Cầu sập, hầm ngập ở Sài Gòn chỉ sau... một cơn mưa

Cơn mưa lớn chiều tối 26.8 không chỉ làm cho nhiều tuyến đường tại TP.HCM ngập nặng, nước tràn vào tầng hầm của nhiều cao ốc, nhà dân, mà còn làm sân bay Tân Sơn Nhất ngập nặng nhất từ trước đến nay.

Tình trạng ngập nặng tại một số bến đậu máy bay, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào tối 26.8 là kết quả của nhiều lần ngành hàng không cảnh báo và yêu cầu chính quyền địa phương sớm thực hiện các giải pháp thoát nước chống ngập, nhưng tiến độ thực hiện lại quá chậm.
Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, cho biết cảng vụ đã nhiều lần cảnh báo tình trạng ngập đe dọa sân bay Tân Sơn Nhất và đề nghị các cơ quan chức năng sớm có giải pháp chống ngập cho sân bay. Nếu không quan tâm, một khi mưa lớn xảy ra hoạt động hàng không sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

VIDEO: Người dân Sài Gòn vất vả cứu nhiều xe máy, ô tô bị kẹt trong hầm xe Phan Xích Long

Hàng loạt chuyến bay bị ảnh hưởng
Và cảnh báo đã thành hiện thực. Theo ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Cảng HKQT TSN), trận mưa đã khiến đường lăn M1 của sân bay TSN phải dừng hoạt động hơn 1 giờ do nước ngập khoảng 30 cm tại các bãi đỗ. Đến 20 giờ khi nước rút thì sân bay hoạt động bình thường trở lại. Có gần 70 chuyến bay đến TSN bị ảnh hưởng. Trong đó có 2 chuyến bị hủy, 14 chuyến phải hạ cánh xuống các sân bay lân cận như Liên Khương, Cam Ranh...
4 chuyến bay quốc tế không hạ cánh được phải đáp xuống sân bay ở Campuchia, Thái Lan. Do mưa ngập tại TSN, nhiều hành khách bị trễ chuyến bay 2 - 3 giờ. Đặc biệt, có khách đi chuyến 17 giờ 50 nhưng đến 22 giờ chưa được bay.
Cầu sập, hầm ngập chỉ sau một cơn mưa 1
Xe bị ngập nước dưới hầm được đưa lên vào sáng 27.8 Ảnh: Phạm Hữu
Nguyên nhân ngập do con kênh A41 phía đường Phan Thúc Duyện đang bị lấn chiếm bít lối thoát nước, mặc dù Cảng HKQT TSN đã nhiều lần kiến nghị nhưng kênh vẫn chưa được nạo vét, giải tỏa.
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, để tình trạng lấn chiếm kênh rạch xảy ra, phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý đô thị. Trả lời Thanh Niên, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng HKQT TSN, cho biết sẽ làm việc với Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, chính quyền địa phương để yêu cầu các đơn vị này tích cực khơi thông dòng chảy thoát nước, thay thế các cống mới, đặc biệt là cần nhanh chóng thực hiện nhanh dự án nạo vét cải tạo kênh A41 để giải quyết ngập cho sân bay.
Theo ghi nhận trận mưa lớn chiều tối 26.8, tại nút giao thông Hàng Xanh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) bị ngập sâu và gây kẹt xe nghiêm trọng. Tương tự tại giao lộ Út Tịch - Cộng Hòa, Trần Quốc Hoàn, Trường Sơn (Q.Tân Bình); Đặng Văn Bi, Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức) và xa lộ Hà Nội, Đỗ Xuân Hợp (Q.9) cũng bị ngập nặng, giao thông bị tê liệt. Nhiều người đi làm về bị kẹt cứng, phải mất 3 - 4 tiếng đồng hồ mới về tới nhà. Chị Nguyễn Thị Thu (nhà Q.9) cho biết trung bình từ cơ quan tại Q.3 chị về nhà mất 40 phút, chiều 26.8 chị mất 4 tiếng đồng hồ mới về tới nhà. Máy tính, điện thoại, tài liệu của chị Thu ướt nhẹp...
Điều đáng nói, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP đã họp rất nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết được. Hồi đầu tháng 6, UBND TP.HCM đã chỉ đạo khẩn UBND Q.Tân Bình, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP nhanh chóng triển khai nạo vét các tuyến kênh cũng như lên kế hoạch lập dự án đầu tư xây dựng các công trình cải tạo kênh khu vực P.4, Q.Tân Bình.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết do dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo kênh A41 là dự án đầu tư công (ngân sách TP) nên cần phải rà soát, triển khai các bước theo thủ tục đầu tư công.
