Chậm vì được… ưu tiên

22/08/2022 04:11 GMT+7

Nghịch lý này không chỉ xảy ra với ngành giao thông TP.HCM mà ở hầu hết các lĩnh vực ngành nghề.

Được coi là huyết mạch của nền kinh tế, cầu đường mở tới đâu là chở tăng trưởng - phát triển theo tới đó. Thế nhưng trên thực tế, giao thông lại là ngành có nhiều dự án ì ạch nhất.

Hội nghị chuyên đề cuối tuần qua của TP.HCM cung cấp một con số báo động, trong gần 10 năm thực hiện, Quy hoạch phát triển giao thông thành phố chỉ đạt 35% tiến độ. Điểm danh thì hầu hết các dự án trọng điểm, cấp thiết, ưu tiên như hệ thống metro, các tuyến cao tốc, quốc lộ, liên tỉnh, đường vành đai, buýt nhanh… đều chậm và đặc biệt là dở dang.

Ví dụ như quy hoạch 6 tuyến buýt nhanh nhưng mới đầu tư được có 1 tuyến, dự kiến năm sau hoàn thành. Tương tự, có 8 tuyến metro thì 2 tuyến chậm tiến độ còn 6 tuyến mới ở dạng nghiên cứu và tìm vốn…

Mà chúng ta đều biết, metro hay buýt nhanh, nếu không triển khai đồng bộ thành mạng lưới thì không phát huy được tính hiệu quả, giảm kẹt xe, ùn tắc cho thành phố. Ở góc độ vùng, là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, sở hữu cảng trung chuyển hàng hóa hàng đầu, sự chậm trễ của các dự án giao thông liên tỉnh của TP.HCM còn làm giảm tính kết nối, kéo trì sự tăng trưởng của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như toàn khu vực Nam bộ.

Không chỉ giao thông, các dự án cấp - thoát nước, nhà ở xã hội… cũng tương tự, càng ưu tiên lại càng chậm trễ, dở dang. Đáng nói, có những đại dự án gần về đích thì bất động đến vài năm, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho nhà đầu tư, còn mỹ quan thành phố thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nghịch lý này cũng giống như phong trào “mũi nhọn” một thời. Ngành nào cũng muốn làm mũi nhọn, cũng tự nhận mình là mũi nhọn, đòi hỏi được đầu tư thỏa đáng để phát huy thế mạnh khiến định hướng chiến lược của cả nền kinh tế bị ảnh hưởng, nguồn lực đầu tư bị phân bổ dàn trải. Khái niệm “kinh tế quả mít”, quá nhiều mũi nhọn cuối cùng toàn mũi tù, ra đời từ đó. Đến tận bây giờ, chúng ta vẫn đang giải quyết hậu quả của nền kinh tế phát triển theo bề rộng thay vì chiều sâu, một phần cũng là từ phong trào mũi nhọn này.

Ở thời điểm hiện tại, “ưu tiên” cũng đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế kẹt. Gói hỗ trợ lãi suất cho các công ty gặp khó khăn vì Covid-19 trị giá 40.000 tỉ mới giải ngân được… hơn 1 tỉ đồng vì hầu hết đối tượng ưu tiên thụ hưởng đều không thể tiếp cận được. Gói ưu đãi vay mua nhà ở xã hội ưu tiên cho người nghèo đô thị thì nguy cơ hết hạn chưa tiêu được tiền, do thủ tục triển khai dự án nhà xã hội khó khăn khiến không có nguồn nhà để người dân vay tiền mua...

Ưu tiên là để đẩy nhanh, về trước nhưng quá nhiều ưu tiên thì cuối cùng cũng là dàn đều. Mà dàn đều trong bối cảnh vốn khó, mỗi dự án một tí thì hệ quả là cái nào cũng dở dang, chậm tiến độ. Thế nên cũng như ngành kinh tế mũi nhọn, đã đến lúc chúng ta phải liệu cơm gắp mắm, lọc lại danh sách ưu tiên để tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm. Nhất là các dự án dở dang, sắp về đích; những dự án có tính lan tỏa rộng… thay vì mỗi năm, mỗi địa phương, mỗi bộ, ngành lại đưa lên một danh sách các dự án ưu tiên, cấp thiết để xin bố trí vốn rồi lại chia đều.

Quan trọng hơn, đừng để những chủ trương tốt đẹp lại trở thành vấn nạn: cứ ưu tiên là chậm, ưu đãi là khó…, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế cần động lực để phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch thế kỷ hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.