Câu hỏi về giám sát quyền lực từ vụ Việt Á

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/06/2022 05:57 GMT+7

Trả lời cho những câu hỏi đặt ra từ vụ án Việt Á , nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc xử lý nghiêm, không vùng cấm, cần có giải pháp căn cơ, bền vững hơn trong việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), nhìn nhận việc T.Ư Đảng triệu tập hội nghị bất thường để kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch Hà Nội), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) - 2 ủy viên T.Ư đương nhiệm, do liên quan tới vụ Việt Á, có lẽ là “lần đầu tiên” trong lịch sử của Đảng.

“Chưa bao giờ Ban Chấp hành T.Ư Đảng lại làm nhanh, mạnh và quyết liệt như vậy. Tôi cho việc xử lý vụ Việt Á lần này nhiều người dân, đảng viên nức lòng và tin tưởng”, ông Cương nói.

Kit test Covid-19 của Công ty CP công nghệ Việt Á

TTXVN

Giám sát quyền lực còn sơ hở

Vấn đề nhiều người thấy băn khoăn là vì sao khi “lò” chống tham nhũng vẫn đang cháy phừng phừng, hàng trăm cán bộ cấp cao, thậm chí cả ủy viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý hình sự, thì những người như ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và hàng chục cán bộ có trách nhiệm trong vụ Việt Á vẫn có hành vi vi phạm một cách trắng trợn?

PGS-TS Lê Văn Cương: Trước hết phải nhận thức rõ rằng tham nhũng là căn bệnh cố hữu của mọi nhà nước. Trước đây hàng nghìn năm và sau đây hàng nghìn năm cũng như vậy. Còn nhà nước thì còn tham nhũng thôi.

Cũng phải nói luôn là không phải tới giờ chúng ta mới chống tham nhũng. Tôi thống kê lại thì từ năm 1986 tới nay Đảng đã có hơn một chục nghị quyết của T.Ư có nội dung về chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng rồi. Công tác phòng, chống tham nhũng bước sang giai đoạn mới với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư làm Trưởng ban vào năm 2013. Từ đó tới nay, đặc biệt là từ nhiệm kỳ Đại hội XII, chúng ta thấy chỉ trong 4 - 5 năm nhưng có tới hàng trăm cán bộ cấp cao bị xử lý, thậm chí cả ủy viên Bộ Chính trị, hàng chục ủy viên T.Ư. Tới nay, sau một năm rưỡi của nhiệm kỳ Đại hội XIII chúng ta vẫn đang chống tham nhũng quyết liệt với hàng loạt vụ việc từ Cảnh sát biển VN, vụ Việt Á, vụ trục lợi chuyến bay giải cứu trong đại dịch tại Bộ Ngoại giao…

Kết quả đó cho thấy Đảng Cộng sản VN trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã mạnh lên, có bước trưởng thành về chính trị, đạo đức, trí tuệ; và điều đó cũng củng cố niềm tin của người dân vào Đảng.

Nhưng đúng là trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã đấu tranh, xử lý tham nhũng rất mạnh, rất quyết liệt và đạt kết quả. Về mặt khoa học, đó là đấu tranh trực diện với các hành vi tham nhũng. Nhưng còn một vế quan trọng là phòng ngừa để hành vi tham nhũng không xảy ra hoặc ít xảy ra hơn thì chúng ta chưa làm được nhiều. Tức là, tội phạm xuất hiện thì ta đánh và đánh rất quyết liệt. Nhưng vấn đề làm sao hạn chế hành vi tham nhũng phát sinh thì chưa làm được bao nhiêu cả. Mà phòng ngừa mới là điều quan trọng, căn cơ, lâu dài. Vì thế, công tác phòng ngừa tới nay phải làm ngay và làm quyết liệt như đấu tranh, xử lý các hành vi tham nhũng bị phát hiện.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, cũng nhiều lần nhấn mạnh, chống tham nhũng không phải cứ bắt nhiều, xử lý nhiều là tốt, là hay. Vậy theo ông, làm thế nào để việc phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả?