Vì vậy, trước mắt Sở GTVT TP đã yêu cầu các đơn vị liên quan nạo vét tạm, thay thế cống để hạn chế tối đa việc ngập ảnh hưởng đến hoạt động hàng không.
Cầu sập, hầm xe ngập
Trưa 27.8, đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn gần giao với QL1, Q.Bình Tân, TP.HCM) bị phong tỏa do cây cầu qua đây bị sập vào khuya 26.8 vì mưa lớn. Khoảng 21 giờ 30 ngày 26.8, sau cơn mưa lớn cây cầu Tân Kỳ Tân Quý bất ngờ bị sập mố cầu khiến người đi đường qua đây hoảng hốt tháo chạy. Mố cầu bị sụt khoảng 40 cm, mặt đường bị lõm xuống, tạo hàm ếch.
VIDEO: Mố cầu Tân Kỳ Tân Quý bị sập sau trận mưa to khủng khiếp
Sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục. Công an Q.Bình Tân cũng có mặt để phong tỏa hiện trường, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn cho người dân qua lại. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến sập cầu Tân Kỳ Tân Quý được xác định là do mưa lớn, kéo dài.
Sân bay Tân Sơn Nhất ngập nặng trong cơn mưa chiều tối 26.8 Ảnh:CTV
Ngày 27.8, nhiều tòa nhà văn phòng, cửa hàng buôn bán trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn đóng cửa để hút nước, dọn dẹp do bị ngập nặng sau cơn mưa vào tối 26.8. Tại cửa hàng số 158 Phan Xích Long, toàn bộ vật dụng để trong kho dưới tầng hầm đều bị nước nhấn chìm, hư hỏng. Toàn bộ xe máy cũng phải dựng bên ngoài để nhân viên tiến hành quét dọn.
Tại hầm xe của chi nhánh Ngân hàng VP Bank (số 269 Phan Xích Long) các nhân viên phải bơm nước liên tục. Tuy mực nước giảm nhiều hơn so với đêm qua nhưng vẫn còn nhiều xe máy và ô tô bị kẹt lại. Hiện tại các nhân viên đang tích cực đưa những chiếc xe còn lại nằm dưới hầm ra ngoài. Đa số những xe máy đưa từ hầm lên không thể hoạt động được do nằm trong nước quá lâu nên nhân viên phải đẩy bộ đi sửa.
Theo Cảnh sát PCCC TP.HCM, sau cơn mưa lớn vào đêm 26.8 đơn vị này đã điều động 42 chiến sĩ cùng với nhiều xe chuyên dụng, máy bơm nước đến ứng cứu, bơm nước ra khỏi hầm xe tại các tòa nhà trên đường Phan Xích Long. Có khoảng 10 hầm xe của tòa nhà, cửa hàng bị ngập nước, đặc biệt có nơi nước ngập lên đến 1,5 m nhấn chìm nhiều ô tô, xe máy.
Tài sản hư hỏng
Đến trưa 27.8, anh N.V.M (ngụ P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cùng với người thân trong gia đình vẫn đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại tài sản sau cơn mưa lớn vào tối 26.8. Theo anh M. sau hơn 3 giờ đồng hồ “vật lộn” với “biển người” tại ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) trong cơn mưa lịch sử, anh về mở cửa nhà thì hoảng hốt phát hiện trần nhà bị sập, nước lênh láng.
Nguyên nhân là do mưa quá lớn, ống thoát nước trên mái nhà của anh không thoát kịp nên tràn vào nhà làm sập trần thạch cao, nhiều tài sản, vật dụng trong nhà ướt nhẹp. Ước tính thiệt hại vài chục triệu đồng. “May lúc đó trong nhà không có người, chứ một khối lượng lớn thạch cao đổ sập từ trên cao xuống thì chưa biết chuyện gì xảy ra. Tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn mưa nào tại Sài Gòn mà lớn đến vậy”, anh M. cho biết.
Cùng cảnh ngộ, anh Đ.T.T (P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) đi làm về mở cửa nhà vào tối 26.8, hoảng hốt phát hiện phòng khách bị ngập nước, nhiều đồ điện tử, sách giáo khoa chuyên ngành bị nhấn chìm trong nước. Theo anh T., do lượng mưa quá lớn nên nước đọng lại nhiều rồi tràn vào phòng khách gây ngập. Thiệt hại tài sản của nhà anh T. lên đến cả trăm triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.