Câu chuyện về người lính tốt Svejk: Đời hóa ra là trò đùa bất tận

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
23/05/2021 17:00 GMT+7

Đọc Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới (tập 1 & 2) của Jaroslav Hasek (CH Séc), nhà văn thích đùa dai này chỉ ra cho chúng ta thấy một sự thật là cuộc đời này chẳng có gì nghiêm trọng cả, nó chỉ là một trò đùa bất tận mà thôi.

Với góc nhìn hài hước, và với ngòi bút tài tình, cùng trải nghiệm vô biên những câu chuyện đời, tác giả Jaroslav Hasek phơi bày chuyện chính sự, xã hội, và cả cuộc đại chiến thế giới một cách chân thực nhất, hấp dẫn nhất. Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới không phải là cuốn sách được khoác lên cái vỏ ngôn ngữ màu mè, mang tính ngoại giao để nhằm mang đến một nội dung trang trọng và phải đạo, mà là một cuốn sách với ngôn ngữ trần tục, thực hiện đúng chức năng sống của mình, và trần tục tới mức trong trẻo, không bị vấy bẩn bởi bất cứ mục đích văn minh nào, chỉ để thể hiện chính xác một con người Séc đặc thù, tính cách và thân phận Séc.
Ngoài cái nhìn trực diện vào sự thật, gọi đúng tên của nó, thì cách mà tác giả Jaroslav Hasek chọn ngôn ngữ trong tác phẩm Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới, là thứ ngôn ngữ dân gian giàu có bậc nhất, sinh động biến ảo khôn lường, ta dường như có nó mà không biết cách nói nó ra, cho đến khi được “nghe” bởi giọng điệu của Svejk. Và khi ấy, độc giả khắp nơi trên thế giới, dù là có sự khác biệt văn hóa đến mức nào, cũng có thể thốt lên sung sướng và cười vang trước một câu nói của anh lính Svejk. Chà, phải thế chứ, phải nói đúng câu đó, đúng giọng đó. Cứ như Svejk đang đứng trước mặt ta, đang huyên thuyên hào hứng, và chúng ta chỉ việc há hốc miệng ra nghe rồi ôm bụng cười. Trăm năm đã qua đi kể từ khi tác phẩm ra đời (1921-1923), nhưng ngày nay đọc Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới, độc giả vẫn được hưởng khoái cảm ngôn ngữ tươi nguyên, bởi lẽ như tác giả Jaroslav Hasek đã giải thích “Sử dụng một số từ ngữ thông tục trong sách của mình, tôi chỉ muốn nhân đó khẳng định về cách ăn nói thực sự ngoài đời”. Và ngôn ngữ của đời sống thực sự thì không bao giờ cũ.
Séc là một quốc gia khá đặc biệt, bởi chính người Séc. Khi nhắc tới văn học Séc, người ta không thể không đề cập tới tác giả Jaroslav Hasek, cha đẻ của nhân vật “người lính tốt Svejk” - nhân vật khiến chúng ta mỉm cười khi nghĩ đến, và bật cười tung cả trang sách khi đọc. Khi chưa đọc tác phẩm này của tác giả Jaroslav Hasek, tôi thường nghe người ta kháo nhau về anh lính ngốc Svejk. Và bởi chồng tôi là người Séc, nên anh cũng là người đầu tiên mà tôi hỏi về anh lính Svejk. Chồng tôi nói đơn giản thế này, em hãy hình dung, một bọn đàn ông Séc chúng anh, trong ngày đông rét mướt, tụ tập nhau bên lò sưởi, bên cạnh là những két bia Séc chất cao, cùng đống vỏ chai rỗng lăn lóc bên dưới, chúng anh nướng Klobasa trong lò, vừa nhậu với bia và tán chuyện cười thâu đêm suốt sáng, hết ngày này qua ngày khác, cho đến khi cái bụng ông nào ông nấy to như thùng bia.
Người Séc ưa uống bia và nói chuyện hài hước. Họ có thể mang bất cứ nhân vật nào ra để làm trò vui, từ các vị Thánh, Đức Chúa, tới nhà vua, các nhân vật tiếng tăm, rồi tới chính mình. Dùng tiếng cười để đáp trả cho mọi sự đời là triết lý sống của người Séc. Chính vì thế, trong hầu hết các cuộc chiến tranh, người Séc sẽ đầu hàng, trước hết để bảo toàn tính mạng, sau đó để bảo toàn những giá trị văn hóa bao đời cha ông họ xây dựng nên, trong những thành quách, lâu đài tráng lệ còn tồn tại tới tận ngày nay. Kể cả chiến tranh cũng chỉ là một trò đùa trong mắt người Séc.
Và vì lẽ đó mà chàng lính tốt Svejk tự tin vô vàn khi đảm nhiệm vị trí một chàng lính ngu độn, để dòng đời đưa mình trôi nổi một cách thoải mái, tự do nhất, và hào hứng đón nhận mọi trò đời đến với mình. Rồi cứ thế, cứ thế, anh ấy kể cho chúng ta nghe ngàn lẻ một trò đời hài hước. Điều kỳ lạ là trò nào hầu như chúng ta cũng đều biết, hình như đều từng xảy ra cho chúng ta, ở đất nước ta. Chỉ có điều, qua giọng kể của anh lính ngốc Svejk, thì ta được bật cười nghiêng ngả, và ta nhận ra cái ngốc của chính mình, khi không nhìn đời được bằng góc nhìn của Svejk.
Bằng cách ứng xử ngốc của mình, Svejk hút về mình tất cả mọi biến cố trong đời mà chúng ta có thể gặp phải, hoặc từng biết. Những biến cố nghiêm trọng, tưởng có thể dập vùi cuộc đời của con người xuống hố đen vĩnh viễn, nhưng lại được Svejk hóa giải ngay tắp lự bởi cái lưỡi dẻo thiên thần biết kể tất cả các chuyện trên đời với con mắt hài hước chân thật của anh, bởi trải nghiệm sống của bao đời người Séc truyền lại. Những biến cố, hoặc tai nạn ngốc nghếch liên tiếp được Svejk hóa giải một cách tinh thông bởi một tình huống đáp ứng có vẻ ngốc nghếch khác. Anh không cần chống đỡ lại những trớ trêu mà số phận cố tình đánh úp anh, anh chỉ vui vẻ chấp nhận nó như lẽ đương nhiên phải thế. Anh cho phép mình thất bại hết lần này đến lần khác với tinh thần sảng khoái, vui nhộn và niềm hạnh phúc chứng kiến tất cả mọi sự, khiến anh cuối cùng trở thành người anh hùng lớn lao hơn tất thảy.
Người anh hùng đã dũng cảm thừa nhận trung thực tất cả thất bại của mình. Cái tinh thần đó của người lính Svejk trong tác phẩm của Jaroslav Hasek khiến chúng ta cần nghiêng mình ngưỡng mộ, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi sự trói buộc của thói đời gồng lên giả tạo, vốn chỉ gây mệt mỏi và vô nghĩa.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.