Chấn chỉnh sai phạm trong đào tạo, cấp phép lái xe

31/07/2023 04:15 GMT+7

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ sai phạm tại các cơ sở đào tạo, cấp giấy phép lái xe, có dấu hiệu gian lận trong đào tạo thực hành lái xe ô tô... Bộ GTVT và các địa phương đang quyết liệt thanh, kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng này.

Tiêu cực, gian lận trong đào tạo, cấp phép

Tại Đồng Nai, trong thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc liên quan đến tiêu cực trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cũng như bán khống giấy khám sức khỏe để dự thi GPLX.

Chấn chỉnh sai phạm trong đào tạo, cấp phép lái xe - Ảnh 1.

Giáo viên của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn đến cơ sở đòi quyền lợi sau khi giám đốc trung tâm này bị bắt

Lê Lâm

Cụ thể, vào ngày 22.4.2023, Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai khám xét Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn cùng một số địa điểm đặt văn phòng của trung tâm này tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai).

Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Hồ Đình Thái Hòa (Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn) về hành vi "giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn và chi nhánh tại một số địa phương liên quan.

Ông Hòa bị khởi tố do bị nghi ngờ gian lận khi tổ chức thực hành học lái xe thực tế trên đường qua thiết bị chuyên dụng DAT (thiết bị điện tử được lắp trên ô tô tập lái để giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe). Theo quy định, học viên muốn thi lấy bằng ô tô hạng B2 phải chạy hơn 800 km, nhưng ông Hòa đã chỉ đạo cho các trung tâm "phù phép" thiết bị DAT để gian lận giờ học lái xe thực tế.

Chấn chỉnh sai phạm trong đào tạo, cấp phép lái xe - Ảnh 2.

Các cơ quan chức năng đang tập trung “làm sạch” môi trường học, sát hạch và cấp bằng lái xe

Bá Hùng

Ngoài ra, sau khi ông Hòa bị bắt, hàng chục giáo viên của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn đã tập trung trước cổng trung tâm này, giăng băng rôn cầu cứu. Theo các giáo viên, mọi công việc giảng dạy bị đình trệ vì vụ án nhưng những người có trách nhiệm của trung tâm không giải quyết quyền lợi cho học viên, giáo viên và nhà đầu tư khiến tất cả rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Ngay sau khi vụ án được khởi tố, Sở GTVT Đồng Nai cũng như một số địa phương khác (nơi đặt chi nhánh của trung tâm này - PV) đã tạm ngưng tổ chức các kỳ thi sát hạch cho học viên của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, chờ kết luận điều tra của Bộ Công an. Tiếp đến, ngày 16.5, Sở GTVT có văn bản gửi các trung tâm, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ô tô trên địa bàn Đồng Nai về việc thông báo tạm thời hoãn các kỳ thi sát hạch lái xe ô tô đến hết tháng 5.2023 theo Chỉ thị số 05 ngày 8.4.2023 của Bộ GTVT về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và ý kiến chỉ đạo của Cục Đường bộ VN về việc kiểm tra, rà soát dữ liệu DAT.

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 30.7, một lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 1 trung tâm sát hạch lái xe loại 1 và 1 trung tâm sát hạch lái xe loại 2. Để công tác sát hạch, cấp GPLX diễn ra nghiêm túc, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Sở GTVT thường xuyên nhắc nhở, quán triệt các cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện công tác tuyển sinh đúng đối tượng, đảm bảo đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, trình độ văn hóa. Đồng thời tổ chức đào tạo lái xe theo đúng chương trình; thực hiện đầu tư trang thiết bị đảm bảo theo quy định, lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Cắt giảm giờ dạy thực hành, mua khống hóa đơn

Cũng trong ngày 30.7, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đến nay đã khởi tố 200 bị can để điều tra về các hành vi sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm và sát hạch, đào tạo lái xe.

Theo Công an TP.HCM, mở rộng điều tra vụ án liên quan đến sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động sát hạch, đào tạo lái xe xảy ra tại Trung tâm Kỹ năng thực hành cơ giới GTVT - Trường cao đẳng GTVT Trung ương III (gọi tắt là Trung tâm).

Tháng 6.2023, Công an TP.HCM đã khởi tố các bị can Hồ Văn Búp, Giám đốc Trung tâm, về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "đưa hối lộ"; Nguyễn Văn Dương (Phó giám đốc), Nguyễn Ngọc Thủy (Trưởng ban Đào tạo), Ngô Thị Hàn Ly (Kế toán trưởng, Trưởng ban Tài chính - nhân sự) về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Công an xác định các bị can đã có hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động sát hạch, đào tạo lái xe; nhận hối lộ, mua bán hóa đơn.

Để thu hút học viên theo học lái xe, Ban Giám đốc Trung tâm gồm ông Hồ Văn Búp, Nguyễn Văn Dương và Ngô Thị Hàn Ly đã thực hiện chủ trương cắt giảm giờ dạy lý thuyết, giờ dạy thực hành; chi hoa hồng trái quy định cho những người giới thiệu học viên theo học tại Trung tâm với số tiền hơn 7,2 tỉ đồng.

