'Cát tặc' đe dọa cầu Mỹ Thuận

28/04/2022 06:00 GMT+7

Sông Tiền (đoạn gần cầu Mỹ Thuận, giáp ranh giữa 2 tỉnh Vĩnh Long - Tiền Giang) nhiều năm qua là điểm nóng về nạn khai thác cát trái phép .

Mỗi đêm, hàng chục sà lan, ghe đổ về đoạn sông trên ngang nhiên khai thác cát trái phép, uy hiếp sự an toàn cầu Mỹ Thuận.

Gần đây, PV Thanh Niên nhiều đêm xâm nhập, ghi nhận cảnh các phương tiện (sà lan, ghe gỗ) cùng với máy móc hiện đại thay nhau hút cát tại khu vực gần chân cầu Mỹ Thuận (ấp Bình, xã Hòa Hưng, H.Cái Bè, Tiền Giang).

Thủy đoàn II (Cục CSGT) bắt giữ 20 ghe hút cát trộm trên sông Tiền

X.P

Đua nhau hút cát trộm gần chân cầu Mỹ Thuận

Những ngày cuối tháng 4.2022, ống kính của nhóm PV Thanh Niên dễ dàng ghi lại hình ảnh nhiều sà lan, ghe thay nhau “rút ruột” lòng sông tại khu vực gần cầu Mỹ Thuận. Tối 22.4, ông N. (một ngư dân trên sông Tiền) đưa chúng tôi đến khu vực “cát tặc” tung hoành rồi chỉ về hướng cầu Mỹ Thuận, bức xúc: “Sự việc diễn ra nhiều năm nay rồi, có đêm vài chục chiếc kéo đến khu vực chân cầu Mỹ Thuận hút cát trộm như một binh đoàn vậy”.

Khoảng 19 giờ 20 ngày 22.4, một chiếc vỏ lãi hướng từ hạ nguồn sông Tiền chạy lên khu vực chân cầu Mỹ Thuận. Người trên vỏ lãi liên tục quét đèn pin rọi trên bờ sông. Ông N. cho hay người đi vỏ lãi rọi đèn pin là người cảnh giới của nhóm khai thác cát trái phép. “Những lúc trên sông Tiền có nhiều nơi khai thác cát trái phép thì đội cảnh giới càng đông. Ghe, tàu nào lạ, đi gần đến khu vực các sà lan khai thác cát là nhóm cảnh giới này chạy đến quan sát, hỏi đi đâu. Các phương tiện mà nhóm cảnh giới sử dụng chạy rất nhanh”, ông N. nói.

Khi vỏ lãi này rời khỏi chân cầu Mỹ Thuận thì ngay lập tức có một sà lan với sức chứa khoảng 500 m3 cát chạy từ hướng Vĩnh Long tiến gần chân cầu Mỹ Thuận. Khi cách chân cầu Mỹ Thuận hơn 100 m, sà lan dừng lại. Những người trên sà lan bắt đầu đưa “vòi rồng” thọc sâu xuống sông Tiền để hút cát. Sau đó, 2 ghe gỗ cũng từ phía Vĩnh Long thẳng tiến vào khu vực chân cầu Mỹ Thuận, thọc ống xuống lòng sông hút cát. Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, có 8 sà lan, ghe gỗ đã hút đầy cát và nổ máy chạy về hướng Vĩnh Long, Bến Tre.

Tiếp đó, khoảng 20 giờ ngày 23.4, chúng tôi tiếp tục ghi hình binh đoàn sà lan hút cát trộm. Lúc này, dưới chân cầu Mỹ Thuận có gần 10 ghe gỗ, sà lan cùng chọc “vòi” xuống sông Tiền, thi nhau hút cát. Các sà lan, ghe gỗ hút cát đều được trang bị máy bơm công suất lớn, tiếng máy bơm vang vọng cả khu vực. Do khối lượng cát lớn được hút từ đáy sông lên ghe, sà lan nên khiến dòng sông nơi đây đục ngầu. Những phương tiện hút cát trộm đều không có số hiệu, khoảng cách mỗi phương tiện hút trộm cát chừng từ 10 - 20 m và hoạt động trong bóng tối.

Anh L. (là người từng có thời gian hành nghề hút cát trên sông Tiền) tiết lộ có 2 khung giờ hút cát trộm: từ 19 - 22 giờ và từ 2 - 4 giờ sáng. Máy hút cát trộm thường là máy 6 hoặc máy 8 rất mạnh. Mỗi máy chỉ có từ 1 - 2 “vòi rồng”, loại ống nhựa phi 220 dùng để thọc xuống sông lấy cát. Tùy vào độ sâu của lòng sông Tiền mà “vòi rồng” sẽ có độ dài từ 20 - 60 m. Dưới chân cầu Mỹ Thuận chỉ dùng “vòi rồng” trên dưới 30 m. Các ghe gỗ có sức chứa 50 m3 khối cát thì hút tầm 45 phút là đầy; sà lan chứa 300 m3 hút gần 1,5 giờ đồng hồ và sà lan 500 m3 hút khoảng 3 giờ.

