Cát tặc băm nát hồ Biển Lạc: Chính quyền dung túng?

25/03/2020 05:55 GMT+7

Dư luận vô cùng bức xúc và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước sau khi xem loạt bài phản ánh về nạn cát tặc lộng hành ở Bình Thuận .

Loạt bài phản ánh về nạn cát tặc lộng hành ở Bình Thuận đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày 23, 24.3 khiến dư luận vô cùng bức xúc và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước.
Ngày 23.3, PV Thanh Niên cùng đoàn công tác liên ngành về khoáng sản của tỉnh Bình Thuận, gồm đại diện Sở TN-MT và công an tỉnh đã đến kiểm tra các mỏ cát lậu nằm giữa rừng keo lá tràm (tại thôn 3, xã Sơn Mỹ, H.Hàm Tân).
Phát hiện xe của đoàn kiểm tra, một chiếc xe ben đang chờ “ăn hàng” đã rồ ga bỏ chạy. Tại bãi cát vẫn còn vài chiếc xe máy của công nhân khai thác mỏ bỏ lại. Dấu vết khai thác còn mới nguyên.
Ngay lập tức, tổ công tác gọi Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ yêu cầu cho cán bộ tới để phối hợp lập biên bản tình trạng khai thác. Ít phút sau, ông Hoàng Tuy, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ và một cán bộ địa chính xã đến hiện trường...

Chủ mỏ cát lậu này là ai mà chưa bị xử phạt?

Tại đây, ông Hoàng Tuy báo cáo với đoàn kiểm tra, khu đất này có diện tích 1,3 ha do ông Trần Văn Thuận (tên gọi khác là Tú, ngụ xã Sơn Mỹ) đứng tên trên sổ là đất trồng cây lâu năm.
Ông Thuận mua lại của ông Bùi Văn Nghĩa, đều là dân địa phương. Việc khai thác cát lậu trên mảnh đất này chính là do ông Thuận đứng ra tổ chức. Cũng theo ông Hoàng Tuy, bãi cát lậu này đã được khai thác hơn một năm nay.
Bị đoàn kiểm tra liên ngành “truy” vì sao không ngăn chặn? Phó chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ cho rằng, do việc khai thác chủ yếu vào ban đêm, hoặc ban ngày nhưng buổi trưa, có người cảnh giới từ ngoài đường. Khi phát hiện có cán bộ vào thì xe cuốc chạy vào rừng tràm, xe ben đổ bỏ cát làm các cán bộ xã không thể bắt được quả tang.
Vì sao không báo cáo lên huyện? Bị truy vấn câu hỏi này, ông Hoàng Tuy giải thích, xã đã nhiều lần báo cáo huyện, có hình ảnh gửi kèm cho huyện nhưng chưa thấy phạt mỏ cát lậu này lần nào (!?).
“Đã mấy lần xã mời ông này lên để lập biên bản, xử lý nhưng ông Thuận không lên. Hiện nay xã đã lập biên bản tình trạng hủy hoại đất theo Nghị định 92 nhưng cả tháng nay vẫn chưa xử phạt được. Có khả năng phải làm lại biên bản vì đã quá hạn xử phạt”, ông Hoàng Tuy phân trần. Theo một cán bộ địa chính xã Sơn Mỹ, ông Trần Văn Thuận không chỉ có một điểm khai thác này, mà còn 3 điểm khai thác khác trong xã. Khi bị phát hiện ở điểm này thì ông Thuận lại khai thác ở điểm khác.
Ngay trong sáng 23.3, ông Hoàng Tuy dẫn đoàn liên ngành đến mỏ cát thứ hai của ông Trần Văn Thuận nằm sâu trong rừng keo lá tràm ở thôn 3. Điểm khai thác này chỉ cách điểm khai thác thứ nhất chừng 1 km. Hiện trường là một hố sâu, rộng chừng 4 ha, đã lấy hết cát và được trồng keo lá tràm, thân keo đã cao chừng 70 cm. Xung quanh bãi keo lá tràm này là những điểm khai thác cát nhỏ lẻ của ông Thuận. Tại đây, một khối lượng cát khá lớn đã được múc lên nhưng chưa vận chuyển đi.
Cán bộ xã Sơn Mỹ tiếp tục đưa đoàn công tác vào mỏ cát thứ ba của ông Thuận. Mỏ cát này nằm ở thôn 4, cách hai mỏ cát trước chừng 5 km. Xe của đoàn liên ngành vừa ra khỏi hai mỏ cát trước là có hai thanh niên chạy xe máy bám theo, gọi điện thoại liên tục. Vào mỏ cát thứ ba, một đống cát vừa được đổ xuống ngay tại mỏ.
Cán bộ xã Sơn Mỹ cho hay, do biết có đoàn kiểm tra của tỉnh về nên xe cát này bị tài xế đổ tại chỗ để tháo chạy. Tại đây, một khối lượng cát đã được lấy đi khá lớn. Mỏ cát này có bề ngang chừng 40 m, dài chừng 60 m và đã bị khoét sâu khoảng 8 m. Một cán bộ trong đoàn kiểm tra của tỉnh cho biết sẽ lập biên bản làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý.