Cũng liên quan đến vụ án này, Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Nhân, Trần Thị Thanh An (chuyên viên Phòng Thanh tra, kiểm tra số 3 - Cục Thuế TP.HCM) về tội "nhận hối lộ"; khởi tố Nguyễn Thị Ngọc Nga, Nguyễn Thị Nghiệp về tội "mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

Cơ quan công an xác định, nhằm hợp thức hóa hành vi sai phạm trên, chiếm đoạt số tiền xăng không thực tế chi do việc cắt giảm giờ dạy thực hành, bị can Hồ Văn Búp và đồng phạm đã mua khống 451 tờ hóa đơn với số tiền hơn 13,2 tỉ đồng từ cây xăng Phương Thiện (thuộc DNTN Thương mại dịch vụ Phương Thiện).

Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021, Trung tâm có nhiều sai phạm về việc kê khai thuế với số tiền ước tính phải truy thu hơn 40 tỉ đồng. Để được bỏ qua các sai phạm trên, bị can Hồ Văn Búp đã trực tiếp đưa tiền hối lộ cho Trần Ngọc Nhân, Trần Thị Thanh An 1 tỉ đồng trong đợt kiểm tra thuế vào cuối năm 2021.

Công an TP.HCM cho biết thêm đang mở rộng điều tra, xử lý nghiêm, triệt để theo đúng quy định của pháp luật với quan điểm xuyên suốt "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Chuyển cơ quan điều tra 6 cơ sở đào tạo lái xe

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến giữa tháng 7, các đoàn kiểm tra của Bộ GTVT đã chuyển thông tin cho cơ quan công an 5 địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với 6 cơ sở đào tạo lái xe có dấu hiệu gian lận trong đào tạo thực hành lái xe ô tô.

Tại các cơ sở này có hiện tượng số phiên học trùng xe tập lái, trùng học viên cao bất thường, tiềm ẩn nguy cơ can thiệp vào dữ liệu, thiết bị DAT để gian lận trong dạy thực hành lái xe ô tô.

Ngoài ra, qua thanh, kiểm tra, các sở GTVT cũng xử lý các vi phạm theo quy định, gồm thu hồi 1 giấy phép đào tạo lái xe ô tô; xử phạt vi phạm hành chính 177 cơ sở đào tạo (trong đó đình chỉ tuyển sinh 85 đơn vị), 19 trung tâm sát hạch lái xe (trong đó tước quyền sử dụng giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động của 15 đơn vị). Từ ngày 15.12.2022 đến hết ngày 14.6 vừa qua, các cục quản lý chuyên ngành và thanh tra các sở GTVT cũng đã giám sát 448 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 350 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Xem nhanh 12h ngày 31.7: Bản tin thời sự toàn cảnh

Siết chặt khám sức khỏe người lái xe

Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ ngày 5 - 26.6.2023, đơn vị này đã rút công bố khám sức khỏe người thi GPLX của 7 phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn. Trong số phòng khám này, hầu hết đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa khởi tố về hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Liên quan vấn đề khám sức khỏe người lái xe, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai Dương Văn Đông cho biết vào cuối tháng 6 vừa qua đã có thông báo siết chặt công tác khám sức khỏe của người lái xe. Đề nghị các cơ sở đào tạo lái xe phải đảm bảo các điều kiện theo quy định về độ tuổi, sức khỏe và trình độ văn hóa của người học lái xe; rà soát thông tin khám sức khỏe của người học lái xe, đảm bảo thông tin đầy đủ, trung thực, đủ điều kiện lái xe theo hạng đào tạo và được thực hiện tại cơ sở khám sức khỏe đủ điều kiện khám sức khỏe người lái xe theo quy định. Ngay cả thủ tục cấp lại, cấp đổi GPLX cũng phải kiểm tra dữ liệu, thông tin của giấy khám sức khỏe phải rõ ràng, đầy đủ, không được tẩy xóa; giấy khám sức khỏe cho người lái xe phải còn thời hạn và được thực hiện tại cơ sở khám sức khỏe đủ điều kiện.

Sở Y tế TP.HCM cũng vừa có công văn về tăng cường quản lý công tác khám sức khỏe (bao gồm khám sức khỏe lái xe), gửi phòng y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức, các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng và công khai quy trình khám sức khỏe. Nhân sự khám, kết luận tình trạng sức khỏe phải đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Kết luận, phân loại sức khỏe theo đúng tiêu chuẩn, quy định của Bộ Y tế. Phải liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe đầy đủ, kịp thời theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Có hình thức quản lý các phiếu khám sức khỏe để phòng tránh giả mạo và thuận tiện trong việc tra cứu, xác minh. Phối hợp với cơ quan công an để điều tra, xử lý khi phát hiện có tình trạng sử dụng giấy khám sức khỏe giả, bán giấy khám sức khỏe tại đơn vị.

Sở Y tế cho biết từ đây đến cuối năm sẽ kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện hoạt động khám sức khỏe không đúng quy định hiện hành. Rút tên cơ sở khỏi danh sách cơ sở tự công bố đã đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế, đồng thời công bố công khai kết quả xử lý.

Lê Lâm - Duy Tính


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.