Cây đổ đè chết học sinh: Nỗi lo an toàn trường học

27/05/2020 05:31 GMT+7

Vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM bật gốc khiến một học sinh tử vong sáng 26.5 đặt ra nhiều vấn đề trong việc đảm bảo an toàn trường học.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh (HS) đi học trở lại vào thời điểm TP.HCM bước vào mùa mưa, nên càng phải quan tâm chú trọng đến những hiểm nguy rình rập HS từ cây xanh.

Vụ cây phượng đè chết học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng: Hiệu trưởng nói gì?

Tại cuộc họp báo chiều 26.5, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin - Truyền thông và UBND Q.3 tổ chức, ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, thông tin cây phượng bật gốc trồng từ năm 1996, hằng năm nhà trường thuê công ty cây xanh mé nhánh và chăm sóc các cây xanh trong khuôn viên. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, một đơn vị chăm sóc cây xanh của tư nhân đã thay đất và mé nhánh không an toàn.

Học sinh kể lại giây phút kinh hoàng bị cây phượng bật gốc ngã đè

Thủ tướng chỉ thị tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em

Bộ GD-ĐT: Chỉ đạo kiểm tra, xử lý các cây nguy hiểm
Ngày 26.5, Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em (TE) và bảo vệ TE.
Theo đó, Thủ tướng chỉ thị các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về TE, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về TE; tăng cường thanh tra, kiểm tra các quy định pháp luật về TE. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc TE khi có hành vi vi phạm pháp luật về TE, nhất là các hành vi xâm hại TE, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền TE đều phải xử lý nghiêm.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với TE có hoàn cảnh đặc biệt; triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích TE, giảm tình trạng TE tử vong do đuối nước. Đối với Bộ GD-ĐT, Thủ tướng yêu cầu giáo dục lối sống văn hóa, đạo đức cho học sinh và phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục TE trong trường học; phổ biến, tuyên truyền về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá; phòng ngừa và xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích TE trong trường học.
Chiều ngày 26.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở
GD-ĐT TP.HCM, các sở GD-ĐT trong toàn quốc cần chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ... đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS, giáo viên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn, các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho HS sinh viên.

Lời kể của nhân chứng vụ cây phượng bật gốc ngã làm chết 1 học sinh

Ông Phúc thừa nhận bản thân ông và Ban giám hiệu là giáo viên nên không có chuyên môn về cây xanh, nếu chỉ nhìn vẻ tươi tốt bề ngoài thì không ai nghĩ cây phượng sẽ đổ. Vào thời điểm xảy ra sự cố, HS lớp 6/8 đang ngồi ăn sáng trước khi vào lớp. Vụ việc làm 1 học sinh tử vong, 17 học sinh khác bị thương.
Cây đổ đè chết học sinh: Nỗi lo an toàn trường học

Hiện trường vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật gốc đè trúng học sinh

Ảnh: Mai Thanh

Hoang mang, lo lắng

Ngay trong sáng qua, khi chúng tôi có mặt tại nhiều trường học tại TP.HCM, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo âu sau vụ cây phượng bật gốc khiến HS tử vong.
Tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4, N.T.M.H, phụ huynh có con học tại trường này lo lắng: "Trường con tôi có 2 cây phượng rất lớn và nhiều cây sa kê. Sau vụ tai nạn sáng nay, tôi lo lắng quá, không biết làm sao".

Cây phượng bật gốc đè học sinh: Bác sĩ nói gì về 2 trường hợp bị thương nặng?

Chị Phạm Thanh Thảo, phụ huynh HS học tại Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, cho biết: “Trường học của con tôi không có nhiều cây lớn, chỉ có một số cây nhỏ. Nhưng sáng nay, các thầy cô cũng nhắc nhở các con trời mưa không nên đứng dưới những khu vực có cây, dù ở trường học hay ở các nơi khác”, chị Thảo nói.

