Cắt điện, nước để cưỡng chế vi phạm hành chính 'thể hiện sự bất lực'?

19/06/2020 04:49 GMT+7

Đề xuất bổ sung cắt điện, nước như một biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính trở thành đề tài tranh luận sôi nổi khi Quốc hội thảo luận về luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 18.6.

Không xử lý được nếu không cắt điện, nước?

Theo “trường phái” ủng hộ cắt điện, nước như một biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, đại biểu (ĐB) Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng việc bổ sung biện pháp này sẽ làm cho người vi phạm phải chấp hành các quyết định xử phạt, đảm bảo các hành vi vi phạm phải dừng và không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc khó khắc phục hơn. ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) thì đề nghị cần xác định rõ phạm vi áp dụng biện pháp này và chỉ nên giới hạn trong một số lĩnh vực như xây dựng, dịch vụ vui chơi giải trí, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng cấm; đồng thời quy định chặt chẽ điều kiện, thủ tục và thẩm quyền áp dụng biện pháp này.

Dự thảo luật đã quy định tới 23 biện pháp để nhà nước cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và đình chỉ các vi phạm mà bây giờ phải bổ sung thêm cắt điện, nước thì chứng tỏ cơ quan công quyền yếu kém, bất lực, pháp luật không nghiêm

ĐB Nguyễn Hữu Cầu

Tuy không đồng tình coi cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế, song ĐB Lê Công Đỉnh (An Giang) tán thành với cơ quan thẩm tra dự thảo luật là Ủy ban Pháp luật Quốc hội (QH) rằng, nên coi cắt điện, nước tại địa điểm vi phạm là “biện pháp ngăn chặn” đối với hành vi vi phạm mà trong đó điện, nước được sử dụng là công cụ, phương tiện vi phạm. Theo ĐB An Giang, tình trạng vi phạm hành chính, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, rất khó ngăn chặn, bởi nhiều lý do, nhất là khi các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm. “Lập biên bản thì lập biên bản, làm thì cứ làm, khi lực lượng đến họ ngừng, nhưng khi quay đi họ lại tiếp tục thực hiện và chưa kể họ nghĩ phạt xong cho tồn tại. Thực tế rất ít công trình xây dựng vi phạm bị cưỡng chế, tháo dỡ và không có lực lượng nào đủ sức ngăn chặn vi phạm hành chính hiệu quả nếu không bổ sung biện pháp này”, ĐB Đỉnh nói.

Trái với bộ luật Dân sự

Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng nên bỏ biện pháp cắt điện, nước ra khỏi dự thảo luật. Theo ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam), cắt điện, nước dù coi là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hay biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm, cũng đều chưa thuyết phục, thiếu tính khả thi, trái nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm trong bộ luật Dân sự. Theo ĐB Thế, cung cấp điện, nước là sự thỏa thuận giữa các bên cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng. Do đó, việc ngừng cung cấp điện, nước phải theo hợp đồng được ký kết giữa các bên chứ không thể hành chính hóa quan hệ dân sự. Mặt khác, ĐB Thế cho rằng việc ngừng cung cấp điện, nước còn ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của các chủ thể khác, trong khi những người này không phải là người vi phạm hành chính nhưng phải chịu chung trách nhiệm với người vi phạm.

Quốc hội “khai tử” dự án BT

Với đa số các ĐB tán thành, chiều 18.6, QH đã thông qua luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Nội dung đáng chú ý là QH đã không đưa hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) vào luật. Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, một số ý kiến đề nghị không quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong dự thảo luật vì không đúng bản chất hợp tác công - tư; đồng thời đề nghị dừng triển khai mới loại hợp đồng BT vì cho rằng thời gian qua dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt, có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH sau khi tiếp thu, chỉnh lý, không quy định loại hợp đồng BT tại dự thảo luật.
Như vậy, kể từ thời điểm luật này có hiệu lực (1.1.2021) sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức BT. Đối với các dự án BT đã triển khai số phận sẽ như thế nào? Theo điều 101, các hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dừng thực hiện kể từ ngày 15.8.2020; dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện. Trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Anh Vũ
ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, cũng nhìn nhận trong dự thảo luật đã quy định tới 23 biện pháp để nhà nước cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và đình chỉ các vi phạm mà bây giờ phải bổ sung thêm cắt điện, nước thì chứng tỏ cơ quan công quyền yếu kém, bất lực, pháp luật không nghiêm. Bên cạnh đó, ĐB Cầu cho rằng nếu đưa biện pháp này vào luật thì dễ bị lạm dụng, vì đây là việc dễ làm nhưng hậu quả lớn. “Tôi lấy ví dụ, một trại lợn ở Nghệ An có 4.000 con lợn, họ vi phạm môi trường nhưng chưa xử lý xong, bị cắt điện, nước thì lợn sống như thế nào? Trên góc độ là cơ quan quyền lực tôi thấy không ổn”, ông Cầu nói. Nhiều ĐB cũng cho rằng việc ra quyết định hành chính để cắt điện, nước những người vi phạm có thể dẫn đến những vụ kiện hành chính phức tạp vì bản chất của việc này là sai luật.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, cho biết thực tế việc tước giấy phép của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thì các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động, không cưỡng chế được. Do đó, lần này Chính phủ đề xuất biện pháp cưỡng chế này. “Cũng báo cáo thật với QH là phạm vi áp dụng và đối tượng của biện pháp này rất hạn chế, trong trường hợp không xử lý được trên thực tế”, ông Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.