Độc đáo cây di sản Việt Nam:

Cây xoài 'khai thủy' nguồn nước ngọt cho người dân xứ biển

05/01/2024 07:34 GMT+7

Cây xoài cổ thụ gần 340 tuổi tại ấp Biển Tây B (xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) luôn được người dân nhắc đến với lòng biết ơn, vì đã "khai thủy" nguồn nước ngọt quý hiếm để tổ tiên trụ lại xứ biển sinh sống, lập làng.

NƯỚC NGỌT DƯỚI GỐC CÂY

Chúng tôi đến tham quan cây xoài đang lúc ông La Văn Lự (Sáu Lự, 71 tuổi) cùng một lão nông tri điền nhắc nhớ chuyện muôn năm cũ. Từ xưa đến nay, gia đình ông Lự cố cựu ở vùng đất này. Ông làm ông tự ở nghĩa địa Thọ Sơn 23 năm nay nên biết nhiều chuyện về cây xoài nằm "cặp vách". Ông Lự gọi cây xoài bằng cụ, với sự trân trọng và tình cảm đặc biệt.

Cây xoài 'khai thủy' nguồn nước ngọt cho người dân xứ biển- Ảnh 1.

Gốc cây xoài to, nhiều người ôm mới xuể

THANH DUY

Ông kể, từ nhỏ đã thấy cây xoài cao sừng sững. Thế hệ ông biết về cây xoài qua lời kể của ông nội, cha và bậc cao niên. Chuyện kể rằng, vào thế kỷ 17, các lưu dân Trung Quốc đến vùng ven biển Tây Nam bộ như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu sinh sống. Khi đặt chân đến ấp Biển Tây B, họ mừng rỡ vì thấy đất rộng người thưa. Lộc trời cho giáp biển nên cá tôm dồi dào, không lo cái đói. Song, nhanh sau đó họ mất ăn mất ngủ vì nhận ra vấn đề thiếu nước ngọt. Bấy nhiêu công sức đào giếng đổ sông đổ biển vì chỉ gặp toàn nước mặn và phèn chua.

Ông Sáu Lự kể tiếp, thời đó, người dân còn nghèo khó nên hiếm có vật dụng trữ nước mưa. Khi "bắt mạch thổ công" đào giếng không thành, họ làm theo kinh nghiệm dân gian là chọn cây khai thủy. Việc tìm kiếm vất vả bởi vùng này vốn dĩ hoang sơ, phần lớn cây cối cao lớn, um tùm. Cụ xoài lại nằm sâu vào trong, cạnh nghĩa địa hoang rộng khoảng 2 ha (Thọ Sơn - PV) có tới hàng ngàn bộ hài cốt nên rất ít ai dám bén mảng tới. Người có công tìm thấy cụ xoài là gia đình ông Lý Kỳ Kia, nhờ vào màu xanh tươi tốt, thân vạm vỡ bất thường của cây xoài so với cây cối xung quanh.

Như phán đoán, người đàn ông họ Lý đào hố thì phát hiện dưới gốc xoài là mạch nước ngầm ngọt lịm. Hố có diện tích tầm 3 m², đào sâu 2 m thì mạch thủy bắt đầu rịn ra, trong vắt, uống vào thanh mát. Người dân đến lấy nước xếp hàng rồng rắn dài tới vài chục mét. Ai múc xong đôi nước (2 thùng - PV) thì đến lượt người khác. Một lần lấy nước không được nhiều nhưng nước cứ vơi đi rồi lại đầy, dùng mãi không hết. Ban đầu, người dân cũng lo việc lấy nước sẽ ảnh hưởng tới cụ xoài. Nhưng rồi cụ cứ sống khỏe, phát triển tươi tốt, mỗi năm đều ra trái.

Cây xoài 'khai thủy' nguồn nước ngọt cho người dân xứ biển- Ảnh 2.

