Câu chuyện con tê tê, hành động ngay nếu không 'tương lai chẳng còn gì cho con em chúng ta'

20/03/2022 20:06 GMT+7

TS. Josefine Wallat, Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM, đã đại diện các đồng nghiệp Pháp và Thụy Sĩ, chia sẻ với Thanh Niên về sự ủng hộ đối với những dự án nhằm thúc đẩy lối sống bền vững vì thế hệ tương lai.

Bé Quyền trong ngày hội

thụy miên

Em bé và con tê tê

Sáng 19.3, bé Quyền, 10 tuổi, quận Bình Thạnh, được cha dẫn đến tham gia Ngày hội “Nghệ thuật Đường phố và Lối sống Bền vững”. Bé Quyền vô cùng yêu thích con tê tê bằng bông. Đây là quà tặng sau khi gia đình đã đóng góp cho quỹ bảo vệ động vật hoang dã của tổ chức CHANGE. “Con rất thích tê tê. Tê tê ở dưới đất. Con xem tê tê rất nhiều trên ti vi”, bé kể lại.

Cha của bé là anh Phạm Trường Sơn cho hay nhờ đăng ký trang Facebook của Tổng lãnh sự quán Đức, gia đình biết về ngày hội này và quyết định dẫn con tham gia sự kiện cộng đồng để hiểu biết thêm. Theo anh, vấn đề bảo vệ động vật vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với lứa tuổi thiếu nhi.

“Các con là thế hệ tương lai của đất nước, có thể góp phần tạo nên thay đổi cho môi trường sống hiện tại. Vì thế tôi cho rằng việc tuyên truyền mục tiêu phát triển bền vững cho trẻ em là vô cùng cần thiết và phải thực hiện từ bây giờ”, anh Sơn chia sẻ.

Theo bạn Phương Võ của tổ chức CHANGE, tê tê là một trong ba loài động vật đang bị đe dọa được tổ chức này chọn để triển khai chiến dịch lan truyền nhận thức về nỗ lực bảo tồn tại Việt Nam. Chiến dịch lấy hình ảnh chủ đạo của tê giác bị cắt sừng, tê tê bị lột vảy, voi bị cưa ngà và đang bị chảy máu giống như thực trạng các loài này bị săn bắn trong tự nhiên. Dự án của CHANGE nhằm kêu gọi công chúng giảm nhu cầu mua bán, tiêu thụ các sản phẩm từ các loài động vật hoang dã nguy cấp này.

“Đôi khi sự thay đổi to lớn chỉ bắt đầu từ bước đi bé nhỏ”, đó là câu khẩu hiệu trên tờ brochure được CHANGE phân phát tại đây.

Cần hành động ngay bây giờ

Ngày hội “Nghệ Thuật Đường Phố và Lối Sống Bền Vững” là sự kiện công chúng đầu tiên được ba tổng lãnh sự quán Đức, Pháp, Thụy Sĩ lựa chọn thực hiện để đánh dấu sự quay lại sau thời gian hưởng ứng TP.HCM chống dịch Covid-19.

S Josefine Wallat, Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM, tham gia quầy hàng đo độ mặn

thụy miên

Trả lời Thanh Niên, TS Josefine Wallat, Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM, cho biết bản thân bà luôn tin vào và muốn thúc đẩy những sự kiện khuyến khích công chúng tham dự, tương tác, nhất là những sự kiện liên quan chủ đề bền vững. “Phát triển bền vững luôn là ưu tiên số một. Tôi có hai con, và thật sự mà nói tôi rất lo lắng cho tương lai của con trẻ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải hành động. Mỗi cá nhân đều có thể góp phần mình để tạo dựng tương lai tốt hơn. Đồng thời, chính phủ thật sự cần phải tăng tốc hành động, có những bước đi mạnh mẽ và thiết thực. Nếu không, tương lai sẽ chẳng còn gì cho con em của chúng ta”, bà cho biết.

“Tôi và các con đã đến một số khu vực có tê tê và các loài động vật nguy cấp khác. Tôi cho rằng những dự án như CHANGE đang thực hiện vô cùng quan trọng. Tôi rất hy vọng Đức và Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các dự án cho phép mở rộng môi trường tự nhiên cho động vật hoang dã. Bảo tồn cũng là chủ đề mà tôi cũng dễ dàng giải thích hơn cho các con”, bà cho hay.

Bên cạnh đó, bà cảm thấy thích thú khi tham gia gian hàng cho phép đo độ mặn và giới thiệu những loại cây có thể trồng được ở những khu vực bị hạn mặn xâm nhập như tỉnh Sóc Trăng. “Tôi đã có những chuyến đi thực địa tại vùng ĐBSCL và tận mắt chứng kiến sự ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn”, theo bà.

Bà cho biết Đức hiện triển khai không ít dự án tại ĐBSCL nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam và các địa phương ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Đức sẽ tiếp tục đồng hành Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn và ứng phó tình trạng ấm lên toàn cầu trong thời gian tới.

Ngày hội ““Nghệ thuật Đường phố và Lối sống Bền vững” đã được tổ chức sôi nổi tại tư dinh của Tổng lãnh sự quán Đức trên đường Hoàng Văn Thụ, TP.HCM. Đây là sự kiện do các tổng lãnh sự quán Đức, Pháp, Thụy Sĩ phối hợp thực hiện, nhằm truyền cảm hứng về việc người dân thành phố có thể đóng góp phần của mình để tiến tới một tương lai bền vững. Các thành viên khác của ban tổ chức bao gồm Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Goethe tại TP.HCM, Hội đồng Nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia và Quỹ Văn hóa Pháp-Đức. Ngày hội cũng nhận được sự hỗ trợ từ ba tổ chức Quỹ Sống, CHANGE và Quỹ AIP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.