Cầu thủ có nguy cơ lây nhiễm cao: Phun nước bọt là lẽ đương nhiên?

19/03/2020 09:51 GMT+7

Có quá nhiều hành vi thiếu chuyên nghiệp nơi các ngôi sao bóng đá : uống chung chai nước, dùng chung khăn, ăn trong phòng thay đồ, hỉ mũi bừa bãi... Cũng có những việc tưởng như nhỏ nhặt, thật ra lại là vấn đề lớn, cần các nhà khoa học lên tiếng. Chẳng hạn thói quen cầu thủ phun nước bọt ngay trên sân.

Có một hình ảnh phản cảm thường xuyên xuất hiện trên truyền hình khi chúng ta xem bóng đá: các cầu thủ - nhiều người còn được xem là ngôi sao lớn, nổi tiếng lịch lãm - rất hay... phun nước bọt một cách bừa bãi. Người bình thường cũng dễ suy luận: nguy cơ lây lan bệnh tật là hiển nhiên rồi. Ý kiến chuyên môn của các bác sĩ bất quá chỉ truyền đạt thêm kiến thức ở mức độ cụ thể mà thôi. Nhưng, ở đây có một vấn đề: Vì sao các cầu thủ có thói quen phun nước bọt trên sân? Họ biết là xấu nhưng vẫn làm, hay họ không thể tránh việc xấu ấy?

CLB mời Quang Hải thử việc phát hiệu nhiều ca nhiễm Covid-19

Các nghiên cứu cho thấy: khi người ta hoạt động thể thao với cường độ cao thì cơ thể sinh ra một loại protein gọi là MUC5B, truyền vào nước bọt. Chất này làm cho nước bọt trở nên cô đặc hơn và khó nuốt hơn nước bọt bình thường. Chưa rõ vì sao chất MUC5B lại xuất hiện trong hoàn cảnh như thế, nhưng có lẽ đấy là vì cầu thủ khi vận động nhiều thì phải thở bằng cả mũi lẫn miệng, và chất MUC5B kia sinh ra là để hạn chế tình trạng khô miệng. Khi nước bọt bị cô đặc thì phản ứng thông thường là người ta phun nó ra ngoài.
Xin nhắc lại, đấy là kết quả nghiên cứu khoa học. Có những cầu thủ chẳng cần quan tâm khoa học, nhưng vẫn cảm nhận được việc phun nước bọt là... bắt buộc, như một nhu cầu của cơ thể khi thi đấu. Cựu tuyển thủ Nigeria Joseph Dosu giải thích: Khi chạy nhiều, bạn phải há miệng để thở. Bạn cần không khí lưu thông qua họng thật nhiều, và phải phun nước bọt vì nó cản trở sự lưu thông của không khí qua miệng và họng.
Do đặc thù từng môn, việc phun nước bọt bị cấm trong các trận đấu quần vợt hoặc bóng rổ, nhưng không bị cấm trong các trận đấu rugby hoặc bóng đá. Để dung hòa các vấn đề quanh chuyện phun nước bọt ngay trên sân cỏ, có lẽ kết luận ở đây là: Cầu thủ cần nhổ nước bọt như thế nào cho phải phép! Đã có hình ảnh được đặc tả trên truyền hình, về sự “không phải phép” của cái điều mà khoa học cho rằng không tránh khỏi này: một cậu bé nhặt bóng phải đưa tay chùi mặt, sau khi một cầu thủ phun nước bọt gần đấy, hoàn toàn không hề cố ý. Vả lại, chúng ta đang nói về nguy cơ lây nhiễm bệnh tật khi cầu thủ phun nước bọt trên sân - bất kể khoa học chứng minh điều gì về hành động này. Cầu thủ bóng đá có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao vì họ thường xuyên phun nước bọt!
Bình luận viên nổi tiếng Jamie Carragher từng bị đình chỉ công việc trên Sky Sports vì một đoạn clip cho thấy anh phun nước bọt về phía xe hơi của một gia đình nọ. Đây là câu chuyện ngoài xã hội. Ai cũng có những lúc như vậy. Thế nên, vấn đề ở đây còn là: cho dù khoa học có hậu thuẫn hành động phun nước bọt của cầu thủ đi nữa, vẫn có một tỷ lệ nào đấy của việc làm này xuất phát từ thói xấu thuần túy, chứ không hẳn là chỉ vì cơ thể phản ứng với việc vận động nhiều. Trên thực tế, chúng ta vẫn thường xuyên thấy cảnh cầu thủ phun nước bọt sau một cú dứt điểm thất bại hoặc một quyết định không như mong muốn từ phía trọng tài. Đấy trước tiên là thái độ bực dọc, bất mãn, cho dù “đương sự” chỉ lặng lẽ phun nước bọt về hướng không có người!
Đã từng có lúc, biển báo “cấm phun nước bọt” xuất hiện nhan nhản ngay cả ở những nước được cho là văn minh nhất. Ngày xưa, đấy là thời bệnh lao hoành hành. Còn bây giờ, các loại bệnh cúm nói chung đều có tỷ lệ lây lan đáng kể qua nước bọt. Tất nhiên, còn rất nhiều bệnh khác nữa. Trớ trêu ở chỗ, khi người ta phạt thẻ cầu thủ phun nước bọt trên sân thì đấy chỉ là hình phạt đối với hành vi xúc phạm (đối phương hoặc trọng tài). Phạt “cái thái độ”, chứ không liên quan gì đến nguy cơ lây bệnh. Và tất nhiên, người ta chỉ phạt thái độ xúc phạm của cầu thủ khi hành động phun nước bọt của anh ta có mục tiêu rõ ràng. Ngôi sao lớn mà phun nước bọt trên sân bóng, ngay trước ống kính truyền hình, xem ra lại chịu hình phạt nhẹ hơn cả người bình thường vi phạm điều này ngoài phố.
Kể cũng lạ, khi Hiệp hội Cầu thủ nhà nghề Anh (PFA) ban hành 12 lời khuyên đối với các cầu thủ trong đại dịch Covid-19, từ chuyện không được ăn trong phòng thay đồ đến không dùng chung khăn với nhau, nhưng chẳng thấy chỗ nào khuyên các cầu thủ ít ra cũng phải hạn chế việc phun nước bọt trên sân!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.