Chân dung 2 người Việt vào top 100 nhà khoa học châu Á

Hà Ánh
Hà Ánh
05/04/2018 09:02 GMT+7

Tạp chí Asian Scientist (Singapore) vừa công bố danh sách 100 nhà khoa học châu Á được vinh danh năm 2018. Hai nhà khoa học VN có tên trong danh sách là GS-TS Phan Thanh Sơn Nam (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) và PGS-TS Nguyễn Sum (Trường ĐH Quy Nhơn).

Cả hai nhà khoa học VN được bình chọn dựa vào thành tích cùng nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 của Bộ Khoa học - Công nghệ VN.
Tác giả của 74 bài báo ISI
GS-TS Phan Thanh Sơn Nam (41 tuổi) hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Trong số 100 nhà khoa học được tạp chí Asian Scientist vinh danh năm nay, ông được xếp vào mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực hóa học.
Chia sẻ về việc này, GS-TS Nam cho biết cảm thấy rất vui khi thấy tên của các trường ĐH VN có cơ hội đứng chung danh sách với các trường nổi tiếng của châu Á (như ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Công nghệ Nanyang, ĐH Tokyo, ĐH Osaka, ĐH Pohang…).
GS-TS Nam là giáo sư trẻ nhất năm 2015 khi ông mới 36 tuổi. Tính đến thời điểm này, ông đã có 89 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và 74 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI.
Đáng lưu ý, GS-TS Nam là đồng tác giả của công trình trên tạp chí Journal of Catalysis, nghiên cứu sử dụng vật liệu Cu-MOFs làm xúc tác cho phản ứng điều chế các hợp chất họ propargylamine theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H. Các hợp chất chứa cấu trúc propargylamine có nhiều ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực hóa dược, hóa chất nông nghiệp, vật liệu chức năng. Đây là một trong chuỗi những bài báo thuần Việt nghiên cứu về khả năng ứng dụng vật liệu MOFs làm xúc tác của nhóm nghiên cứu này, được thực hiện hoàn toàn ở VN, do những nhà khoa học người VN thực hiện.
Hướng nghiên cứu này còn được mở rộng ra cho một số phản ứng ghép đôi khác cũng diễn ra theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H trong điều kiện sử dụng xúc tác MOFs.
Về bài báo này, GS Nam cho biết: “Đây là bài báo mình hài lòng nhất, đặc biệt là khi tất cả các bài đều thuần Việt mà không có mặt các tác giả nước ngoài. Bản thân mình vẫn ngày ngày cố gắng giữ cho lòng thật thanh thản để vượt qua chính mình”.
GS Nam cho biết thêm: “Dù chỉ cần công bố 2 - 3 bài ISI/năm là hoàn thành nhiệm vụ nhưng nhóm nghiên cứu luôn cố gắng đạt 9 - 10 bài. Trên 70 bài không phải là nhiều nhưng thực sự là một gia tài khoa học trong nghiên cứu thực nghiệm của mình”.
Nói về nghiên cứu, GS Nam trăn trở: “Nghiên cứu ứng dụng là quan trọng nhưng không nên xem nhẹ nghiên cứu cơ bản. Phải có một nền khoa học cơ bản thật vững chắc mới đủ sức nâng khoa học ứng dụng lên một tầm cao mới. Những bài ISI ngoài việc góp phần cung cấp thêm tri thức nhân loại còn là “đại sứ” mang tên VN ra quốc tế”.
Người giải bài toán của 30 năm
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Sum (57 tuổi), giảng viên môn toán Trường ĐH Quy Nhơn được vinh danh ở lĩnh vực toán học.
Trước đó, PGS-TS Sum được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho công trình trong lĩnh vực toán học: "Nguyễn Sum, 2015. On the Peterson hit problem, Advances in Mathematics, Vol. 274, 432-489". Đây là một công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết “hit” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Đây là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990.
Bài báo dài 57 trang này được công bố năm 2015 trên một trong những tạp chí toán học hàng đầu thế giới. Điều đặc biệt là công trình được thực hiện hoàn toàn trong nước bởi tác giả duy nhất là PGS-TS Nguyễn Sum.
PGS Sum cho biết riêng về lĩnh vực nghiên cứu này ông đã có 10 bài báo khoa học quốc tế được công bố (trong đó 7 bài thuộc danh mục ISI và có tới 8 bài ông là tác giả duy nhất). Để có được bài báo công bố trên tạp chí Advances in Mathematics vào năm 2015, trước đó ông đã có 10 năm nghiên cứu.
Từng trong cương vị quản lý trước khi chọn con đường giảng dạy và nghiên cứu, PGS Sum cho biết đang tiếp tục có những nghiên cứu dài hơi về vấn đề này. Ông nói: “Nghiên cứu có một vai trò đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng bài giảng, đặc biệt là trong đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Đứng lớp nếu chỉ có phương pháp mà thiếu nội dung thì chưa đủ”.
Từ kinh nghiệm 10 năm cho một nghiên cứu, PGS Sum nhắn nhủ người trẻ làm nghiên cứu: “Đây là công việc phải toàn tâm và không được nóng vội. Đi trên con đường ấy thực sự nhiều lúc không tìm thấy đường ra. Nhưng nếu chán nản sẽ không thể đi đến hết con đường…”.
Asian Scientist là một tạp chí của Singapore ra đời bản online từ năm 2011. Bản in chính thức được xuất bản từ năm 2014. Đây là năm thứ 3 tạp chí này công bố danh sách các nhà khoa học hàng đầu khu vực với những nghiên cứu, đổi mới và có đóng góp đáng kể ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong danh sách công bố lần đầu tiên năm 2016, VN cũng có 2 nhà khoa học nữ được vinh danh là tiến sĩ Trần Liên Hà Phương (Trường ĐH Quốc tế TP.HCM) và tiến sĩ Đặng Thị Oanh (Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Thái Nguyên). Năm 2017, PGS-TS Lê Thị Kim Phụng (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) được vinh danh trong danh sách các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.