Cây xanh Sài Gòn trồng từ bao giờ - Kỳ 1: Làm đường kèm cây chống nắng

25/04/2016 09:14 GMT+7

Sau khi người Pháp chiếm Sài Gòn, song song với việc xây dựng đô thị thì cây xanh ở vùng đất này cũng bắt đầu được tính đến với mục đích chống lại cái nắng của miền nhiệt đới.

Bước sơ khởi đầu tiên
Thạc sĩ Huỳnh Văn Sinh – Giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM, người nghiên cứu về Sài Gòn xưa cho rằng, lịch sử của đất Sài Gòn rất trẻ chỉ trên 300 năm, do vậy đô thị Sài Gòn xưa xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước, việc phát triển đô thị quy cũ như phương Tây là không có, chủ yếu đô thị hành chính hoặc đô thị linh thiêng.
Từ khi người Pháp chiếm Sài Gòn khoảng từ 1863 – 1865 lúc ấy đường phố chưa có vỉa hè và những ý kiến trồng cây chống lại cái nắng oi bức của miền nhiệt đới đã được tính đến. Do đó việc người Pháp vào mang tư duy phát triển đô thị có quy hoạch hẳn hoi, từ đó cây xanh đô thị mới bắt đầu phát triển theo.
Đi đôi với đó người Pháp bắt đầu quy hoạch vỉa hè, mở rộng con đường và trồng thêm nhiều cây xanh. Năm 1863 – 1870 phần lớn cây trồng được Sở cầu đường Sài Gòn lấy từ khu vườn ươm khá phong phú từ vườn Bách thảo (nay là Thảo cầm viên Sài Gòn).
Cũng theo PGS. TS Trần Hữu Quang, viết trong cuốn “Hạ tầng đô thị buổi đầu” (của nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM), năm 1866 khá nhiều con đường đã được làm lại và phần lớn đã được trồng cây nhỏ ven theo lề đường gồm cây me và cây xoài. Việc trồng cây, tưới nước được chính quyền thành phố giao cho cấp làng đảm nhiệm.
Một thời gian sau người ta bắt đầu thấy những hệ quả mang lại không mong muốn, vì cây bắt đầu mở rộng có tán thưa, trái cây rơi rụng làm dơ đường phố, không phù hợp với đô thị. Trong đó có khoảng 20 con đường của Sài Gòn đã được ghi lại trong báo cáo họp thường kỳ của hội đồng thành phố thời bấy giờ.
Hàng me trên đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng - Ảnh tư liệu của nhiếp ảnh gia Tam Thái

Hàng me trên đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng (quận 1) - Ảnh tư liệu của nhiếp ảnh gia Tam Thái

Năm 1878 trong bản phúc trình của Uỷ ban Canh nông và Kỹ nghệ Nam Kỳ viết như sau: “Tất cả những con đường này đều đã có những vỉa hè đẹp ống cống lớn, xây bằng gạch (ý nói đây là những đường cống vòm đặc trưng ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Pasteur...) và được che mát bởi những loại cây khác nhau tràn trề sức sống như cây me, xoài, bàng...”.
Theo thời gian các cây này bộc lộ những khiếm khuyết của nó như: lá, quả rụng nhiều làm dơ bẩn đường phố, hoặc cây xà cừ bật rễ lên làm hư vỉa hè. Cho nên chính quyền thành phố đã cải tạo vào đầu thế kỷ 20.
Tháng 3.1912 một Ủy viên Hội đồng thành phố đề nghị chặt bớt cây ở khu trung tâm theo tỷ lệ cứ 2 cây thì chặt bớt 1 cây, tức là khoảng cách giữa 2 cây là 10 mét chứ không còn là 5 mét như ban đầu. Nguyên nhân lúc ấy nhà cửa ở nhiều nơi bị ẩm thấp nặng nề như ở đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng), Blancsubé (nay là đường Phạm Ngọc Thạch). Cuối cùng, không rõ có phải dân chúng có óc “mê tín” hoặc “gắn bó” với thành phố hay không mà Hội đồng thành phố tỏ ra ngần ngại và đề nghị tiếp tục nghiên cứu chuyện này, chứ chưa đồng ý cho chặt bớt cây ngay.
Cây trăm tuổi ở Sài Gòn bắt nguồn từ Thảo cầm viên
Theo hồ sơ lưu trữ tại Thảo cầm viên Sài Gòn, một số hàng cây trên đường phố hiện nay có xuất phát từ đây. Đây là khu dự trữ, nghiên cứu thực vật đầu tiên ở Đông Dương vào năm 1864. Khi đó người Pháp đã bắt tay xây dựng và đặt tên là vườn Bách thảo Sài Gòn (Hortus Botanicus Saigonnensis) nằm phía Tây bắc kênh L’avanche (nay là kênh Thị Nghè) với diện tích rộng 12 ha.
Năm 1865 ông J.B.Louis Pierre từ Ấn Độ về phụ trách vườn Bách Thảo. Cùng thời gian này diện tích cũng được mở rộng lên 20 ha, được mô phỏng theo hình ảnh vườn thực vật Hoàng Đế Louis XIII của Pháp.
Nhiệm vụ đầu tiên đặt ra cho ông Pierre là sư tầm các loài thực vật, động vật đặc hữu của vùng Nam Kỳ và 3 nước Đông Dương để mang về Pháp. Đồng thời du nhập những giống cây có giá trị kinh tế về trồng thử nghiệm, từ đó chọn những cây thích hợp để nhân rộng ra.
Vào cuối năm 1865, Pierre đã mở rộng diện tích vườn Bách thảo lên 20 ha, mà ở đó còn bảo vệ nhiều cây rừng như: cây sao, dầu, gõ đỏ, giáng hương... còn sót lại trong khu rừng nhiệt đới tự nhiên tại đây.
Cây xà cừ ở Thảo cầm viên được xem là lớn nhất Việt Nam, có tuổi trên 150 năm - Ảnh Độc LậpNhững cây được trồng ở Thảo cầm viên để nghiên cứu, nhân giống để trồng ở thành phố. Ảnh cây xà cừ ở Thảo cầm viên được xem là lớn nhất Việt Nam, có tuổi trên 150 năm - Ảnh: Độc Lập
Cây mét tuổi thọ có thể đến 250 năm, đường kính gốc đến 2,45 m - Ảnh Độc LậpCây mét tuổi thọ có thể đến 250 năm, đường kính gốc đến 2,45 m - Ảnh: Độc Lập
Ngoài ra ông còn du nhập nhiều loại cây từ Ấn Độ, Châu Úc, Phi, Nhật Bản, Indonesia... trong đó có nhiều loài cây công nghiệp, cây bóng mát, cây ăn quả. Di sản của ông để lại với trên 100.000 mẫu vật. Bên cạnh đó còn hàng ngàn cây cổ thụ có tuổi thọ trên 100 năm ở Thảo cầm viên, trên đường phố trung tâm và trong Công viên Tao Đàn.
Trong trích lượt “Hạ tầng đô thị buổi đầu” của PGS. TS Trần Hữu Quang cũng có nhắc tới: “Trong một bức thư gửi đến viên thanh tra Sài Gòn vào năm 1866 có nói rằng vườn Bách thảo lúc này có sẵn 25.000 cây ươm và đề nghị viên thanh tra giao cho các hương chức ở các làng ven thành phố như vùng Gò Vấp, Chợ lớn đem đi trồng ở dọc đường phố”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.