Cây xoài cổ thụ có tuổi thọ lớn nhất Bạc Liêu

THANH DUY

Theo ông Lự, bấy giờ người dân rất ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước, chỉ dùng trong ăn uống, sinh hoạt cần thiết. Từ khi phát hiện mạch nước, người Hoa, người Khmer và người Kinh kéo đến vùng đất này định cư ngày một nhiều. Trong lao động, họ tận dụng nước mưa trồng cây ăn trái lâu năm để phát triển đời sống.

"Bà con ở đây rất biết ơn cụ xoài. Nếu cụ không cho nước thì chắc chắn không ai dám trụ lại vì sợ chết khát. Đồng nghĩa với không có một xứ biển đa dạng về văn hóa, nổi tiếng về nuôi tôm và trồng nhãn như hiện nay", ông Tự nói với vẻ tự hào.

TỤC CÚNG THẦN HỔ 3 CHÂN

Theo thông tin từ Tổ chức xác lập Cây di sản VN, cuối thế kỷ 17, ấp Biển Tây B vẫn còn rừng rậm. Nhiều lần đến cụ xoài lấy nước ngọt, người dân phát hiện có một con cọp. Điều lạ là con cọp bản tính hiền lành, không hung hăng mà có vẻ bảo vệ dân làng khỏi rắn rết, động vật hoang dã. Từ đó, người dân suy tôn cọp thành Thần Hổ và giữ nét phong tục cúng tế lễ vật vào ngày 28.7 âm lịch hằng năm để cầu mong bình an.

Ông Lự cho biết, ban đầu, hình thức cúng lễ cho Thần Hổ là một con heo còn sống. Con heo này được các trưởng lão dắt từ chùa về, dẫn đến cây xoài rồi thả cho chạy vào rừng, chẳng bao lâu thì nghe tiếng hét do cọp vồ. Sau này có người thấy cọp mất 1 chân, nghi mắc bẫy nên chuyển sang cúng heo mần sẵn (heo trắng - PV), với quan niệm cọp còn 3 chân thì rất khó khăn để bắt mồi. Bẵng đi một thời gian, không còn ai trông thấy con cọp nữa nên dân làng cúng đầu heo luộc chín. Ngày nay, cứ đến 28.7 âm lịch thì 12 sư thầy chùa Ông Bổn lại đến hành lễ, đốt nhang, khấn vái.

Trước đây, do đường vào thâm u, ngoài người dân địa phương, ít ai quan tâm đến cụ xoài. Năm 1990 - 1991, nghĩa địa Thọ Sơn bốc dỡ hài cốt, chỉnh trang lại quang cảnh, đường vào cụ xoài sáng sủa hơn. Năm 2015, khi cụ xoài được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN công nhận là Cây di sản VN thì khách thập phương, nhất là ĐBSCL, đến tham quan thường xuyên. Thời điểm đó, cây xoài đã khoảng 330 tuổi với chiều cao trên 15 m, tán tỏa mát rộng hàng trăm mét vuông, đường kính gần 2 m, gốc to phải 5 - 6 người ôm mới xuể. Đến nay, cây đã gần 340 tuổi, được xem là cây xoài có tuổi thọ lớn nhất Bạc Liêu.

Bà Phan Thanh Thảo, Phó chủ tịch UBND Xã Vĩnh Trạch Đông, cho biết cụ xoài có năm cho nhiều trái, năm cho trái ít và thường chỉ cho trái một phía. Trái nhỏ như quả cóc, không thu hoạch mà để phục vụ khách tham quan. Tour du lịch kết hợp cây xoài di sản - chùa Xiêm Cán - cánh đồng điện gió có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, do cây xoài gần khu nghĩa địa nên các dịch vụ kèm theo như mua bán sản phẩm, ăn uống chưa thể thực hiện. Đối với người dân địa phương, cây xoài rất quan trọng về mặt tâm linh, đời sống tinh thần và thuộc hàng quý hiếm nên ai cũng ý thức việc bảo vệ, giữ gìn. Hằng tuần, lực lượng đoàn thanh niên của xã đến dọn dẹp, vệ sinh, dặm cây xanh, trồng hoa trong khuôn viên để làm điểm checkin cho du khách. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.