Cha truyền con nối: Trần Lực và người thầy từ thời thơ ấu

Ngọc An
Ngọc An
21/09/2020 06:30 GMT+7

3 năm trước, đạo diễn Trần Lực đã thành lập LucTeam, đoàn kịch tư nhân đầu tiên của sân khấu phía bắc. Người giúp Trần Lực nhìn rõ hướng đi cho LucTeam chính là cha và cũng là người thầy của anh: đạo diễn Trần Bảng.

Mỗi sáng, đạo diễn - NSND Trần Bảng, năm nay đã bước sang tuổi 95, vẫn đều đặn vào mạng, cập nhật tình hình con cháu ở khắp mọi nơi, theo dõi tin tức… Và như thói quen hằng ngày, ông trò chuyện với con trai, đạo diễn - NSƯT Trần Lực về sân khấu cùng những vở diễn của anh.

Tuổi thơ gắn liền với cánh gà sân khấu

NSND Trần Bảng là một trong những người có công đầu phục dựng lại chèo cổ và phát triển chèo mới. Ông viết kịch bản, đạo diễn, nghiên cứu, phê bình lý luận, tập hợp các nghệ nhân hướng dẫn dựng vở, dạy học trò… Nhà thơ Huy Cận đã viết tặng người bạn gắn cuộc đời với nghiệp chèo bài thơ, gọi Trần Bảng với danh xưng “trùm chèo”.
Ngay khi được nhận nhiệm vụ trưởng đoàn chèo, sau này là Nhà hát Chèo Việt Nam, ông đã nghĩ đến việc bảo tồn và phục dựng chèo cổ. Ông cho tổ chức hội nghị nghiên cứu chèo, mời các nghệ nhân đến trình diễn. Năm 1957, Trần Bảng dựng lại vở chèo Quan âm Thị Kính. Trước người ta mới chỉ được xem những trích đoạn chèo cổ, chưa bao giờ được xem trọn vở, nên ai cũng thấy ngỡ ngàng. Xem xong, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ôm chầm lấy Trần Bảng thốt lên: “Tớ mê Thị Mầu của cậu rồi đấy!”.
“Hồi nhỏ tôi hay đi theo bố mẹ đến nhà hát, ngồi ở cánh gà xem mẹ diễn chèo, hay xem những vở diễn mà bố dựng. Cả bố, cả mẹ (cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân - PV) đều ảnh hưởng đến tôi, nhưng từ bố có lẽ là mạnh hơn cả”, NSƯT Trần Lực chia sẻ.
Những ảnh hưởng từ bố mẹ, cùng khoảng thời gian thơ ấu sống tại khu văn công Mai Dịch (Hà Nội) được xem các nghệ nhân như Năm Ngũ, Cả Tam, Dịu Hương... diễn chèo, khiến nghệ thuật sân khấu truyền thống “ngấm” vào cậu bé Trần Lực một cách tự nhiên. Dần dần, một cách có ý thức, anh nghiền ngẫm đọc những trang viết của bố về nghệ thuật chèo, đạo diễn chèo, nghệ thuật biểu diễn trong chèo, cách viết kịch bản chèo... Sau này, cuốn sách của cha đã theo Trần Lực trong suốt khoảng thời anh theo học đạo diễn sân khấu tại Bulgaria.

“Con ở trong bố, bố ở trong con”

“Sân khấu LucTeam ra đời với ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện, mang đậm ngôn ngữ của sân khấu truyền thống, nói cách khác là từ tuồng, chèo mà ra cả. Đó là sự ước lệ về không gian, ước lệ về thời gian. Điều đặc biệt, đây là sân khấu kịch nhưng ước lệ trong nghệ thuật biểu diễn, khác hẳn những sân khấu kịch khác ở Việt Nam bây giờ. Tôi làm được LucTeam là nhờ có bố ủng hộ, khích lệ và định hướng”, Trần Lực chia sẻ.
Khi Trần Lực chuẩn bị dàn dựng vở diễn đầu tay Quẫn, cũng là vở diễn “chào sân” của LucTeam, anh đã trò chuyện rất nhiều với bố mình. Đạo diễn Trần Bảng tâm đắc với ý tưởng của Trần Lực: không “bê” những đạo cụ trong đời thường, từ cốc uống nước, bát ăn cơm, cho đến ghế ngồi lên trên sân khấu. Với ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện, Quẫn được đưa vào trong một thế giới, thời gian, không gian không xác định, câu chuyện trong đó có thể xảy ra ở bất kỳ thời gian nào, địa điểm nào.
Đến khi Trần Lực dựng Nữ ca sĩ hói đầu - vở kịch phi lý đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, không có cốt truyện, nhân vật không có tính cách, anh và cha lại cùng ngồi bàn với nhau làm sao để đưa vũ đạo của tuồng, động tác của chèo vào trong vở diễn. “Đây là vở diễn mà hai bố con ngồi bàn nhiều nhất. Vở kịch này đã dựng ở sân khấu châu Âu nhiều rồi, nên chúng tôi muốn tạo nên sự khác biệt. Hai bố con đã cùng nhau “giải mã”, vạch ra đường đi”, Trần Lực chia sẻ.
Bắt đầu với sân khấu ở cái tuổi “không còn trẻ”, nhưng Trần Lực bảo anh luôn đầy hào hứng. “Bố tôi thường nói: Con ở trong bố, bố ở trong con, tức là con thành công thì bố thành công, con vui thì bố vui, và ngược lại”, đạo diễn Trần Lực tâm sự.
NSND Trần Bảng là đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo. Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật sân khấu (Bộ Văn hóa - Thông tin), Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông đã có công dựng lại nhiều vở chèo cổ, chèo dân gian như: Quan âm Thị Kính, Súy Vân, Lưu Bình Dương Lễ, Lọ nước thần... và các tác phẩm chèo hiện đại; đóng góp nhiều công trình nghiên cứu, lý luận quan trọng. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước đợt 2 (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt 5 (2017).
NSƯT Trần Lực là diễn viên, đạo diễn. Anh đã tham gia nhiều bộ phim với vai trò diễn viên như Mẹ chồng tôi, Hoa ban đỏ, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông... Anh là đạo diễn của nhiều bộ phim: Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà, Đầu bếp và đại gia... Năm 2017, Trần Lực ra mắt sân khấu LucTeam. Vở Quẫn do anh đạo diễn đã nhận huy chương bạc và anh nhận giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu thủ đô.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.