Cắt bỏ khối bướu 'khủng' 3,1 kg cho bé gái 1 ngày tuổi

25/03/2019 19:01 GMT+7

Em bé sơ sinh (nặng 2,1 kg) 1 ngày tuổi đã phải trải qua cuộc phẫu thuật để cắt bỏ khối bướu vùng cùng cụt, nặng gấp rưỡi cơ thể mình (3,1 kg), kích thước lớn chưa từng được y văn thế giới ghi nhận.

Chiều nay (25.3), bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Em bé gái (ở Sóc Trăng) được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng có khối bướu quái khổng lồ vùng cùng cụt.
Theo lời kể của gia đình, lúc thai được 21 tuẩn tuổi, qua siêu âm khám thai định kỳ, bác sĩ phát hiện em bé có bướu vùng cùng cụt.
Em bé được sinh mổ (vào ngày 20.3) khi thai được 35 tuần tuổi, cân nặng 5,2 kg (cả bướu). Ngay khi chào đời, em bé được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng 1.
Theo bác sĩ Hiếu, khối bướu có kích thước rất to này phát triển từ mặt trước xương cùng cụt, gồm mô đặc, nang và vôi.
“Đây là một loại u quái vùng cùng cụt. Bé cần phải được phẫu thuật cắt trọn khối bướu để bảo toàn tính mạng”, bác sĩ Hiếu đánh giá.
Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt trọn khối bướu ra khỏi cơ thể bé ngay sau khi bệnh nhi nhập viện, được 1 ngày tuổi. Khối bướu cân nặng 3,1 kg; có kích thước rất to, khoảng 30 cm. Trong khi sau phẫu thuật, em bé chỉ cân nặng 2,1 kg.
Hiện em bé đã tỉnh táo, tự thở và đang ổn định sức khỏe.
Bác sĩ Hiếu cho biết, bướu quái cùng cụt là loại bướu phát triển từ vùng cùng cụt, thường gặp ở trẻ sơ sinh, có tần suất 1/40.000 trẻ sinh sống và thường gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai.
Tuy nhiên, loại bướu quái vùng cùng cụt có kích thước lớn hơn 10 cm thì lại rất hiếm gặp và có tỉ lệ tử vong rất cao.
Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ tử vong khi mang phải bướu quái loại này là do tăng sinh mạch máu nhiều trong bướu và trẻ dễ bị suy tim.
“Hiện theo y văn thế giới, chưa ghi nhận trường hợp nào có bướu quái vùng cùng cụt ở trẻ sơ sinh to hơn trường hợp này”, bác sĩ Hiếu đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.