Câu chuyện giáo dục: Đáng buồn cho nạn dạy thêm học thêm!

Nguyễn Hùng
Nguyễn Hùng
15/12/2020 08:07 GMT+7

Dõi theo bài báo Lớp 1 cũng phải đi học thêm trên Báo Thanh Niên , lòng nghèn nghẹn đầy chua xót.

Sau bao nhiêu tranh cãi, sau ngần ấy năm chấn chỉnh và hàng loạt văn bản, chỉ thị, công văn nghiêm cấm, nạn dạy thêm học thêm (DTHT) vẫn ngang nhiên tồn tại như trêu ngươi, thách thức. Và quả thật, mặt trái tiêu cực của việc dạy thêm chẳng khác gì cơn sóng ngầm vẫn âm ỉ đục khoét niềm tin của dư luận vào giáo dục.
Điển hình như việc nghiêm cấm dạy thêm ở tiểu học nhưng học sinh sau giờ học cắp sách đến nhà giáo viên diễn ra nhan nhản. Tôi còn nhớ như in thời điểm chống DTHT diễn ra căng thẳng ở nhiều tỉnh thành cách đây 2 năm, giáo viên tiểu học đã yêu cầu phụ huynh đưa đón tránh tụ tập trước cổng nhà, học sinh đi vòng cửa sau và cất gọn giày dép vào trong nhà. Và khi “bão” chống DTHT hạ nhiệt, mọi thứ lại đâu vào đấy.
Nếu việc học thêm dựa trên tinh thần tự nguyện của người học thì có lẽ chúng ta không còn vấn đề gì để bàn cãi: Phụ huynh muốn con em mình đến lớp học thêm để củng cố kiến thức, học sinh tìm đến thầy giáo giỏi để nâng cao năng lực chuẩn bị cho các kỳ thi cao hơn. Chỉ tiếc rằng không ít đứa trẻ phải gồng mình đến lớp học thêm để mua sự yên tâm và an toàn khiến dư luận bức xúc và ca thán.
Câu chuyện học sinh không đi học thêm bị giáo viên đe nẹt đã râm ran bao lâu nay, rồi chuyện phụ huynh đóng tiền cho con đến lớp học thêm vì sợ con thua thiệt bạn bè cũng không phải là chuyện cá biệt.
Ở cấp học cao hơn, việc đề kiểm tra trùng khớp với bài tập ở lớp dạy thêm cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không ít giáo viên đánh vào tâm lý đặt nặng thành tích của phụ huynh để o ép về điểm số. Khi giáo viên “ém bài” và “gạ đề” cho trò ở lớp học thêm, phụ huynh muốn con đạt điểm cao thì phải… cho con đi học thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.