Câu chuyện 'nâu lắc' và kỹ năng nhẫn nhịn

11/07/2023 08:59 GMT+7

Để có được một kết quả công việc tốt, không gây khó chịu, xích mích với người xung quanh, nhiều bạn trẻ chọn phát triển kỹ năng nhẫn nhịn.

Lắng nghe nhiều hơn

Vài ngày qua, mạng xã hội xôn xao vì video một người khách tuổi trung niên quát nạt nhân viên một quán cà phê. Lý do vì nhân viên không pha đúng ly "nâu lắc" (cà phê sữa đá) cho bà.

Câu chuyện "nâu lắc" và kỹ năng nhẫn nhịn - Ảnh 1.

Tình huống người phụ nữ trung niên có yêu cầu oái ăm pha ly cà phê sữa không ngọt

Chụp màn hình

Trong video, người phụ nữ dồn dập: “Tao không thanh toán ly này. Tao gọi nâu lắc tại sao lại có đường? Ngọt nên tao không uống được. Nhân viên phải làm đúng, đừng làm láo. Khách hàng là thượng đế”. Nhân viên bình tĩnh trả lời: “Ngọt do có sữa, cháu không cho đường vào đây. Nâu lắc thì phải có sữa. Cô đừng ép cháu, cháu làm một giờ chỉ có 20.000 đồng”.

Đoạn video được hàng chục triệu lượt xem và hàng ngàn người tham gia bình luận, bày tỏ quan điểm. Đa số đều công nhận và nể phục sự nhẫn nhịn của các nhân viên. Khi đi làm, việc gặp khách hàng, lãnh đạo, đồng nghiệp khó tính, khó gần là chuyện không thể tránh khỏi. Cái tôi và sự tự ái có thể khiến người trẻ rơi vào những rắc rối khó kiểm soát.

Chị Phan Lê (32 tuổi), một quản lý chuỗi cà phê tại TP.HCM, chia sẻ cách ứng xử khi khách yêu cầu khó: "Nếu chưa được hướng dẫn làm món, hoặc nghe quá lạ lẫm, bạn nên nói rõ với khách là không biết món đó hoặc trong thực đơn không có món này. Khi đó, nếu khách phản ứng hoặc đòi hỏi phải làm, bạn có quyền từ chối phục vụ. Bởi vì, làm đúng quan trọng hơn là chiều khách".

Với chị Lê, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không nên dùng những từ ngữ khó nghe với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp và cấp trên. Cần nhẫn nhịn đến khi mọi thứ lắng xuống và bày tỏ quan điểm của mình. Nhẫn nhịn để lắng nghe nhiều hơn, ở trong nhiều trường hợp đều có thể giải quyết được vấn đề.

Nói về sự nhẫn nhịn, anh Phùng Long (30 tuổi, ngụ tại TP.HCM) kể 5 năm 26 tuổi có bằng thạc sĩ nhưng anh nhận làm công nhân nhà máy. Anh Long cho rằng học cao nhưng không có kinh nghiệm thì phải đi làm lấy kinh nghiệm trước. Có nhiều người chê bai anh Long: "Sao thạc sĩ mà chậm chạp quá". Anh Long nhẫn nhịn, bỏ qua hết lòng tự tôn, tự ái, cố gắng đi làm. Chỉ sau 3 năm, khi chuyển qua công ty mới, anh được lên làm quản lý nhóm marketing.

"Con người không ai hoàn hảo. Nếu bạn sai thì phải nhận sai và sửa chữa. Không thể nào khi gặp trúng những ý kiến trái chiều, bạn cứ dùng hết sức lực lao vào và thua đủ", anh Long bày tỏ.

Nhẫn nhịn đúng lúc mang lại sự thành công

Hồ Vĩ (23 tuổi), đồng sáng lập tổ chức môi trường Sài Gòn Xanh, trong những ngày đầu khởi động dự án đã phải nhận rất nhiều ý kiến trái chiều. Là một thanh niên lăn xả vì môi trường, Vĩ từng bị chửi "điên, rảnh rỗi" khi lội xuống những kênh rạch móc rác, làm sạch. Trong suốt quá trình hoạt động, Vĩ vẫn luôn giữ tỉnh táo, nhẫn nhịn để không xảy ra mâu thuẫn giữa nhóm Sài Gòn xanh và những người dân địa phương.

Câu chuyện "nâu lắc" và kỹ năng nhẫn nhịn - Ảnh 3.

Hồ Vĩ cùng nhóm Sài Gòn Xanh đã dọn hàng chục tấn rác tại địa bàn TP.HCM, mang lại sự sạch đẹp cho các kênh, rạch

Trí Nghĩa

Để làm đúng quy định, Vĩ cũng phải nhẫn nhịn làm việc, xin phép chính quyền địa phương theo đúng quy trình. Bằng tất cả sự nhẫn nhịn đó, cho đến nay, Vĩ cùng nhóm Sài Gòn Xanh đã được khen thưởng từ Thành Đoàn TP.HCM và tạo được nhiều uy tín trong cộng đồng. 

"Người ta nói cũng buồn chứ, nhưng mình vẫn tập trung vào công việc của mình. Nếu không nhẫn nhịn sẽ khó chạm được tới mục tiêu mình đặt ra. Mình chỉ có một mục tiêu lớn là Sài Gòn sẽ sạch sẽ và ít rác hơn. Còn lại, mình sẽ nhẫn nhịn ở trong khả năng mình có thể", Vĩ tâm sự. 

Trần Ngọc Lâm (29 tuổi, ngụ tại TP.Đà Lạt) là một võ sĩ top 10 hạng cân 60 kg tại giải MMA Lion Championship. Anh được người hâm mộ MMA cũng như các võ sĩ khác yêu mến vì cư xử lịch sự, chừng mực, ôn hòa. Tuy nhiên, để có được sự yêu mến đó, đã có thời gian Lâm phải chịu những phản hồi tiêu cực, gay gắt từ khán giả.

“Mình thích diễn như một người ngông cuồng trên sàn đấu để gây sự chú ý đến người xem. Cũng có người chửi, nhưng đấu võ tự do phải có giải trí, phải thu hút. Vì trước đây mình đã có bài học lớn về sự nóng nảy, nên gần 10 năm qua mình luôn đề cao sự nhẫn nhịn. Nóng nảy chỉ mang lại hiểm hoạ.”, Lâm tâm sự.

Anh Trần Châu Toàn (32 tuổi, ngụ tại TP.Đà Lạt), võ sư huấn luyện Trần Ngọc Lâm chia sẻ "Cho đến nay, đã nhiều năm tham gia võ thuật chuyên nghiệp, Lâm được người xung quanh tôn trọng vì không bao giờ nói xấu, chê trách đối thủ hay khán giả, luôn tôn trọng người khác dù vấn đề gì xảy ra. Chính vì sự nhẫn nhịn, kiên định với mục tiêu đã giúp Lâm có thể sống tốt và được mọi người yêu thương". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.