Cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính: Nhà ta quý chữ hơn vàng

08/03/2016 06:08 GMT+7

Trước nay có rất nhiều sách báo viết về thân thế sự nghiệp của cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính với nhiều “dị bản”, đa phần lưu truyền từ sách báo hay từ người này sang người khác...

Trước nay có rất nhiều sách báo viết về thân thế sự nghiệp của cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính với nhiều “dị bản”, đa phần lưu truyền từ sách báo hay từ người này sang người khác...

Chân dung Nguyễn Bính do Nguyệt Hồ vẽ - Ảnh: tư liệu gia đìnhChân dung Nguyễn Bính do Nguyệt Hồ vẽ - Ảnh: tư liệu gia đình
Lần đầu tiên, bạn đọc yêu mến Nguyễn Bính - tác giả những bài thơ bất hủ Mưa xuân, Học trò trường huyện, Lỡ bước sang ngang, Tương tư, Ghen... - được tiếp cận với nhà thơ tài hoa này thông qua những hồi ức, ghi chép, tìm hiểu của chị Nguyễn Bính Hồng Cầu - con gái ruột của nhà thơ.
Trước nay có rất nhiều sách báo viết về thân thế sự nghiệp của cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính với nhiều “dị bản”, đa phần lưu truyền từ sách báo hay từ người này sang người khác, dựa theo trí nhớ của bạn bè người thân mỗi người theo một cứ liệu nên có khi còn trái ngược nhau... Tôi hoàn toàn không có ý thanh minh hay đính chính điều gì mà chỉ muốn làm việc “biết gì nói nấy”, nôm na là vậy.
Nơi khơi nguồn thi phú
Ông nội tôi tên Nguyễn Đạo Bình (còn gọi là cả Biền), là một nhà nho cuối mùa lỡ vận, tính tình điềm đạm, hiền lành, trọng người nghĩa khí: Thầy tôi dạy học chữ nho/Dạy dăm ba đứa học trò loanh quanh/Có gì, tiếng cả nhà thanh/Cơm ăn đủ bữa áo lành đủ thay, hay: Nhà ta quý chữ hơn vàng/Coi tài hơn cả giàu sang ở đời... (Nhà tôi). Mấy câu thơ trên của ông được coi như một phương châm sống của gia đình, có lẽ vì thế mà cha tôi đã trở thành nhà thơ Nguyễn Bính cũng nên. Bác cả tôi nhà viết kịch Trúc Đường, ông có nhiều đóng góp cho ngành sân khấu VN, bác hai tôi cũng từng đoạt giải nhất truyện ngắn Tiểu thuyết thứ Năm giữa thập niên 30 thế kỷ trước. Ba người con trai của bà nội tôi đều có tài văn chương thi phú nhưng lại không có bạc vàng.
Nhà ông nội ở xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội nay là xã Cộng Hòa, H.Vụ Bản (Nam Định). Đó là ba gian nhà gỗ lim, thềm lót đá xanh, trước hiên có dựng bức tường gỗ để che chắn theo kiểu phong thủy ngày xưa. Rất tiếc ngôi nhà ông tôi bị giặc đốt từ năm 1946, khi cha tôi còn mải lặn lội ở tận vùng đất phương Nam xa lắc.
Bà nội tôi tên Bùi Thị Miên (không phải Miện như một số sách báo thường viết), người làng Vân Tập (Vụ Bản), nết na xinh đẹp hiền lành, con nhà khá giả. Bà sinh cho ông nội tôi ba người con trai: Nguyễn Mạnh Phác có bút danh là Trúc Đường (1911), Nguyễn Ngọc Thụ (1914) và Nguyễn Trọng Bính (1917). Vào buổi chiều định mệnh mùng 5 tháng 7 năm Đinh Tỵ, tức năm 1917, bà nội tôi ra cầu ao rửa chân chẳng may bị rắn độc cắn phải, không kịp chữa trị, bà qua đời ở tuổi 24, để lại cho ông nội tôi ba đứa con thơ dại. Mấy năm sau vì cảnh nhà neo đơn, ông nội tôi đi thêm bước nữa. Cha tôi sớm mồ côi mẹ nên được ông nội và cả họ nhà tôi yêu chiều.
“Chú bé loắt choắt” nổi tiếng một vùng
Từ nhà ông nội tôi xuống Phủ Giầy khoảng hai cây số, hằng năm vào mùa lễ hội (bắt đầu từ mùng một tháng ba âm lịch kéo dài đến mùng mười), ngoài đường trên đê dập dìu nam thanh nữ tú trẩy hội rất đông vui. Cha tôi thường cùng ông Nguyễn Đình Khản, Nguyễn Ngọc Xứng (những người anh họ trạc tuổi cha tôi) đi với nhau suốt hội, lượn lờ theo các cô gái tuổi đương mơ để làm thơ trêu chọc.
Vào năm Tân Mùi (1931), tại phủ Giáp Ba, làng Dần, xã Bảo Ngũ, H.Vụ Bản xưa, có tổ chức cuộc thi tả cảnh chọi gà. Ban giám khảo là các nhà Nho tên tuổi trong vùng. Thời gian làm bài quy định là một giờ nhưng cuộc thi mới diễn ra chừng được nửa giờ, người ta thấy một chú bé loắt choắt khoảng mười hai tuổi lên nộp bài sớm. Ngoài những đoạn văn miêu tả sinh động cảnh chọi gà ngày hội, cha tôi mở rộng thêm chủ đề, lý giải sự gắn bó yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong gia đình họ tộc, tình làng xóm, quê hương đất nước. Kết thúc bài thi, cha tôi “liên kết” với hai câu ca dao quen thuộc: Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Ban giám khảo rất tâm đắc, nhất trí trao cha tôi giải cao. Khi loa phóng thanh vang lên giữa Phủ, xướng tên Nguyễn Bính đoạt giải nhất cuộc thi, người ở thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội mới vỡ lẽ chú bé loắt choắt chính là Nguyễn Bính. Cha tôi được tặng một chiếc khăn lụa màu hồng và vinh dự được mời lên ngồi cùng bàn với ban giám khảo.
Một lần khác cũng vào dịp Hội Phủ Giầy, làng Thiện Vịnh tổ chức hát đối. Cha tôi lãnh phần gà cho bên nam. Cụ bà Nguyễn Thị Chanh năm ấy đã 70 tuổi thì gà cho bên nữ. Hai bên thi nhau bên tung bên hứng hát đối hát đố nhau thâu đêm suốt sáng, cuộc vui không biết mệt: Đố em Phủ ấy sao Giầy/Quán kia sao Dội, chợ này sao Ngang? Cái khó ở đây là dày đối với mỏng và dọc đối với ngang nên bên nam đã thắng cuộc vì những tên như Phủ Giầy ở Tiên Hương, quán Dội ở ngã tư xã Đồng Đội, chợ Đình Ngang thôn Thiện Vịnh đều nằm trong vế đối nên bên nữ đành chịu thua. Sau khi bên nam nhận tiền thưởng và vuông lụa hồng, họ xúm lại công kênh cha tôi lên vai đi vòng vòng khắp sân đình giữa tiếng hò reo phấn khích. Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi văn tả cảnh chọi gà và cuộc thi hát đối ở Hội Phủ Giầy, tiếng tăm cha tôi nổi đình nổi đám khắp Vụ Bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.