Chấm thi THPT quốc gia: Vì sao đề môn văn đơn giản nhưng điểm thi vẫn không cao?

05/07/2019 07:16 GMT+7

Đề văn kỳ thi THPT quốc gia được xem vừa sức, đáp án cũng chỉ có những yêu cầu rất đơn giản, thế nhưng điểm thi môn văn của hầu hết thí sinh không cao.

Hiếm bài đạt trọn điểm phần đọc hiểu

Trục trặc trong phần mềm chấm thi trắc nghiệm ?

Việc chấm thi trắc nghiệm do các trường ĐH chủ trì ở một số nơi đang chậm hơn dự kiến do những trục trặc trong phần mềm chấm thi. Theo ghi nhận từ một số cán bộ chấm thi, có những nơi mạng yếu nên sau khi quét 200 - 300 bài thì máy treo. Có nơi phần mềm bị lỗi, khi quét làm cho bài thi bị quay ngang nên nhận diện báo lỗi và phải kiểm tra điều chỉnh lại...
Hà Ánh
Muốn bài thi đạt điểm cao, phần đọc hiểu phải làm thật tốt, thế nhưng hầu như không có bài trọn 3 điểm.
Ở câu 1 (xác định thể thơ: 0,5 điểm), đây được xem như là câu chống điểm liệt, đề thi năm ngoái cũng đã hỏi. Thế mà rất nhiều thí sinh (TS) trả lời sai, mỗi xấp (24 bài) có đến khoảng gần chục TS trả lời sai, nhiều nhất là xác định thể thơ Đường luật (!?). Câu 2 và 3, TS chủ yếu trả lời được 1 ý đầu trong 2 ý của đáp án. Thiếu các ý quan trọng: “Bộc lộ niềm thương cảm của tác giả” (câu 2); “Tạo giọng điệu hào hứng say mê” (câu 3). Câu 4 cũng rất ít TS đạt trọn 1 điểm, mà chủ yếu được 0,5 vì chỉ nêu suy nghĩ chung chung. Từ thực tế đó, điểm phần đọc hiểu, không cao, trong khoảng 1,75 - 2,0 điểm.
Câu nghị luận xã hội (viết đoạn văn khoảng 200 chữ), điểm tương đối đều, ít thấy đột biến. Cũng rất dễ hiểu vì đề tài yêu cầu quá quen thuộc (sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống). Đa số TS đạt 1,5 - 1,75 điểm, thi thoảng có bài 0,5 - 0,75. Dễ viết, nhưng khó đạt yêu cầu, nên điểm 2 của câu này cũng rất ít thấy.

“Đuối nước” với câu nghị luận văn học

Chấm thi môn văn năm nay, nhiều giám khảo tại TP.HCM nói vui “Dòng Hương Giang thơ mộng, đã làm TS... đuối nước!”. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao đề văn vừa sức, đáp án cũng chỉ có những yêu cầu rất đơn giản, thế mà điểm thi môn văn của hầu hết TS không cao.

TS mất điểm nhiều nhất ở câu nghị luận văn học “cảm nhận về hình tượng sông Hương, và từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường. Câu hỏi có 2 vế yêu cầu rất rõ. Tuy nhiên, hầu hết TS chỉ phân tích được vế đầu, vế sau triển khai rất mờ nhạt, nói chung chung, chỉ nêu được một vài nhận xét.
Đáng bàn nhất là có đến hơn 1/3 bài làm của TS đi phân tích sông Hương hết cả tác phẩm, trong khi đề bài chỉ yêu cầu ở đoạn thượng nguồn và có chép cả đoạn văn bản ra. Đây là minh chứng cho cách học ôn quá lệ thuộc tài liệu, văn mẫu, thiếu sáng tạo, yếu kỹ năng… Nhiều TS bỏ giấy trắng, hoặc viết rất sơ sài, thiếu kết bài, thiếu hứng thú, thiếu nhiệt tình.
TS phạm nhiều lỗi trong bài làm câu này, như nhầm lẫn kiến thức với bài về sông Đà của Nguyễn Tuân; lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu và bố cục về văn bản tích hợp... Vì vậy, điểm của câu này phổ biến trong khoảng 2,25 - 2,5 điểm.
Lý giải cho sự “đuối sức” này, nhiều giám khảo cho rằng do văn bản về sông Hương hay nhưng khó cảm nhận, khó viết. TS quen nhiều với cách phân tích thơ, truyện. Còn tùy bút, bút ký là thể loại có tính nghệ thuật rất đặc thù, chỉ dành riêng cho phần ít TS khá giỏi và yêu thích môn văn.

TP.HCM có 6 bài thi môn ngữ văn đạt 9 điểm

Ngày 4.7, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin Sở đã hoàn tất việc chấm bài thi môn ngữ văn của kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, Sở huy động khoảng 800 giáo viên tham gia chấm 68.325 bài thi. Kết quả sơ bộ có 89,4% bài thi đạt điểm trung bình trở lên. Trong đó có 1.366 bài từ 8 trở lên, chiếm tỷ lệ 1,9% và có 6 bài thi điểm 9.
Ông Hiếu cho hay từ ngày 5.7, các cán bộ được huy động tham gia hội đồng chấm thi sẽ thực hiện công đoạn ráp phách, so dò... sau đó sẽ chuyển kết quả về Bộ GD-ĐT.
Theo ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, đến chiều 4.7, địa phương này mới chấm được khoảng 1/6 bài thi môn văn. Trong đó, bài thi đạt điểm cao nhất là 8,5 điểm. Điểm trung bình các bài thi môn văn của địa phương này chủ yếu nằm ở mức từ 5 - 7, trong đó điểm 5 - 6 khá nhiều.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, địa phương này dự kiến hoàn tất chấm thi môn ngữ văn vào ngày 8.7. Đến chiều 4.7, ông Tài cho biết đang chấm 180/365 túi bài thi môn tự luận. “Dù theo quy định của Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu khớp phách (ráp phách để kiểm tra lại việc nhập điểm bài thi) ở mức độ 20% bài thi nhưng Sở thực hiện trên 100% bài thi nhằm đảm bảo chính xác nhất”, ông Tài cho biết.
Bích Thanh - Hà Ánh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.