Lãnh đạo TP.HCM đến chia buồn gia đình học sinh tử vong

Sáng ngày 26.5, thi thể của em N.T.K được đưa về nhà trong nỗi đau tột cùng của gia đình. Mẹ của K. chỉ vừa sinh con được 3 ngày, vẫn đang nằm trong bệnh viện. Chị được đưa về nhà bằng băng ca, phải có bác sĩ, y tá đi theo chăm sóc và thường xuyên ngất xỉu trong đám tang của con mình.
Chỉ cách vài căn nhà của K., em V.T.H, học cùng lớp và là bạn thân của K. cũng thẫn thờ, đeo băng tay trắng toát, vừa từ bệnh viện về.
Có thể thấy, sau nỗi đau này, H. và những bạn có mặt tại hiện trường sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, cho biết sẽ cố gắng hết sức để ổn định tâm lý không chỉ của HS mà cả giáo viên. Tại trường có chuyên viên tâm lý, sẽ kết nối ngay để tư vấn cho các em trong trường, giáo viên cũng sẽ sát cánh với các em. Nếu có trường hợp ảnh hưởng tâm lý khó khăn hơn, Phòng GD-ĐT Q.3 sẽ nhờ đến các chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp hỗ trợ. Theo tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, các em chắc chắn sẽ bị chấn thương về tâm lý nên việc ổn định tâm lý cho các HS này là điều cần phải làm.
Chiều 26.5, nhiều lãnh đạo của TP.HCM đã đến nhà của HS tử vong để động viên và chia buồn cùng gia đình. Đến thăm gia đình cháu N.T.K (12 tuổi, HS tử vong tại Trường THCS Bạch Đằng) có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng đại diện các cơ quan ban ngành địa phương.
Tại buổi viếng, ông Nguyễn Thiện Nhân gửi lời thăm hỏi đến gia đình cháu K., đồng thời động viên gia đình cháu sớm vượt qua nỗi đau không gì bù đắp được. Chia sẻ cùng gia đình, ông Nhân cho rằng đây là sự việc không may và lãnh đạo thành phố rất chia sẻ với mất mát lớn của gia đình.
Phạm Hữu - Đăng Nguyên
N.T.M.V, 16 tuổi, HS lớp 10 Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, cho biết khi nghe tin có HS bị tử vong vì cây đè trong trường thì rất lo sợ vì em rất hay cùng bạn bè ngồi ghế đá dưới tán cây to để vui đùa mỗi khi ra chơi.
Cùng nỗi lo lắng đó, T.T.Y.N, HS lớp 9 Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, cho biết: "Em hay chạy nhảy vui chơi cùng bạn bè ngoài sân trường. Khi nghe tin này, em cũng sợ nếu lỡ đang chơi mà gió lớn quật nhánh cây rớt trúng đầu thì không biết làm sao!".
Trong khi đó, chị N.T.G, 40 tuổi, phụ huynh HS Trường THCS Cách Mạng Tháng 8, Q.10, cho biết đi học vào mùa mưa có nhiều nguy hiểm. Không chỉ lo cây xanh trong trường mà còn lo nguy hiểm khác trên đường nếu đưa rước con em mình đúng ngay thời điểm mưa to, gió lớn.

Cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật gốc đè trúng học sinh tử vong

Ảnh: Ngọc Dương

Đồng loạt rà soát cây xanh trong trường học

Về việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong trường học, theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, lãnh đạo các trường tại TP.HCM đều cho biết có phối hợp với bên dịch vụ thực hiện việc tỉa cành, cắt nhánh, kiểm tra gốc, rễ…
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết mỗi năm nhà trường dành khoản ngân sách cho việc chăm sóc, quản lý cây xanh trong trường. Thông thường vào đầu mùa mưa khoảng đầu tháng 3, nhà trường ký hợp đồng với bên công ty cây xanh cung ứng dịch vụ đến kiểm tra, mé nhánh, xử lý cây bị sâu mà mắt thường, không có chuyên môn không thể phát hiện. Sau sự cố tại Trường THCS Bạch Đằng, nhà trường rà soát lại không chỉ cây xanh mà cả các điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho HS.
Bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), cho hay sân trường hầu hết đều có cây xanh, đặc biệt những trường tồn tại lâu đời thì cây xanh đều có tuổi đời cao. Vì vậy, từ tháng 3, theo văn bản triển khai của Sở, của phòng, trường đã phối hợp với bên dịch vụ thực hiện việc tỉa cành, cắt nhánh, kiểm tra gốc, rễ... Đồng thời, để đảm bảo an toàn thì trong nhà trường còn lưu ý đến các máng xối, cống thoát nước, kệ, tủ, hệ thống bảng treo, đèn điện để đảm bảo an toàn cho HS.
Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cũng nói khuôn viên trường có khá nhiều cây xanh, trong đó có những cây tuổi đời cao, thân cây đến 2 vòng tay của 2 HS ôm mới xuể. Vì vậy, hằng năm trường đều nhờ nhân viên cây xanh đến kiểm tra hiện trạng và xử lý trước khi thời tiết bước vào mùa mưa.
Bà Giang nói thêm trong thời gian HS nghỉ tết, thời tiết khô ráo nhưng một cây xanh trong trường cũng bất ngờ gãy đổ, dù thân ngoài không thấy sự bất thường nhưng bên trong thì mối ăn mục hết. Sau đó, trường phải tiến hành cưa thêm 2 cây để phòng tránh tình huống nguy hiểm. Vì vậy, việc quản lý cây xanh, đặc biệt cây có tuổi đời cao, cây lâu năm phải cần người có chuyên môn và ngay trong ngày hôm nay, trường rà soát lại các vấn đề an toàn cho HS.
Về việc cây phượng vĩ thường được trồng ở khuôn viên trường học, mà loại cây này hay mục, rỗng gốc, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, cho rằng các trường học, đơn vị trồng loại cây này nên thuê đơn vị có chức năng thường xuyên khảo sát đánh giá, xem tuổi thọ của cây, xem xét hạ tầng khu vực đảm bảo cây sinh trưởng, đồng thời có kế hoạch chăm sóc đặc biệt hoặc đốn hạ nếu như cây bị sam mục, cây nghiêng nguy hiểm.
Trong buổi họp báo chiều ngày 26.5, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đây là bài học cho toàn ngành tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn trong trường học. Trong vài ngày tới, Sở sẽ chỉ đạo các trường phối hợp với cơ quan chuyên môn để kiểm tra cây xanh.

1 học sinh tử vong, nhiều học sinh bị thương vì cây phượng trong trường bật gốc ngã

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.