Câu chuyện cảm động của những người ngược ngàn... gieo chữ

05/10/2021 09:00 GMT+7

Chiều chủ nhật tuần nào cũng vậy, các thầy cô cắm bản tại xã Đăk Nên (H.Kon Plông, Kon Tum) lại chất lên xe lỉnh kỉnh đồ đạc và thực phẩm dự trữ cho một tuần ngược ngàn gieo chữ.

Giáo viên nhọc nhằn đi gieo chữ trên con đường nhấp nhô sỏi đá dẫn đến điểm trường Đăk Puk

đức nhật

Đầu năm học mới, để tìm hiểu những khó khăn của thầy cô cắm bản, chúng tôi quyết định tìm về xã xa nhất của huyện vùng sâu Kon Plông. 7 giờ sáng, đón chúng tôi tại Phòng GD-ĐT huyện, ông Võ Xuân Tựu, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Kon Plông, chỉ kịp chào rồi giục mọi người lên đường cho kịp giờ.

Trên đường đi, vừa lái xe, thầy Tựu vừa giới thiệu: Đăk Puk là điểm trường xa nhất của huyện, cách trung tâm huyện lỵ gần 70 km và cách trung tâm xã đến 22 km. Tại đây đang có 2 giáo viên (GV) cắm bản gieo chữ cho 23 học sinh (HS) lớp 1, 2.

Điểm trường Đăk Puk là nơi xa nhất huyện khi cách trung tâm huyện lỵ gần 70 km

đức nhật

Theo thầy Tựu, mấy năm gần đây cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng. Nhiều tuyến đường được phủ nhựa, bê tông hóa, điểm trường đã được xây dựng kiên cố. Điều kiện dạy và học đã thuận lợi hơn trước đây rất nhiều. Tuy nhiên con đường dẫn đến xã Đăk Nên được xây dựng từ nhiều năm trước, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Cũng bởi vậy mà đường gieo chữ của GV cũng trở nên gian nan, vất vả hơn.

Sau gần 3 tiếng đồng hồ vật lộn với hơn 70 km đường rừng, chúng tôi đến điểm trường Đăk Puk với vỏn vẹn 2 phòng học nằm lọt thỏm dưới những hàng cau xanh mát.

Thầy Triều với các học trò của mình ở điểm trường Đăk Puk

ĐỨC NHẬT

Xem học sinh như người thân

Cô Hồ Thị Thu Hà, GV lớp 1, kể nhà cô ở TP.Kon Tum, ngăn cách với hốc núi Đăk Puk bằng quãng đường dài đằng đẵng 120 cây số. Năm trước, cô nhận nhiệm vụ lên huyện miền núi này gieo chữ. Thời gian đầu mới vào thấy đường sá đi lại khó khăn, vất vả, mưa rừng và gió núi khiến cô nhớ nhà da diết. Có những đêm cô thức trắng vì lạnh, nhớ mẹ và… sợ ma. Có những đêm nằm nghe mưa đổ, cô chong mắt thức, những nỗi sợ hãi lại bủa vây.

Nhưng khi thấy các em HS nơi đây còn nghèo khổ quá, cô cố nén lòng để tiếp tục công tác ở cái vùng xa tít tắp này. Cô muốn dạy cho các em biết con chữ để giúp đỡ gia đình và xa hơn nữa là có thể thoát cảnh nghèo.

Cô giáo Hà trong một buổi dạy học

đức nhật

“Khi nghe các em kể chuyện về gia đình, tôi không kìm được nước mắt. Nhà các em nghèo lắm, bố mẹ quần quật làm trên rừng chẳng có thời gian quan tâm đến con. Từ khi đi học các em mới tìm thấy niềm vui thật sự. Mỗi hôm đến lớp tôi đều tâm sự, nhỏ to với HS của mình. Tôi chỉ mong các em đi học đông đủ là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi”, cô Hà tâm sự.

Do nhà cách trường từ 3 - 4 km nên HS ở đây hay nghỉ học. Có những em buổi sáng đi học, đến trưa phải lội bộ về nhà ăn cơm. Những em nhà xa quá, buổi sáng trước khi đi học phụ huynh thường nhét thêm gói mì tôm vào cặp cho con. Khi buổi học vừa dứt, các em nhà xa thường đem mì tôm ra ăn sống để lấy sức học tiếp buổi chiều. Chứng kiến cảnh ấy, cô Hà chẳng thể cầm lòng. Thế là những bữa sau cô nấu thêm cơm để học trò có thêm chất dinh dưỡng.

“Phụ huynh ít quan tâm đến con em nên với cương vị là GV, mình xem HS như người thân trong nhà. Chính vì vậy, mỗi khi lên lớp mình luôn lạc quan, vui vẻ để truyền cho các em năng lượng tích cực. Mình mong rằng các em sẽ thay đổi nhận thức, cố gắng học lên cao để thay đổi bản thân và cuộc sống”, cô Hà chia sẻ.

Ở hai đầu nỗi nhớ

Ở cái nơi núi cao, đèo sâu này, hạnh phúc gia đình hay những bữa cơm sum vầy là điều xa xỉ đối với những thầy cô cắm bản. Vì điều kiện công tác, nhiều thầy cô gạt nỗi nhớ gia đình, ở lại cắm bản cho giấc mơ con chữ của học trò được trọn vẹn.

Thầy A Triều, GV tại điểm trường Đăk Puk, cho biết thầy ở TP.Kon Tum, còn vợ quê ở Quảng Bình. Họ yêu nhau từ khi là sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn. Sau khi ra trường họ đưa nhau về Kon Tum xây dựng tổ ấm. Kết hôn xong, vợ chồng thầy Triều mỗi người một ngả. Thầy lên hốc núi

Đăk Puk gieo chữ, còn vợ ngược QL14C về miền biên viễn Ia H’Drai dạy học. Tiếng là cùng công tác trong tỉnh Kon Tum nhưng hai vợ chồng cách nhau tới hơn 240 km. Đường sá xa xôi nên vợ chồng thầy 2 - 3 tháng mới được gặp nhau một lần, ăn chung một bữa.

Chính vì vậy, đứa con đầu lòng vợ chồng thầy đành gửi về quê ngoại nhờ chăm sóc. 2 năm nay nhớ con quá, vợ chồng thầy mới đưa con vào TP.Kon Tum gửi ông bà nội trông coi. Cuối tuần, hai vợ chồng thầy cô lại vượt chặng đường dài đằng đẵng để về nhà ăn bữa cơm sum họp.

“Con nhỏ, lại dạy xa nhà nên chúng tôi nhớ cháu lắm. Mỗi lần như vậy mình chỉ biết gọi điện thoại về nhìn con qua màn hình. Nhưng sóng trên này chập chờn, lúc có lúc không. Cháu còn nhỏ nên hay quấy khóc, đòi bố mẹ. Những hôm về nhà cũng chỉ nằm ngủ với con được một đêm rồi lại phải đi”, thầy A Triều kể.

Theo thầy Võ Xuân Tựu, nhiều năm trước vì quá khó khăn với nghề gieo chữ đã không ít GV cắm bản tại Đăk Puk phải bỏ nghề. Cũng có những GV sau khi nhận nhiệm vụ vài ngày thì khóc như mưa, nhưng đến khi quen với trường lớp, gắn bó với HS rồi thì họ lại chẳng muốn chuyển đi đâu nữa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.