Bản chất của tham nhũng là sự tha hóa quyền lực, khi bộ phận quan chức không vượt qua được chính mình, lạm dụng quyền lực được giao để mưu lợi cá nhân. Vì vậy, để phòng ngừa tham nhũng thì phải có giải pháp giám sát quyền lực. Quyền lực đến đâu thì giám sát đến đó. Vì quyền lực mà không giám sát sẽ tha hóa. Giao quyền lực cho cán bộ, công chức mà không có biện pháp, cơ chế giám sát chặt chẽ thì quan chức sẽ dễ lạm dụng, biến công quyền thành tư quyền. Không có ngoại lệ.

Ở Singapore, một quan chức làm việc thì có 4 cơ quan “theo dõi”. Vì thế mà quan chức có muốn cũng không thể tham nhũng được. Phân tích hàng loạt vụ đại án tham nhũng trong thời gian vừa qua, từ vụ Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang trong nhiệm kỳ trước cho tới vụ Việt Á với các ông: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long mới đây cho thấy hệ thống giám sát quyền lực của chúng ta có thể đầy đủ, từ Thanh tra, Kiểm tra, Nội chính, Tổ chức cán bộ, Nội vụ… nhưng cũng cho thấy hệ thống giám sát quyền lực chưa tốt, còn lỏng lẻo, sơ hở. Trong điều kiện chúng ta thực hiện đường lối đổi mới, bước vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, một bộ phận quan chức đã không vượt qua được chính mình dẫn tới “nhúng chàm”.

Tôi cho là cần phải có một cuộc tổng rà soát để điều chỉnh. Khi giao cho một người làm Bộ trưởng như Nguyễn Thanh Long, “quan đầu tỉnh” như ông Chu Ngọc Anh, hay Nguyễn Đức Chung thì phải rõ quyền của họ đến đâu, ai chịu trách nhiệm giám sát.

Khám xét nơi làm việc của kế toán trưởng CDC Thừa Thiên-Huế liên quan đến vụ Việt Á

Bùi Hùng

Minh bạch thì khó mà xà xẻo được

Như ông nói thì chúng ta có hệ thống giám sát quyền lực khá đầy đủ. Đảng cũng có quy định về những điều đảng viên không được làm, hay trách nhiệm nêu gương nhất là với các cán bộ đứng đầu. Song điều gì khiến những chiếc “vòng kim cô này” không hiệu quả như mong muốn?

Về nguyên lý, để giám sát quyền lực hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền nhà nước, nhất là cơ quan hành chính phải công khai minh bạch. Nếu bất cứ dự án nào về phát triển kinh tế - xã hội, ngoại trừ các dự án bí mật quốc gia thôi, đều công khai minh bạch, mọi người dân đều có thể tiếp cận thì tôi tin chắc sẽ không thể xảy ra chuyện tiêu cực tham nhũng, “lợi ích nhóm”.

Chọn người rộng rãi hơn, công khai hơn, minh bạch hơn

Ảnh

Vụ Việt Á xảy ra trên diện rộng với hàng chục cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam mà gần đây nhất là Chủ tịch Hà Nội

Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho thấy có vấn đề khi chọn người, giao trọng trách của Đảng, nhà nước. Tôi cho rằng vấn đề trong chọn cán bộ hiện nay là việc lựa chọn còn bó hẹp, chưa rộng rãi và công khai. Nếu chọn người rộng rãi hơn, công khai hơn, minh bạch hơn thì chắc chắn người tài sẽ xuất hiện. Nếu như người dự kiến được bầu đăng đàn trước những người bỏ phiếu cho mình, trình bày chương trình, kế hoạch của họ trong 6 tháng, 1 năm hay cả nhiệm kỳ, tôi tin việc xem xét của tập thể sẽ khác.