Trong quá trình ghi nhận, chúng tôi được một số ngư dân trên sông Tiền và giới “cát tặc” đã “gác kiếm” tiết lộ về các ông trùm trong mảng này cũng như đường đi của cát lậu ở nơi đây. Theo đó, sau khi hút cát trộm dưới chân cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang) các sà lan, ghe gỗ chở cát qua bên kia sông Tiền về hướng Vĩnh Long, Bến Tre và mất hút trong các kênh, rạch dẫn sâu vào khu dân cư... Khi nhắc đến khu vực sông Cái Đôi, nổi tiếng nhất là bãi cát của ông L. với diện tích khoảng 500 m2, chuyên thu mua cát của các phương tiện hút trộm trên sông Tiền từ vài trăm cho đến cả ngàn mét khối mỗi đêm.

Theo PV Thanh Niên tìm hiểu, đoạn sông Tiền (qua H.Cái Bè, Tiền Giang) hiện có 4 điểm nóng khai thác cát trộm, gồm: khu nhà yến (xã Hòa Khánh), Vàm Cái Thia, Vàm Cổ Lịch và dưới chân cầu Mỹ Thuận. Các địa điểm này có khối lượng cát xây dựng lớn, sạch và bán được giá cao, nên thu hút rất nhiều “cát tặc” đến từ nhiều địa phương xung quanh như: TP.Mỹ Tho, H.Cai Lậy (thuộc tỉnh Tiền Giang); tỉnh Bến Tre; Vĩnh Long đến khai thác mỗi đêm. Tại H.Cái Bè, có 7 nhóm khai thác cát lậu trên sông, mỗi nhóm quản lý từ 7 - 15 chiếc sà lan, ghe gỗ. Các nhóm này đều có mối liên kết, chia sẻ thông tin để phối hợp trong việc khai thác cát trái phép trên sông để tránh bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Cát được đem về bãi chuẩn bị bán cho người có nhu cầu

Thanh Niên

Chiều yêu cầu phối hợp, tối “cát tặc” ngưng (!?)

Trong 2 đêm 22 và 23.4, chúng tôi liên tục ghi hình rất nhiều ghe gỗ, sà lan tập trung hút cát trộm tại khu vực gần chân cầu Mỹ Thuận.

Ngày 24.4, PV Thanh Niên liên hệ với trung tá Tô Quang Minh, Thủy đoàn trưởng Thủy đoàn II - Cục CSGT (C08) - Bộ Công an, để cung cấp thông tin, chứng cứ về “cát tặc”. Chiều cùng ngày, trung tá Minh hướng dẫn PV xuống trụ sở Thủy đội II (tại TP.Cần Thơ) gặp thượng úy Nguyễn Văn Tứ (Trưởng đội tham mưu). Tại buổi làm việc, PV cung cấp hình ảnh hàng chục sà lan, ghe gỗ hút cát trộm tại khu vực nói trên mỗi đêm và đề nghị có phương án phối hợp bắt giữ. Thượng úy Tứ cho biết tình trạng khai thác cát trộm tại chân cầu Mỹ Thuận phía đơn vị đã phát hiện và đang trong quá trình theo dõi để truy bắt. Để lập chuyên án cần phải có kế hoạch, có sự đồng ý từ lãnh đạo C08 nên đề nghị phối hợp của PV Báo Thanh Niên sẽ được Thủy đội II ghi nhận, báo cáo lên lãnh đạo.

Đáng nói, sau khi làm việc với Thủy đội II, trên đường từ TP.Cần Thơ về lại Tiền Giang, PV nhận tin nhắn từ nguồn tin với nội dung “tối nay các phương tiện sẽ không đi hút cát dưới chân cầu Mỹ Thuận”. Để kiểm chứng việc này, đêm 24.4, PV quay trở lại chân cầu Mỹ Thuận xác minh thì đúng từ đêm 24 đến rạng sáng 25.4, không có bóng dáng sà lan, ghe gỗ nào đến hút cát trộm tại khu vực này.

