Chậm chân đánh thuế, mất cả tỉ USD: Không thể để sự chậm trễ này kéo dài

22/12/2016 13:35 GMT+7

Đó là một trong nhiều phản hồi của bạn đọc về bài Chậm chân đánh thuế, mất cả tỉ USD trên Thanh Niên ngày 21.12.

Bức xúc
Agoda, Booking, Hotels, Expedia… được nhiều người VN biết đến và trở thành khách hàng thường xuyên từ mấy năm nay. Số tiền mà người VN chuyển cho các trang web này là con số khổng lồ. Vậy mà khi hỏi Tổng cục Thuế thì đơn vị này trả lời là đang trình và chờ Bộ Tài chính cho ý kiến về thu thuế. Đây là sự chậm trễ, thậm chí là sự trì trệ đáng ái ngại. Nếu cơ quan thuế giỏi và nhanh chân thì các khoản thuế thu được sẽ đóng góp cho ngân khố quốc gia rất lớn. Giá như cơ quan thuế thu được nguồn thuế khổng lồ từ các “ông lớn” này để sau đó giảm thuế thu nhập cá nhân cho các công dân của mình thì tuyệt vời.
Võ Sinh Thành
(Q.8, TP.HCM)
Thói quen mua sắm đã thay đổi
Thói quen mua sắm qua mạng đang thay thế mua sắm truyền thống với nhiều người dân ở các thành phố lớn. Tôi cũng là một trong số đó. Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển nhanh chóng, vượt bậc cùng với sự phát triển của các công cụ thanh toán trực tuyến. Do đó, ngành thuế cần phải thay đổi trong cách tính thuế, thu thuế trong lĩnh vực TMĐT. Việc này không chỉ thu về ngân sách nhà nước mà còn giúp các doanh nghiệp (DN) bình đẳng trên thương trường. DN trong nước kinh doanh TMĐT thì đóng thuế không sót đồng nào, trong khi DN nước ngoài hoạt động TMĐT trong nước không phải đóng thuế, họ sẽ dùng số tiền “lọt thuế” đó để đầu tư quảng cáo, phục vụ và thu hút hết khách hàng về phía họ. Điều này dẫn đến DN trong nước không cạnh tranh được với DN nước ngoài trong cùng lĩnh vực kinh doanh.
Hoàng Trọng Kha
(Q.9, TP.HCM)
Thiếu hành lang pháp lý
Rõ ràng hành lang pháp lý về TMĐT, trong truy thu thuế các DN kinh doanh TMĐT tại VN còn rất thiếu. Bao giờ cũng vậy, với các quan hệ xã hội mới phát sinh, chưa có các quy phạm pháp luật điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, luật Giao dịch điện tử, luật Công nghệ thông tin đã có từ lâu, điều đó đồng nghĩa với việc cơ quan thuế phải nắm bắt và sớm tham mưu để ban hành quy định pháp luật nhằm thu thuế từ các DN kinh doanh TMĐT. Không thể để sự chậm trễ này kéo dài mãi được. Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cần sớm đề xuất, tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến thu thuế GTGT, thuế thu nhập DN trong lĩnh vực TMĐT. Đừng để hàng ngàn tỉ USD sẽ tiếp tục trôi đi trong những năm tiếp theo.
Lê Minh Việt
(xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM)
Nguyễn Hải Châu
Để thu thuế đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT thì các cán bộ công tác quản lý thuế cần được tổ chức đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, ngoại ngữ, công nghệ thông tin cùng các kỹ năng thanh tra, kiểm tra qua mạng, trên máy tính. Phải hiểu TMĐT là gì, hoạt động thế nào, từ đó mới có thể định danh, truy tìm dấu vết... mà truy thu thuế.
Nguyễn Hải Châu 
(Q.7, TP.HCM)
Mai Thoại Diễm Phương
Thực tế thì các nước phát triển cũng khá lúng túng trong việc thu thuế trong lĩnh vực TMĐT, lý do là lĩnh vực này hoạt động chủ yếu trên mạng và thanh toán bằng nhiều phương thức khác nhau. Do đó, Tổng cục Thuế cần tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cũng như ký kết các hiệp định về thuế. Bên cạnh đó, ngành thuế cần đẩy mạnh hợp tác với các bộ ngành, các công ty viễn thông, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin... để xác định hành vi vi phạm pháp luật thuế nhằm kịp thời có biện pháp xử lý.
Mai Thoại Diễm Phương 
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
T.T - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.