Ông Lê Thanh Vân (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội)

5.000 năm trước đây và 5.000 năm sau cũng vậy thôi, người ta chỉ ăn vụng trong bóng tối chứ không ai ăn vụng dưới ánh đèn neon cả. Khi mọi chuyện công khai, minh bạch thì khó mà xà xẻo, khó mà có nhóm lợi ích được.

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vừa qua cũng nhấn mạnh phải xây dựng cơ chế để người dân được biết, được tham gia, và để người dân giám sát và đánh giá các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tôi nghĩ chỉ cần làm được như nghị quyết nói là đủ, chưa cần nhiều hơn.

Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, tôi nghĩ cũng có thể điều chỉnh để các cơ quan giám sát quyền lực hoạt động hiệu quả hơn. Chẳng hạn, cần phải sửa đổi các luật Tổ chức Chính phủ và chính quyền địa phương, Quốc hội thậm chí cả Hiến pháp để cụ thể hóa trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu. Ta không thể chung chung được, vì chừng nào còn chung chung người ta còn lợi dụng được. Bên cạnh đó, cần giao thêm quyền hạn cho Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp, Kiểm toán Nhà nước… Nếu coi đây là những thanh “thượng phương bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước thì những thanh bảo kiếm này cần được mài giũa sắc bén hơn.

Giám sát của nhân dân, các đoàn thể chính trị, xã hội

Ảnh

Từ vụ án Việt Á và hàng loạt vụ án gần đây cho thấy, việc giám sát quyền lực thời gian qua của chúng ta chưa được quan tâm đúng mức. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhấn mạnh vấn đề này. Chúng ta mới dừng lại ở việc giám sát bằng tổ chức của Đảng, Nhà nước, còn giám sát của nhân dân, các đoàn thể chính trị, xã hội thì chưa được coi trọng và cũng chưa thật phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình. Muốn giải quyết việc này cần phải có cơ chế lắng nghe ý kiến của nhân dân. Hai nữa là các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là người đứng đầu cũng phải bản lĩnh vững vàng. Phải dám nói thẳng, nói thật trên tinh thần hết sức xây dựng, chứ cũng lại sợ mất ghế, sợ động chạm thì cũng không được.

Ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Đúng là công khai minh bạch là điều ai cũng mong muốn. Song như vụ Việt Á, mọi hồ sơ, thủ tục đều rất công khai, đúng quy trình, thậm chí, Bộ KH-CN khi đó còn tổ chức họp báo công khai công bố những kết quả mà họ đang làm?

Chúng ta không thể trông đợi một ngày nào đó VN sẽ sạch bóng tham nhũng. Như tôi đã nói, tham nhũng là căn bệnh cố hữu của nhà nước, chỉ là ở mức độ nào mà thôi. Nhưng khi ta đã thực hiện tất cả các biện pháp nói trên thì còn một biện pháp nữa phải làm. Đó là phải có chế độ thỏa đáng hơn cho cán bộ, công chức nhà nước. Chúng ta biết rằng, ở Singapore, cán bộ, công chức nhà nước được trả lương rất cao. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lương gần 2 triệu USD mỗi năm, cao hơn cả Tổng thống Mỹ. Trong khi ở ta, lương của ủy viên T.Ư, chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng cũng chỉ 15 - 20 triệu đồng mỗi tháng. Công chức nhà nước làm việc, cống hiến thì phải sống được, con người ta ốm phải có tiền đưa đi viện, đi học phải có tiền… nên dứt khoát phải nâng lương cho họ.

Cố nhiên, điều đó cũng không đảm bảo họ không tham nhũng. Kèm theo chế độ đãi ngộ phải là hệ thống giám sát quyền lực chặt chẽ, còn khi đã phát hiện tham nhũng thì xử thật nặng, không nương nhẹ. Như thế thì quan chức mới có thể “không cần, không dám và không thể tham nhũng”. Tôi cho Singapore là bài học chúng ta rất nên nghiên cứu.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.