Chậm thông báo ô nhiễm không khí ở TP.HCM vì quan trắc thủ công

09/10/2019 17:41 GMT+7

Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM giải thích, thời gian qua, đơn vị chậm thông báo các chỉ số ô nhiễm không khí đến người dân là vì quan trắc theo phương pháp thủ công, nhanh nhất 3 ngày mới có kết quả.

Ngày 9.10, Sở TN-MT TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP. Bên cạnh việc báo cáo lại những thông tin đã cung cấp trước đó, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở TN-MT, sau đây gọi tắt là Trung tâm Quan trắc) đã trả lời những câu hỏi của phóng viên báo đài.

Thông báo ô nhiễm chậm vì quan trắc thủ công

Thời gian qua, mạng xã hội dậy sóng với những thông tin về ô nhiễm không khí ở TP.HCM. Đường phố luôn xuất hiện lớp sương mờ từ sáng đến giữa trưa cũng không tan. Nhiều người chạy xe ngoài đường có cảm giác cay mắt, khó thở. Số lượng trẻ em nhập viện vì các bệnh hô hấp cũng tăng cao.
Tuy nhiên, đến gần 1 tuần sau khi dư luận xôn xao, Trung tâm Quan trắc mới thông báo nguyên nhân ô nhiễm là do mù quang hóa. Sự chậm trễ này của cơ quan chức năng khiến người dân không hài lòng. Ông Cao Tung Sơn giải thích, đơn vị chậm thông báo các chỉ số ô nhiễm không khí đến người dân là vì quan trắc theo phương pháp thủ công. Sau khi lấy mẫu về và thực hiện đúng quy trình nhanh nhất 3 ngày mới có kết quả.
Còn tại các bảng điện tử trên đường, các chỉ số thông báo về chất lượng không khí thường chậm 1 tháng so với thực tế. Việc thông báo chỉ số chậm như vậy được đánh giá là vô nghĩa vì không kịp thời để người dân có các biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Nhiều người dân TP bị cay mắt và khó thở khi ra đường

Ngọc Dương

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, có việc chậm trễ thông tin trên bảng điện tử là do 48 bảng này do Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở GTVT) chịu trách nhiệm vận hành. Sau khi lấy mẫu, phân tích số liệu, Trung tâm mới gửi kết quả sang Sở GTVT để hiển thị thông tin trên bảng điện tử. Ông Sơn cũng thừa nhận đây là một trong những mặt hạn chế trong việc thông báo chỉ số chất lượng không khí đến người dân.
Cũng theo ông Sơn, năm 2020, TP sẽ có 9 trạm quan trắc tự động, đến 2030 là 18 trạm để dự báo kịp thời, ngay lập tức các chỉ số ô nhiễm không khí đến người dân. 

Ứng dụng AirVisual không chắc là đáng tin cậy

Hiện nay, sau những cảnh báo về ô nhiễm không khí bất thường ở TP.HCM và Hà Nội thời gian qua, người dân lo lắng về tình hình ô nhiễm không khí nên tải các ứng dụng để cập nhật mỗi ngày. Ứng dụng được tải nhiều nhất là AirVisual. Nói về ứng dụng này, ông Sơn cho biết ông cũng tải về điện thoại để theo dõi nhưng các thông tin từ ứng dụng này không chắc là đáng tin cậy.
Ông Sơn giải thích, hiện chưa có tài liệu cho biết AirVisual sử dụng trang thiết bị nào để quan trắc chất lượng không khí. Trong khi, để đánh giá về độ chính xác của việc quan trắc bắt buộc phải có các thông tin trên như: quy trình lấy mẫu, phương pháp đưa ra số liệu... Tại Việt Nam, Bộ TN-MT cũng có thông tư quy định cụ thể về yêu cầu và quy trình quan trắc chất lượng không khí. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có quy định các thiết bị phục vụ việc quan trắc này phải được kiểm tra, đánh giá thường xuyên 12 tháng/lần.
"Theo tôi đoán thì AirVisual dùng phương pháp đo mà có sai số khá cao trong điều kiện thời tiết bất lợi. Chúng ta cần phải nhìn nhận đây là kênh của nước ngoài và các chỉ số không kiểm chứng nên không có cơ sở để xác định mức độ chính xác từ các chỉ số mà ứng dụng này cung cấp", ông Sơn nhận định.

Bụi lơ lửng và tiếng ồn ở TP đều vượt chuẩn

Hiện nay, Sở TN-MT quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng tháng tại 30 vị trí quan trắc với tần suất 10 ngày trong tháng vào 2 thời điểm (7g30 - 8g30 và 15g00 - 16g00).
Qua kết quả quan trắc ô nhiễm 9 tháng đầu năm, ông Cao Tung Sơn nhận định, ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép. 
“Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, ngã tư Bình Phước luôn cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép. Nhìn chung nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 30 vị trí quan trắc trong 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018”, ông Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.