Cát nạo lên, tiền đổ xuống: Ban hành lộ trình sử dụng vật liệu thay thế cát

Đình Tuyển
Đình Tuyển
28/04/2022 09:50 GMT+7

Dù nan giải nhưng ngành khai thác cát ở ĐBSCL cần được điều chỉnh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Điều chỉnh từ việc cấp phép

Là địa phương có trữ lượng cát khai thác thấp nhất so với 3 tỉnh lân cận là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, đến nay TP.Cần Thơ cũng đang có những điều chỉnh trong quản lý khai thác cát. Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.Cần Thơ, cho biết từ năm 2018 địa phương này đã phê duyệt quy hoạch khai thác khoáng sản. Tới nay, TP chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào theo quy hoạch mới. “Hiện chỉ còn 3 mỏ được cấp phép trước đó đang hoạt động. Trước đây là 5 mỏ nhưng có 2 mỏ khai thác không đúng quy định đã bị đóng cửa”, ông Kiên nói.

Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm soát, truy xuất nguồn gốc cát sử dụng trong các công trình xây dựng

Đình Tuyển

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng cho biết tỉnh này đang chia việc khai thác cát ra làm 3 nhóm: Thứ nhất là tại vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở thì ngưng khai thác, thu hồi tất cả các giấy phép. Những giấy phép đã hết hạn thì không gia hạn. Thứ 2 là cấp phép khai thác cát thông qua đấu thầu nhưng kiểm soát khối lượng, trữ lượng khai thác. Thứ 3 là nạo vét, chỉnh trị dòng chảy.

Theo ông Thư, những bãi bồi hình thành sẽ làm lệch dòng chảy gây sạt lở bờ đối diện. Nạo vét những bãi bồi tụ để cân bằng lại dòng chảy. “Tất nhiên sẽ phải có đơn vị tư vấn tính toán chuyên ngành để biết nạo vét ở mức độ nào là vừa phải. Quan trọng là phải tránh chuyện nạo vét lại làm thay đổi dòng chảy theo hướng tiêu cực thêm”, ông Thư cho hay.

Dẫu vậy, điều bất hợp lý nhất trong quản lý khai thác cát ở ĐBSCL hiện nay là trữ lượng cát không phân bổ theo địa giới hành chính, nhưng cấp phép khai thác lại theo từng địa phương với những đánh giá tác động môi trường cục bộ. Nhiều chuyên gia cho rằng quản lý khai thác cát ở ĐBSCL rất cần theo tinh thần “liên kết vùng”, đánh giá trữ lượng trên toàn tuyến sông cũng như xem xét ảnh hưởng trên bình diện toàn đồng bằng. Từ đó phân bổ cho từng địa phương cấp phép sao cho cân bằng.

Cắt nguồn cung cát bất hợp pháp

Tại hội thảo về triển khai dự án Quản lý khai thác cát bền vững của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) VN mới đây, ông Lương Văn Hùng, thuộc Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết Bộ đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy việc tìm vật liệu thay thế cát ở các địa phương, như sử dụng cát nghiền từ đá xây dựng hiện cả nước có trữ lượng vài chục tỉ mét khối. Cùng với đó, hàng trăm tỉ mét khối cát vùng Biển Đông cũng có thể thay dần cát sông.

Ông Hùng cho hay Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Riêng tại ĐBSCL, theo ghi nhận, hiện có khoảng gần 4 triệu tấn tro xỉ được lu lèn, tập kết tại bãi xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở TX.Duyên Hải (Trà Vinh). Trước đó, năm 2020, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện tại địa phương này đã được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp. Sau đó, cuối tháng 12.2021, các nhà máy cũng đã đấu giá thành công 1 triệu tấn tro xỉ làm vật liệu san lấp. Năm 2021, có gần 860.000 tấn tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện ở Duyên Hải được tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, để “kích cầu” việc sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên, cần phải hạn chế hoạt động khai thác cát trái phép ở nhiều địa phương. Cùng với đó, các địa phương cần sớm ban hành lộ trình, kế hoạch để sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên để san lấp. Chẳng hạn tro xỉ nhiệt điện, phế thải xây dựng, chất thải của công nghiệp khai khoáng… nhằm giảm áp lực cung cầu cát tự nhiên trong xây dựng.

Trả lời Thanh Niên, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) Lại Hồng Thanh cho hay đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản, trong đó có cát lòng sông, đã được quy định rất rõ ràng. Giải pháp căn cơ nhất là Nghị định 23/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24.2.2020 của Thủ tướng về quản lý thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đang được triển khai thực hiện. Ở đó, việc định hướng quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông phải đảm bảo tác động thấp nhất đến cân bằng tự nhiên của lưu vực.

Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) ghi nhận từ các địa phương trên cả nước năm 2016 cho thấy tổng trữ lượng cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền khoảng 692 triệu m3. Công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm.

Theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng thì nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hằng năm khoảng 130 triệu m3. Như vậy nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu cát xây dựng.

Đặc biệt, Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 29.9.2020 đã chỉ thị rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành và tỉnh, thành trong quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, gồm có cát. Theo đó, Bộ TN-MT được giao nhiệm vụ chủ động đề xuất, điều tra, đánh giá các loại khoáng sản để sản xuất cát nhân tạo nhằm bổ sung lượng cát, sỏi lòng sông ngày càng cạn kiệt. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, xuất khẩu lậu qua biên giới. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh và sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông… Chỉ thị cũng nói rõ lãnh đạo các tỉnh, thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép tại địa bàn.

Có thể thấy các văn bản quy định trong quản lý khai thác khoáng sản nói chung, cát nói riêng đã cơ bản hoàn thiện, nhưng để đạt được hiệu quả thực sự, đòi hỏi công tác quản lý ở từng địa phương phải đi vào thực chất hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.