Cha mẹ dạy gì cho con?: Đừng cố gắng thành công!

16/10/2018 09:08 GMT+7

Con người sinh ra thường nghĩ về mình trước, cái được và mất cho mình trước khi nghĩ đến người khác. Do đó, nếu con nghĩ về người khác trước khi nghĩ cho mình thì tất nhiên con sẽ thành công.

Thành người có giá trị
Năm ngoái, Takara một mình thi đấu trong HacktheU (Hackathon) và đứng hạng 2. Cậu ta bảo năm sau (2018) phải đoạt giải nhất. Tôi cười bảo: “Con vui và học bài học kinh nghiệm là tốt rồi. Còn chuyện đoạt giải gì còn lệ thuộc vào tài năng của con so với các đội khác nữa”. Cậu ta lại khẳng định: “Năm sau con sẽ cố gắng đoạt giải nhất”. Tôi vò đầu Takara và cười. 
Năm nay, sau 24 giờ tranh cãi và làm việc không ngủ, đội của Takara hoàn thành sản phẩm và đã đứng nhất, đem lại một niềm vui nhỏ cho người cha. Tôi hỏi Takara: “Con học được gì từ việc thi đấu này?”. Takara đáp: “24 giờ áp lực, không ngủ, tất cả những tính xấu của con người đều phô trương. Làm sao giữ được đội cùng nhìn về phía trước cho cái chung mà bỏ qua cái tôi là điều khó nhất và tất cả (không một người nào trong đội) không phí một giây phút nào”. Takara là người giữ lửa, giải hòa và giúp toàn đội luôn nhìn về mục đích chung mà bỏ qua tự ái khi ý tưởng của họ bị người khác trong đội bác bỏ để đứng nhất.
Đó là một chặng đường con tôi vượt qua để thành công. Nhưng để đạt được thành công đó, trước hết cậu ấy phải trở thành một người có giá trị. Đừng cố gắng để thành công mà hãy cố gắng để làm người có giá trị. Khi người ta cố gắng để thành công thì có thể tìm những chiêu thức đi tắt đón đầu như lường gạt người khác, gian lận trong thi cử... kể cả đạp giẫm lên bạn đồng nghiệp để vượt lên trong công việc. Cố gắng làm người có giá trị rồi thành công sẽ đến.

Khi làm điều gì thì hãy nghĩ đến việc làm của mình có giá trị gì với người xung quanh. Một khi người khác hay tổ chức đánh giá mình có giá trị thì thành công tự động sẽ đến

Làm người có giá trị có 2 phần. Đó là có giá trị cho chính mình (lòng tự trọng, nuôi dưỡng ước mơ của mình, tập cho mình một tinh thần tự lập trong cuộc sống và trong suy nghĩ) và có giá trị với bên ngoài (người thân, bạn bè, đồng nghiệp, tổ chức nơi mình làm, xã hội…). Khi làm điều gì thì hãy nghĩ đến việc làm của mình có giá trị gì với người xung quanh. Một khi người khác hay tổ chức đánh giá mình có giá trị thì thành công tự động sẽ đến. Thí dụ khi làm một sản phẩm mà xã hội đánh giá có giá trị và cần thiết thì sản phẩm sẽ được đón nhận ở thị trường. Khi việc làm của con mà công ty cho rằng có giá trị thì tự nhiên con sẽ được thăng chức và không bao giờ phải lo bị đuổi việc. Khi con sống có giá trị thì bạn bè, người yêu sẽ quý mến con...
Dạy con “kháng bại”
Khi con cái thi rớt, bị điểm kém, cha, mẹ thường thất vọng buồn bã, la rầy con của mình, so sánh con mình với con người ta hoặc thậm chí có những biện pháp kỷ luật cứng rắn. Nhưng tôi rất vui khi con tôi thất bại ở trường học. Nếu con tôi không thất bại thì tôi cũng tạo cơ hội cho con tôi thất bại, để con tôi được học bài học kinh nghiệm, đó là kháng bại.
Kháng bại là khả năng đối diện với thất bại, học bài học kinh nghiệm để làm lại, từ đó đạt được mục tiêu cho bản thân. Từ lúc con cái còn nhỏ, chúng ta thường đưa con đi chích vắc xin để làm cho con virus bị yếu đi, giúp cơ thể phát triển khả năng kháng sinh. Và dạy con kháng bại cũng vậy, nghĩa là chúng ta phải giúp con vượt qua cái thất vọng của thất bại để làm lại từ đầu và đạt được mục tiêu.
Con tôi khi học xong THCS thì rất giỏi và rất tự tin nghĩ rằng mình có thể học xong chương trình THPT trong vòng một năm rưỡi. Con trai đã xin phép tôi để theo học chương trình THPT sáng tạo với 50% trực tuyến và 50% ở trường. Con chứng minh trong 2 học kỳ có khả năng học xong lớp 10 và lớp 11 với hạng giỏi. Với các phụ huynh khác, họ có thể rất tự hào, vui mừng vì con của mình học giỏi, tự tin. Nhưng tôi có chút lo lắng. Tôi nghĩ, mình phải thiết kế làm sao để con trai học được bài học thất bại.
Tôi quyết định cho con theo học chương trình phổ thông quốc tế IB. Trước đó, tôi nói chuyện với cô giám đốc của chương trình rằng tôi rất muốn con tôi thất bại và đề nghị cô giúp đỡ. Cô rất ngạc nhiên vì chưa từng thấy một phụ huynh nào đề nghị điều đó. Sau khi nghe tôi giải thích, cô giáo đã đồng ý và sắp xếp con trai tôi vào những lớp có giảng viên rất khó, thậm chí còn “đì” con trai tôi cho bằng được.
Sau một học kỳ, con tôi bị 4 điểm C đầu tiên trong đời. Cậu bé rất thất vọng, khóc lóc, than với tôi rằng, chương trình này rất khó, thầy cô cũng không công bằng và mong muốn được học chương trình khác. Giả vờ lắng nghe nguyện vọng của con, tôi đưa cậu đến gặp cô giám đốc (sau khi đã bí mật “nói chuyện” với cô) trình bày nguyện vọng được xin ra khỏi chương trình. Đương nhiên, cô giám đốc sẽ không đồng ý khi đã có những phân tích thấu tình đạt lý mà cậu học sinh phải “tâm phục, khẩu phục”.
“Khi ra về, mặt của cậu ta “một đống”, “bí xị”. Tôi ngồi trong xe mặc dù trong bụng rất vui nhưng mà ở ngoài thì tỏ ra rất chia sẻ. Tôi nói: "Ba rất thông cảm, nhưng mà ba đâu có thất vọng về chuyện con bị 4 điểm C. Điều quan trọng là làm sao con biến 4 điểm C này thành 4 điểm A. Học kỳ sau, con có thể biến 2 điểm C thành 2 điểm B, rồi từ đó biến thành A". Con tôi nghe lời, lên kế hoạch học tập và khi tốt nghiệp THPT đã đạt loại giỏi với 4 điểm A. Sau khi vào đại học, con tôi vượt qua thất bại một cách dễ dàng.
Thất bại chỉ là bài học kinh nghiệm. Đương nhiên, nó đem lại cho chúng ta cảm xúc không vui nhưng chúng ta phải vượt qua cảm xúc đó một cách nhanh chóng và lên kế hoạch làm sao để mình làm lại và học tập tốt hơn để đạt được mục tiêu đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.