Chẩn đoán và điều trị sớm triệu chứng đường tiểu dưới

13/04/2022 14:01 GMT+7

Tiểu gấp, tiểu đêm , són tiểu, tiểu nhiều lần… là những biểu hiện thường thấy của triệu chứng đường tiểu dưới.

Triệu chứng xuất hiện phổ biến ở nam giới từ độ tuổi trung niên. Việc chẩn đoán và điều trị sớm các triệu chứng đường tiểu dưới sẽ giúp phát hiện nguyên nhân và ngăn chặn kịp thời, cải thiện tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) gần đây tiếp nhận điều trị cho người bệnh Hoàng Trọng T. (60 tuổi, ngụ tại TPHCM). Ông T. đến khám tại Phòng khám Niệu học chức năng do bị đau bụng dưới, tiểu khó và tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm. Bác sĩ đã thực hiện siêu âm, khám trực tràng, xét nghiệm máu để có được chẩn đoán. Kết quả thăm khám cho biết, ông T. bị phì đại tuyến tiền liệt.

Các triệu chứng đường tiểu dưới như són tiểu, tiểu đêm đã xuất hiện hơn 1 năm nay, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của ông T. Người bệnh không đi thăm khám dẫn đến bệnh không được phát hiện từ sớm, khiến các triệu chứng ngày một nghiêm trọng hơn. Người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Sau gần 6 tháng điều trị, ông T. không còn rối loạn đi tiểu, các hoạt động sinh hoạt đều trở lại bình thường.

Triệu chứng bệnh lý đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Theo PGS-TS-BS. Nguyễn Văn Ân, Trưởng khoa Niệu học chức năng BV ĐHYD TP.HCM, hệ thống bài tiết nước tiểu ở người trưởng thành được chia thành: Đường tiểu trên (thận và niệu quản) và đường tiểu dưới (bàng quang và niệu đạo). Tuyến tiền liệt là cơ quan sinh dục của nam giới, nằm ở vị trí cổ bàng quang và đoạn đầu niệu đạo có nhiệm vụ tiết ra tinh dịch. Nam giới trên 40 tuổi thường bắt đầu phì đại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên đây chỉ là một trong các nguyên nhân sinh ra hội chứng đường tiểu dưới.

PGS-TS-BS. Nguyễn Văn Ân khám cho người bệnh

Các thống kê cho thấy, 25% nam giới từ 50 - 60 tuổi sẽ bị phì đại tuyến tiền liệt nhưng chỉ 4% xuất hiện triệu chứng. Càng lớn tuổi, tỷ lệ phì đại tuyến tiền liệt càng cao và tỷ lệ có triệu chứng càng nhiều. Tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép làm hẹp niệu đạo, nước tiểu còn tồn dư gây kích thích bàng quang dẫn đến buồn tiểu nhiều lần cả ngày và đêm. Vì vậy nam giới từ 50 tuổi nếu có triệu chứng rối loạn tiểu nên đi khám và thực hiện siêu âm bụng, đồng thời lưu ý khảo sát hệ tiết niệu và tuyến tiền liệt nhằm phát hiện kịp thời nguyên nhân gây ra triệu chứng trên.

Triệu chứng của đường tiểu dưới thường được chia thành 3 nhóm chính. Nhóm triệu chứng về tống xuất (tắc nghẽn) bao gồm dòng tiểu yếu, tiểu khó, tiểu ngắt quãng, nhỏ giọt cuối dòng tiểu; nhóm triệu chứng chứa đựng bao gồm tiểu gấp, tiểu nhiều lần, són tiểu, tiểu đêm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng thuộc nhóm triệu chứng sau đi tiểu như: Buồn tiểu ngay sau khi vừa tiểu xong, nhỏ giọt sau khi tiểu. Các triệu chứng đường tiểu dưới là một trong những biểu hiện của phì đại tuyến tiền liệt, nhưng không phải hễ có phì đại tuyến tiền liệt là có triệu chứng rối loạn tiểu.

Lợi ích của chẩn đoán và điều trị sớm

PGS TS BS. Nguyễn Văn Ân cho biết, nguyên nhân gây ra triệu chứng đường tiểu dưới không chỉ do tuyến tiền liệt mà còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Có không ít nguyên nhân đến từ những căn bệnh khác, trong đó có: U bàng quang, hẹp niệu đạo, nhiễm khuẩn niệu và thậm chí là ung thư. Do đó, việc chẩn đoán sớm sẽ giúp xác định được nguyên nhân chính xác gây ra những triệu chứng này.

Để chẩn đoán triệu chứng đường tiểu dưới do phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng bằng cách thăm khám hậu môn trực tràng để cảm nhận mặt sau của tuyến tiền liệt hoặc khám bụng để đánh giá kích thước của bàng quang. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thực hiện một số xét nghiệm máu và nước tiểu theo yêu cầu của bác sĩ như: Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm PSA máu, kiểm tra chức năng thận…

Về điều trị, bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng đường tiểu dưới theo thang điểm I-PSS để đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Trường hợp người bệnh bị ảnh hưởng nhẹ thì chỉ cần theo dõi, điều chỉnh chế độ sinh hoạt mà không dùng thuốc. Nếu ảnh hưởng ở mức độ vừa và nặng thì cần dùng thuốc. Những trường hợp nặng làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh mà điều trị nội khoa đúng mức không làm cải thiện thì cần can thiệp ngoại khoa. Việc chẩn đoán sớm các triệu chứng của đường tiểu dưới sẽ giúp điều trị đúng, kịp thời, tránh gây ra những ảnh hưởng nặng nề hơn sau này.

Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về bệnh lý đường tiểu dưới, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TPHCM phối hợp với Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn Hỏi để khỏe hơn với chủ đề: Lợi ích của chẩn đoán và điều trị sớm triệu chứng đường tiểu dưới, theo dõi tại: https://bit.ly/chandoanvadieutritrieuchungduongtieuduoi

Chương trình cung cấp nhiều thông tin y khoa hữu ích với các nội dung chính như triệu chứng sớm gợi ý bệnh lý đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt và lợi ích của chẩn đoán và điều trị sớm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.