Câu chuyện phụ nữ Việt Nam qua tông màu xám và đỏ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
21/10/2021 06:30 GMT+7

Màu xám thể hiện ý chí, màu đỏ thể hiện tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam. Hai tông màu này cũng thể hiện nội dung của triển lãm Sắt son do khu di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tổ chức.

Khi nhóm thiết kế của khu di tích nhà tù Hỏa Lò thực hiện trưng bày Sắt son (diễn ra từ 20.10 và dự kiến đến hết tháng 5.2022), họ đã chọn màu xám và đỏ kết hợp với nhau làm chủ đạo. Trước đây cũng có những trưng bày sử dụng 2 tông màu này kết hợp với những màu khác để thể hiện nội dung từng phần. “Tuy nhiên, đây là trưng bày mà chúng tôi chọn tông màu chủ đạo ngay từ đầu và cũng là lần đầu tiên có tông màu chủ đạo xuyên suốt như thế này”, bà Vân Anh - thành viên nhóm thiết kế, chia sẻ. Không chỉ sử dụng làm nền các pano, màu xám và đỏ còn được thể hiện thành những lớp cổng, lớp không gian trong suốt trưng bày.

Bức tranh mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ

Khu di tích nhà tù Hỏa Lò cung cấp

Phần Sắt được thể hiện trên những tường uốn nổi khổ lớn, với các mô phỏng vết nứt thời gian. Cũng ở đó, khách tham quan được ngắm những chân dung, đọc những câu chuyện của nhiều nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày với 9 chân dung nữ chiến sĩ tiêu biểu được lựa chọn. Trong đó có bà Nguyễn Thị Minh Khai với câu nói nổi tiếng trước khi bị bắn: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn cho Tổ quốc chúng tôi được độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì…”.

Cũng tại phần Sắt, có những nhân vật lịch sử không phải là người tù Hỏa Lò. Những người tổ chức triển lãm mong muốn Hỏa Lò không chỉ kể câu chuyện của mình, mà còn kể câu chuyện lớn hơn của thời đại. Vì thế, người xem còn được ngắm hình ảnh chị Võ Thị Sáu của nhà tù Côn Đảo, được gặp lại nụ cười chiến thắng của chị Võ Thị Thắng và thấy cả bản lĩnh của bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris năm 1973.

Phần Son cũng mang những dấu ấn riêng về những phẩm chất của người phụ nữ. Tại trưng bày không chỉ có những chiến sĩ cách mạng được tôn vinh, mà công chúng còn gặp những nhân vật hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các mẹ, các chị giữ một “tấm lòng son”, chăm lo sản xuất, nuôi dạy con ngoan, chăm sóc chu đáo cha mẹ già yếu; bảo đảm sự ổn định, vững vàng của hậu phương lớn miền Bắc, hỗ trợ đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Họ cũng được xây dựng như những người chưa bao giờ ngừng làm việc để có những thay đổi tiến bộ cho xã hội. Ở Son, người xem có thể thấy lại những tư liệu ảnh đen trắng về các phong trào phụ nữ ba đảm đang xưa và cũng có thể ngắm những người phụ nữ hiện đại như nghệ sĩ Kim Ngọc - người gắn bó với âm nhạc thể nghiệm, hay nữ tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh - người luôn thúc đẩy việc giáo dục đọc sách cho trẻ…

Đặc biệt, Sắt son còn dành một diện tích cho thiết kế chân dung mẹ Thứ. “Bức tranh Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ được vẽ từ tên của 500 nữ chiến sĩ yêu nước. Đây cũng là điểm nhấn của triển lãm”, bà Vân Anh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.