đó ho hoặc hắt hơi đồng thời cũng “tung” vi rút ra ngoài, làm lây nhiễm.

So sánh mới nhất giữa biến thể Omicron và Delta cho thấy gì?

Hy vọng sẽ là bệnh thông thường

GS Kính cho biết, khi vi rút xâm nhập vào cơ thể, các tế bào miễn dịch của người cũng ồ ạt tấn công lại nó. Trong cuộc chiến đó, vi rút chết nhưng các tế bào miễn dịch cũng tổn thất khiến cơ thể suy giảm miễn dịch tạm thời. Khi suy giảm miễn dịch, cơ thể chúng ta lại trở thành môi trường nuôi cấy rất tốt cho các vi sinh vật ồ vào. Cho nên, nhiều trường hợp xét nghiệm Covid-19 âm tính rồi nhưng diễn biến vẫn rất nặng và tử vong do bội nhiễm các vi khuẩn, không phải do Covid-19, Covid-19 chỉ là giai đoạn ban đầu.

Theo GS Kính, để ngăn chặn SARS-CoV-2, cần chiến lược điều trị phù hợp. Trước tiên, cần tập trung ngăn chặn, không cho vi rút này bám dính được vào tế bào của cơ thể vì SARS-CoV-2 ngay khi bám được vào niêm mạc mũi là xâm nhập và sống ngay. “Do đó, hàng rào đầu tiên chính là khẩu trang, tấm chắn cản chúng xâm nhập vào đường hô hấp. Dùng dung dịch sát trùng mũi, họng để giảm bớt sự có mặt của vi sinh vật, vi rút trong đường hô hấp”, GS Kính cho biết.

Về điều trị, GS Kính chia sẻ, ca nhiễm SARS-CoV-2 được sử dụng thuốc để ngăn chặn không cho vi rút này bám dính được vào các tế bào, đó chính là các kháng thể đơn dòng, như ông Donald Trump, cựu tổng thống Mỹ đã dùng, có giá thành khoảng 500 USD/liều.

Tại Việt Nam, trong phác đồ điều trị mới nhất, F0 sử dụng thuốc kháng vi rút sớm (trong 5 ngày đầu, ngay khi được xác định dương tính). Những thuốc này làm sai lệch sao chép mã gien, khiến vi rút không nhân lên được, nhờ đó giảm mức độ tăng nặng với F0. GS Kính lưu ý: “Đặc biệt, cần ngăn chặn sớm, bởi ngày thứ 5 và thứ 8, kể từ khi dương tính, là giai đoạn vi rút bùng nổ nhất ở các F0”.

“Chúng ta phải chấp nhận sống chung với Covid-19 và đương nhiên Covid-19 vẫn ở cạnh chúng ta, trong cộng đồng luôn luôn có. Vấn đề là không để nó bùng phát thành dịch lớn, ít ca nặng, giảm thấp nhất tử vong. Khoảng 80% ca mắc Covid-19 không có triệu chứng, cùng với 5K, chiến lược vắc xin và điều trị hiệu quả, hy vọng dần dần nó sẽ là bệnh lưu hành thông thường”, TS Kính bày tỏ.

Chủng Delta hiện vẫn chiếm ưu thế

Tại Việt Nam, trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27.4.2021 dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, xâm nhập sâu vào các cộng đồng dân cư, đô thị lớn. Hiện trong nước ghi nhận 133 ca nhiễm biến chủng Omicron. Đây là biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn Delta, đặc biệt trong nhóm chưa tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện 5K và tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ để phòng lây nhiễm, ngăn nguy cơ dịch bùng phát. Tiêm chủng đầy đủ vắc xin Covid-19 còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong do Covid-19, bao gồm các trường hợp nhiễm chủng Delta hoặc Omicron. Tập thở, vận động thể lực để tăng cường sức khỏe, chống lại SARS-CoV-2.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.