Câu chuyện giáo dục: Khi phụ huynh và nhà trường không thể 'đối thoại'

13/06/2020 11:15 GMT+7

Mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường sẽ khó tốt đẹp nếu như hai bên không thể đối thoại, mà thay vào đó, một trong hai bên sử dụng mạng xã hội và coi đứa trẻ như một thứ 'vũ khí'.

Người mẹ ở Hải Phòng chụp ảnh con đưa lên mạng vừa rồi giá như có thể gặp trực tiếp nhà trường thì sự việc không đến nỗi. Và giá như nhà trường quan tâm đến từng đứa trẻ mà mình đang chịu trách nhiệm giảng dạy để chịu ngồi lại lắng nghe phản ánh của phụ huynh. Giá như mọi ý kiến đều đến tai người chịu trách nhiệm và mọi vấn đề đều được nhìn ra sớm hơn. Nhưng nhiều người lớn đã không làm điều đó. Nhiều người lớn chọn “vũ khí” thay vì đối thoại.
Bao nhiêu đứa trẻ đang giữ trong trí óc non nớt của chúng những đổ vỡ mà người lớn đã tạo ra? Trẻ em chính là những người thua cuộc trong bất cứ cuộc tranh thắng nào của người lớn. Cô bé lớp 1 đứng ngoài cổng trường kia (ảnh) cần bao nhiêu năm để hứng chịu những lời lẽ trên mạng vì mẹ cô bé đã thừa nhận mình sắp đặt cho bức ảnh gây bão?
Vậy cần bảo vệ con trẻ như thế nào?
Trước hết, cha mẹ phải “hiểu” và “biết”. “Hiểu” rằng mình đang đưa ra ý kiến bảo vệ con mình chứ không phải thách thức nhà trường, nói với ý kiến xây dựng chứ không phải phá rối. Hiểu rằng chúng ta đi tìm giải pháp chứ không phải nói để giải tỏa cảm xúc. Hiểu để nói thế nào và cách nói ra sao. Còn “biết” nghĩa là biết phải nói với ai. Có thể đầu tiên là với cô giáo chủ nhiệm. Nhưng nếu sự việc vẫn không được giải quyết thì phải nói với ban giám hiệu. Không phải nói với kiểu đe dọa mà đó là quy trình đúng cho những khiếu nại. Luôn bình tĩnh vì chúng ta cần tìm ra giải pháp chứ không phải để gây tổn hại cho một ai.
Cha mẹ cũng nên tạo ra một kênh đối thoại đa chiều. Có những thứ cha mẹ lên tiếng nhưng có những thứ cần con phải lên tiếng tự bảo vệ bản thân. Các con cần phải học cách đưa ra ý kiến của bản thân. Học sinh phải được giáo dục để nể phục, kính trọng thầy cô chứ không phải sợ thầy cô.
Về phía nhà trường và thầy cô, thay vì để mọi chuyện xảy ra rồi mới đi giải quyết, mỗi trường nên có kênh lắng nghe ý kiến phụ huynh thường xuyên và định kỳ. Đừng coi thường hay bỏ nhẹ những ý kiến.
Đối thoại là cách tốt nhất để điều chỉnh dòng chảy. Xin hãy vì sự lớn khôn lên của trẻ để đừng bên nào hành xử kiểu “trẻ con”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.