Chấn chỉnh trách nhiệm, xử lý quảng cáo 'biến tướng'

29/11/2022 07:58 GMT+7

Lãnh đạo HĐND TP.HCM cũng yêu cầu thống kê, rà soát, xử lý các công trình quảng cáo không đúng quy định, làm rõ trách nhiệm khi để công trình vi phạm và nghiêm túc chấn chỉnh quảng cáo 'biến tướng'.

Ngày 28.11, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình về hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn.

Gần 50% quảng cáo không phép

Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết toàn thành phố có 1.515 bảng quảng cáo ngoài trời, trong đó có đến 747 vị trí không phép (gần 50%). Đáng lo ngại, nhiều trụ pano được Sở GTVT và địa phương cho phép tuyên truyền cổ động chính trị nhưng biến tướng sang quảng cáo không phép.

Theo thống kê, Thanh tra Sở VH-TT xử phạt hơn 2.100 trường hợp vi phạm quảng cáo ngoài trời, tổng số tiền 22 tỉ đồng, các vi phạm chủ yếu như: dựng bảng quảng cáo không đúng nơi quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, không đảm bảo an toàn, chỉ ghi tiếng nước ngoài…

Đối với việc đặt trụ quảng cáo trên hành lang an toàn giao thông đường bộ, ông Nam chỉ ra sự chồng chéo giữa các quy định, trong đó luật Quảng cáo không cho phép, luật Giao thông cho phép quảng cáo tạm thời, còn luật Xây dựng thì không cấp phép cho công trình trong hành lang đường bộ. Theo Sở GTVT, toàn TP.HCM có 979 trụ pano tuyên truyền cổ động chính trị, an toàn giao thông kết hợp quảng cáo thương mại nằm trên hành lang đường bộ.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, thông tin nguồn thu từ cho thuê vị trí đặt trụ quảng cáo được hơn 30 tỉ đồng, nộp về Quỹ Bảo trì đường bộ. Đây là khoản thu vị trí đặt trụ quảng cáo (10 - 15 triệu đồng/trụ/năm), không phải chi phí cho thuê quảng cáo. Để khai thác hiệu quả, ông Lâm đề nghị cần thống nhất quảng cáo trên hành lang đường bộ là tạm thời để làm cơ sở pháp lý đấu thầu, đấu giá vị trí khai thác quảng cáo; đồng thời sớm có quy chế quản lý để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị.

Hiện TP.HCM có khoảng 10.000 quảng cáo màn hình LED ở các chung cư, tòa nhà, thang máy nhưng đang có “khoảng trống pháp lý”, bởi các đơn vị sở hữu không phải xin phép mà tự chịu trách nhiệm nội dung quảng cáo.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, UBND TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh các quy định để giảm thiểu sự chồng chéo, phủ kín hành lang pháp lý trong hoạt động quảng cáo. Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM sẽ phê duyệt đề án phát triển quảng cáo, quy hoạch quảng cáo và ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị.

Bó tay với rao vặt dán trụ điện ?

Tại phiên giải trình, bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, đặt vấn đề trách nhiệm của các sở ngành, địa phương trong quản lý quảng cáo rao vặt trên trụ điện và TP.HCM sẽ có giải pháp nào để xử lý.

Trả lời, ông Võ Trọng Nam nói đây là vấn nạn nhiều năm qua, làm xấu bộ mặt đô thị thành phố. TP.HCM có nhiều mô hình, phong trào để dẹp nạn rao vặt bừa bãi ở các phường, khu phố nhưng hiệu quả chưa cao. Theo ông Nam, trách nhiệm xử lý rao vặt dán trụ điện thuộc về chính quyền địa phương, nhưng nhân sự ở các phường mỏng.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cần tập trung giải quyết cái gốc vấn đề là xử lý số điện thoại, người dán và đơn vị thuê dán quảng cáo thì mới dứt điểm, bởi “cộng đồng dân cư đã làm miết, làm hoài, làm mấy chục năm nay nhưng quảng cáo dán trụ điện vẫn tồn tại, và ngày càng tinh vi hơn”.

Lãnh đạo HĐND TP.HCM cũng yêu cầu thống kê, rà soát, xử lý các công trình quảng cáo không đúng quy định, làm rõ trách nhiệm khi để công trình vi phạm và nghiêm túc chấn chỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.