Kho cát có phép nằm cách bãi cát trái phép 500 m

Điều lạ, chính ông Trần Văn Thuận là chủ doanh nghiệp Phương Nam (đóng tại xã Sơn Mỹ, H.Hàm Tân, với chức năng kinh doanh kho bãi) có một bãi đất trống chứa toàn cát, chỉ cách bãi cát trái phép của chính ông Thuận chừng 500 m.
Bãi cát trái phép ở thôn 4, xã Sơn Mỹ của ông Thuận Ảnh: H.Linh

Bãi cát trái phép ở thôn 4, xã Sơn Mỹ của ông Thuận

Ảnh: H.Linh

Ông Hoàng Tuy cho rằng, kho cát này có phép do Sở KH-ĐT Bình Thuận cấp giấy phép kinh doanh hẳn hoi. Khi xã kiểm tra, bãi cát này có đầy đủ chứng từ, hóa đơn. Tức là cát mua ở nơi khác về để tập kết tại kho bãi này, khiến xã rất khó xử lý. “Trước đây, chúng tôi kiểm tra hóa đơn cát ở kho bãi, nghi có vấn đề về hóa đơn nên chuyển hồ sơ vụ việc lên huyện.
Sau đó, ông này bị phạt 50 triệu đồng”, cán bộ địa chính xã Sơn Mỹ kể. Đáng chú ý, theo quan sát của PV Thanh Niên, bãi cát khoảng vài trăm mét khối tại doanh nghiệp Phương Nam khá giống với cát ở bãi khai thác cát trái phép của chính ông Thuận, cách đó 500 m.
Trước đó, trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Hiện, Trưởng phòng TN-MT H.Hàm Tân, cho biết các xe vận tải cát trên đường khi bị TTGT hoặc CSGT chặn kiểm tra thì họ đều có hóa đơn chứng từ mua cát ở nơi khác. Còn Chủ tịch UBND H.Hàm Tân, Văn Quý Ngọc, cho hay huyện này đã cử tổ công tác chốt chặn ngay tại Đồn biên phòng Tân Thắng để ngăn chặn cát tặc.
“Chúng tôi có đoàn liên ngành của huyện, do Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn. Từ sau tết tình trạng khai thác cát trái phép loạn quá nên chúng tôi thành lập thêm tổ 255 chốt chặn tại Đồn biên phòng Tân Thắng, có cả công an, làm ngày lẫn đêm”, ông Ngọc nói. Khi được PV thông báo không thấy tổ công tác nào trong các đêm mà PV điều tra thì ông Ngọc giải thích “để kiểm tra lại”.
Chiều qua, trả lời PV Thanh Niên, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Hồ Lâm, cho biết ông vừa mới nghe đoàn liên ngành báo cáo miệng. Khi có kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành, Sở TN-MT sẽ làm báo cáo cho Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý. “Cái này trách nhiệm chính là của UBND huyện. Chứ Sở TN-MT hay đoàn liên ngành cũng không thể nắm hết được, vì địa bàn rất rộng”, Giám đốc Sở TN-MT Hồ Lâm nói.
 

Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Ngày 23.3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có công văn gửi Sở TN-MT, UBND H.Tánh Linh, nêu rõ: ngày 23.3, Báo Thanh Niên đăng bài Cát tặc băm nát hồ Biển Lạc, phản ánh tình trạng khai thác đất, cát rầm rộ tại hồ Biển Lạc nhưng không có lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý; tình trạng khai thác vô tội vạ dọc sông La Ngà (giáp ranh huyện Tánh Linh và Đức Linh), khiến hai bên bờ sông sạt lở nghiêm trọng, đẩy nhiều gia đình vào cảnh mất đất sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, UBND H.Tánh Linh và các sở ngành liên quan xác minh làm rõ nội dung báo phản ánh; xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm; đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Báo cáo kết quả xử lý cho UBND tỉnh trước ngày 27.3.2020. 

Đi suốt hai đêm nhưng không bắt được quả tang(?)

Trao đổi với PV Thanh Niên về tình trạng xe máy cày, máy kéo chở cát ban đêm như PV mô tả, ông Lê Sanh, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải (H.Hàm Tân) thừa nhận, có tình trạng khai thác bằng xe máy cày, máy kéo và cho rằng: “Vẫn còn tình trạng người dân dùng máy cày, máy kéo khai thác một vài xe cát, nhưng quy mô nhỏ lẻ (!?)”. Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thắng Hải, tổ công tác ngăn chặn khoáng sản trái phép của xã “cũng đi suốt đêm tuần tra”, nhưng không bắt được quả tang tình trạng khai thác cát vào ban đêm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.