Sà làn, ghe gỗ được trang bị máy bơm, ống hút cát đang neo đậu vào ban ngày

Thanh Niên

Ngày 25.4, PV liên hệ với lãnh đạo PC08, Công an Tiền Giang để cung cấp thông tin tình trạng “cát tặc” tại chân cầu Mỹ Thuận để xử lý thì vị này cho rằng: “Thủy đội II có tàu tuần tra đậu gần cầu Mỹ Thuận, khi xảy ra sự việc thì nói không biết và đùn đẩy trách nhiệm là tầm bậy”.

Về vấn đề này, thượng tá Trần Thanh Tùng, Trưởng công an H.Cái Bè, cho biết công an huyện đã lập kế hoạch truy bắt nhằm hạn chế việc khai thác cát trái phép trên sông Tiền chảy qua địa bàn. Trên thực tế, đấu tranh với “cát tặc” gặp rất nhiều khó khăn. Công an huyện không được trang bị phương tiện, máy móc để ghi hình và truy đuổi trên sông. Các nhóm “cát tặc” cho người túc trực tại các địa điểm công an xuất phát đi tuần tra thì sẽ báo cho những người khác. Khi có thông tin tuần tra, xuất quân xử lý thì “cát tặc” đã biết và bỏ trốn….

“Mặc dù hiện có nhiều lực lượng quản lý, thanh kiểm tra, xử lý liên quan đến khai thác cát, nhưng thật sự chưa hiệu quả vì công tác phối hợp chưa đồng đều. Chính vì thế, công tác xử lý “cát tặc” vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, thượng tá Tùng nói.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cầu Mỹ Thuận

Theo ông Lê Văn Ý (Phó chủ tịch UBND H.Cái Bè), tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Tiền diễn ra nhiều năm nay. UBND H.Cái Bè đã nhận được nhiều phản ánh, đơn thư của người dân, doanh nghiệp liên quan tình trạng “cát tặc” gây sạt lở nhà cửa, vườn và cơ sở hạ tầng. Trước thực trạng này, mới đây UBND H.Cái Bè đã có công văn chỉ đạo công an, Chi cục Thuế, Đội quản lý thị trường, Phòng TN-MT, UBND các xã và TT.Cái Bè về nội dung “tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát”.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV - Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải), cho biết nhiều lần báo cáo bằng văn bản, hình ảnh về tình trạng khai thác cát trái phép gần khu vực chân cầu Mỹ Thuận cho UBND tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và đề nghị xử lý. Trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản dưới lòng sông, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép là của lực lượng CSGT và chính quyền địa phương.

Theo ông Thành, về phía trách nhiệm của đơn vị quản lý cầu Mỹ Thuận thì kiểm tra, đo đạt theo định kỳ về tình trạng các hố xoáy gần các chân cầu. Qua các lần kiểm tra, thì chưa phát hiện điều bất thường. Thế nhưng, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm qua gần chân cầu Mỹ Thuận sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dẫn đến nguy hiểm công trình cầu Mỹ Thuận. Chính vì điều đó, Cục Quản lý đường bộ IV đã nhiều lần có báo cáo đến chính quyền địa phương tại Tiền Giang, Vĩnh Long để kiến nghị xử lý dứt điểm tình trạng trên, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình cầu Mỹ Thuận.

“Cát tặc” được chống lưng ?

Theo ông Nguyễn Văn Tây (nguyên Chánh văn phòng Huyện ủy Cái Bè), thực trạng “cát tặc” lộng hành nhiều năm qua tại khu vực sông Tiền chứng tỏ có người “chống lưng”.

Ông Tây lý giải trong nhân dân dễ dàng nghe đồn nhóm sà lan, ghe hút cát này của các cá nhân thuộc một số cơ quan ban ngành. Tại sao khi kế hoạch thanh kiểm tra, tuần tra, truy bắt của công an, sở ban ngành thì các nhóm “cát tặc” đều biết trước? Rồi lực lượng CSGT của Bộ Công an, Công an tỉnh Tiền Giang được trang bị ca nô chuyên dụng, áo phao… để tuần tra kiểm soát 24/24 trên sông mà không phát hiện được phương tiện hút cát trộm. Các sà lan, ghe gỗ hút cát trộm rất lớn, được trang bị máy bơm, vòi dân ai cũng biết mà tại sao người thực thi công vụ không biết?…

Từ những lập luận trên, ông Tây cho rằng: “Dấu hiệu “cát tặc” có “chống lưng” là rất rõ ràng, quan trọng là có ai muốn làm hay không. Còn việc lâu lâu bắt giữ 1, 2 chiếc ghe hút cát trộm chỉ là phần ngọn vấn đề. Vấn đề nằm chỗ làm sao xử lý tình trạng tiêu thụ mua bán cát ăn trộm, xử lý những người đứng sau “chống lưng” cho các nhóm hút cát trộm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.