Độc đáo cây di sản Việt Nam:

Cây dầu rái hơn 200 tuổi trong đình Thoại Ngọc Hầu

11/01/2024 06:49 GMT+7

Thời gian qua đi, cây dầu rái hơn 200 tuổi trong khuôn viên đình Thoại Ngọc Hầu (TT.Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) góp phần nhắc nhớ về công lao to lớn của vị danh thần triều Nguyễn với cuộc khai phá vùng đất phương Nam.

Cây mang ơn người

Thoại Ngọc Hầu, tên thật Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829, người Quảng Nam), là tướng lĩnh lỗi lạc dưới thời vua Gia Long. Ngôi đình mang tên ông nằm trên triền núi Sập, đã 201 năm từ khi dựng bia đá Thoại Sơn, vẫn giữ được nét cổ xưa, trầm mặc. Nơi thờ phượng này có diện tích khoảng 2.000 m2, xung quanh có hơn 75 cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi như: giáng hương, dầu rái, sao… Trong đó, có cây dầu rái hơn 200 tuổi cạnh mái đình gây chú ý nhất bởi kích thước cao lớn vượt trội. Dưới gốc cây có miếu Sơn Quân, một bia đá khắc chữ "thần thụ" bằng tiếng Hán và một bia đá công nhận Cây di sản VN.

Cây dầu rái hơn 200 tuổi trong đình Thoại Ngọc Hầu- Ảnh 1.

Ban quý tế đình Thoại Ngọc Hầu dành cho cây dầu rái chế độ chăm sóc đặc biệt

THANH DUY

Ông Nguyễn Trung Nhựt, ông từ của đình Thoại Ngọc Hầu, cho biết cây dầu rái được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cấp bằng công nhận Cây di sản vào ngày 17.7.2023. Khi đó, cây cao khoảng 30 m, bề hoành gốc 9 m, bề hoành thân trên 6 m. Việc công nhận này đã góp phần quảng bá du lịch, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, văn hóa đối với người dân địa phương. Riêng về cây dầu rái, những giá trị mà cây có được hôm nay là nhờ công lao của danh tướng Thoại Ngọc Hầu.

Nhớ lại lịch sử, ông Nhựt bày tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng của vị khai quốc công thần đã biến những vùng hoang hóa thành ruộng đất tốt tươi, giúp người tha phương có nơi sinh sống ổn định.

Theo ông Nhựt, người dân Thoại Sơn hẳn ai cũng biết đến công lao của Thoại Ngọc Hầu trong việc khởi đào dòng kênh huyền thoại Đông Xuyên - Rạch Giá. Trước đây, sông Đông Xuyên (nay là Long Xuyên) chỉ kéo dài đến Ba Bần. Ghe tàu muốn sang Rạch Giá, Hà Tiên (Kiên Giang) phải vòng xuống mũi Cà Mau rất vất vả. Sau khi được vua Gia Long chấp thuận, đầu xuân năm 1818, Thoại Ngọc Hầu chỉ huy 1.500 dân binh đào kênh, trong 1 tháng đã hoàn thành. Sử sách chép lại, con kênh rộng hơn 10 trượng (40 m), sâu 18 thước (7,2 m), dài 12.410 tầm (hơn 37 km). Thủy lộ này đã trở thành một trong những con đường huyết mạch của cư dân vùng cực nam thời đó.

Kênh đào hoàn tất, Thoại Ngọc Hầu báo cáo với triều đình, được vua Gia Long hết lời khen ngợi. Để ghi nhớ công lao này, vua ra lệnh lấy tên Thoại Ngọc Hầu đặt cho tên sông là Thoại Hà, núi Sập được cải tên là Thoại Sơn. Năm 1822, Thoại Ngọc Hầu long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập làng Thoại Sơn.

"Lúc xây cất đình thì cây xanh tự nhiên phải nhường chỗ. Cây dầu rái được trồng lại đầu tiên nên thân vạm vỡ, cao lớn nhất. Việc trông coi đình có nội quy nghiêm ngặt, chặt chẽ, kể cả khâu bảo quản và chăm sóc cây xanh. Nhờ đó, cây dầu rái này không bị ai tác động và phát triển tốt cho đến nay", ông Nhựt chia sẻ.

Cây dầu rái hơn 200 tuổi trong đình Thoại Ngọc Hầu- Ảnh 2.

Cây vẫn sinh trưởng tốt nhưng sự sum suê không còn đồng đều

THANH DUY

Chế độ chăm sóc đặc biệt cho cây

Khoảng 16 giờ, ông Dương Văn Dũng, Ban quý tế đình Thoại Ngọc Hầu, bật nước tưới mát cho cây dầu rái. Đứng dưới gốc gây, người quản đình trở nên nhỏ bé rõ rệt so với thân cây 3 - 4 người ôm mới xuể. Bộ rễ cắm sâu và lan rộng ra xa, nhiều đoạn nổi u nần trên mặt đất như thân của những con mãng xà đang chui vào lòng đất. Tồn tại hàng trăm năm nên lớp vỏ cây dày, sần sùi, khô cứng.

Người địa phương tương truyền rằng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cây dầu rái đã "xả thân" giúp người dân. Nhiều lúc cây được trọng dụng như một tấm khiên che chắn cho bà con tránh bom rơi đạn lạc. Đáng kể nhất là việc cây cho dầu tự nhiên để đốt đèn khi mạng lưới điện chưa có. Sau giải phóng, các lỗ lấy dầu vẫn còn, người dân dần tìm cách trám lại vì sợ cây chết.

Cây dầu rái hơn 200 tuổi trong đình Thoại Ngọc Hầu- Ảnh 3.

Cây dầu rái hơn 200 tuổi, cao lớn nhất trong khuôn viên đình

THANH DUY

Cây dầu rái hơn 200 tuổi trong đình Thoại Ngọc Hầu- Ảnh 4.

Tấm bia đá Thoại Sơn trong đình Thoại Ngọc Hầu

THANH DUY

Do địa hình núi đá khô cằn và sống lâu năm, có giai đoạn cây xuống sức thấy rõ nhưng may mắn được cứu chữa kịp thời, lá non lại đâm chồi. Ngày nay, cây vẫn sinh trưởng tốt nhưng sự sum suê không còn đồng đều mà "Tây thịnh - Đông suy". Vì vậy, người trong đình dành cho một chế độ chăm sóc đặc biệt.

"Khoảng 3 năm trước, mọi người đào đất quanh bộ rễ, lót cám dừa ở dưới vào rồi tưới nước, nhằm giữ ẩm lâu dài cho cây trong mùa khô hạn. Hiện mỗi ngày chúng tôi vẫn tưới nước 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giờ để cây không bao giờ bị khát", ông Dũng bộc bạch.

Trước đây, đình Thoại Ngọc Hầu được Tổ chức Kỷ lục VN xác lập kỷ lục có cùng lúc 3 thiết chế văn hóa cấp quốc gia, gồm: Ngôi đình và bia đá Thoại Sơn được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích quốc gia; Lễ hội Kỳ Yên được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Kể từ khi cây dầu rái được công nhận Cây di sản thì khách du lịch càng quan tâm nhiều hơn đến ngôi đình. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.