Cặp đôi Việt - Khmer bén duyên nghề lạ 'mát xa hoa dừa lấy mật'

13/09/2020 12:42 GMT+7

Từ bỏ công việc như mơ ở TP.HCM, đôi vợ chồng Đình Ngãi và Chal Thi cùng nhau về quê để làm 'ăn cơm dưới đất làm việc trên trời’ thu mật từ hoa dừa.

Khôi phục nghề thất truyền của người Khmer

Mấy năm gần đây vùng đất Tiểu Cần thuộc tỉnh Trà Vinh rộ lên một nghề hoàn toàn mới. Người dân ở đây gọi là ‘’ăn cơm dưới đất mà làm việc trên trời’’. Bởi công nhân làm việc ngày hai buổi phải leo lên tận đọt dừa để thu mật từ hoa.

Những người thợ đi thu mật thường xuyên được đào tạo để trở nên lành nghề

Ảnh: Phạm Đình Ngãi

Kỹ thuật mát xa hoa dừa để có được mật được xem là vô cùng quan trọng

Ảnh: Phạm Đình Ngãi

Ngày hai lần người thợ sẽ thu mật thô mang về nhà máy để cô đặc chân không

Ảnh: Phạm Đình Ngãi

Ý tưởng khởi nghiệp bằng cách thu mật từ hoa dừa đầy táo bạo đó được khởi sinh từ đôi vợ chồng trẻ cùng sinh năm 1989, anh Phạm Đình Ngãi (quê Đồng Tháp) và chị Thạch Thị Chal Thi (người Khmer, quê Trà Vinh).
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Ngãi đầu quân cho một doanh nghiệp nước ngoài và học tiếp lên thạc sĩ để làm giảng viên. Còn chị Chal Thi cũng tiếp tục học lên thạc sĩ ngành Công nghệ Thực phẩm tại Đại học Bách khoa (TP.HCM). Hai người đã bén duyên vợ chồng từ thuở đó.
Đầu năm 2018, chị Chal Thi rủ chồng bỏ việc về quê để bắt đầu hành trình khởi nghiệp với một công việc hoàn toàn mới và đầy thử thách.
"Đầu năm 2018, chứng kiến cảnh thu mua dừa khô với giá khá bấp bênh tại quê nhà, tôi muốn tìm một hướng đi mới để giúp tăng giá trị kinh tế cho cây dừa. Sau vài tháng tìm hiểu thì tôi phát hiện ra ở những đất nước như Philippines, Thái Lan đã có ngành thu mật hoa dừa từ rất lâu. Tại Việt Nam vẫn chưa thấy, nên tôi quyết định bỏ việc để nghiên cứu và thực hiện dự án chế biến sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa trên chính quê hương mình’’, chị Chal Thi chia sẻ.
Anh Ngãi nói: "Trong hai tháng đầu tiên chúng tôi đã làm công đoạn tìm hiểu thị trường, tìm hiểu sản phẩm và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và cả thế giới. Sau khi thấy được tiềm năng của sản phẩm, chúng tôi đi vào thực tế để bắt đầu hành trình đi thu mật hoa trên cây dừa’’.
‘’Trong quá trình tìm hiểu thì chúng tôi lại vỡ òa khi biết được đây còn là một ngành nghề truyền thống của người Khmer xưa đã bị thất lạc từ rất lâu. Điều này càng khiến chúng tôi quyết tâm phải nghiên cứu và dấn thân vào để góp phần khôi phục lại ngành nghề truyền thống tại địa phương’’, anh kể.

'Nếm mật nằm gai'

Đôi vợ chồng trẻ nhiều đêm mất ngủ về một nền nông nghiệp được mùa mất giá, được giá mất mùa. Thế mạnh của họ là nghiên cứu nên đã không ngại áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến để kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm.
‘’Sau nhiều tháng thử sai, cũng như đi học hỏi kinh nghiệm ở Thái Lan, Campuchia và kể cả An Giang. Chúng tôi mới kiểm soát được tốt kỹ thuật thu mật từ hoa dừa. Đây được xem là khoảng thời gian khó khăn nhất vì bản chất của sản phẩm được lên men liên tục nên việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào cực kỳ quan trọng’’, chị Chal Thi bày tỏ.
Nhưng ngay tại chính quê nhà, vùng đất được mệnh danh có sản lượng dừa đứng thứ 2 của cả nước với hơn 25.000 ha trồng dừa, nhiều hộ dân đã quay lưng với họ. Bởi đây vốn dĩ là một mô hình còn quá xa lạ. Nhưng một lần nữa may mắn lại đến khi gia đình của chị Chal Thi cho phép thử nghiệm trên mảnh vườn nhà.
‘’Kỹ thuật quan trọng nhất của ngành này đó là biết mát xa hoa dừa đúng cách. Người thợ phải chọn đúng độ tuổi của hoa để thu mật vì nếu hoa quá non hoặc quá già sẽ không cho ra lượng mật như mong muốn. Hằng ngày, công nhân sẽ trèo lên cây dừa hai lần để tiến hành mát xa và cắt mặt mới để thu mật", anh Ngãi nói.

Vùng nguyên liệu sạch được trồng hữu cơ với những cánh dừa bạt ngàn ở vườn nhà dành cho việc lấy mật

Ảnh: Phạm Đình Ngãi

Đối tác từ nhiều nước cũng đến nhà vườn học tập và trao đổi kinh nghiệm cũng như cùng tìm hướng ra cho mật hoa dừa

Ảnh: Phạm Đình Ngãi

Một chuỗi giá trị nông nghiệp hạnh phúc là món quà vô giá dành cho câu chuyện tình đôi bạn Việt - Khmer

Ảnh: Phạm Đình Ngãi

Mật sau khi thu sẽ được vận chuyển đến nhà máy. Tiếp theo được cô đặc bằng công nghệ ‘’cô đặc chân không’’ trong quy trình một chiều từ đầu vào đến đầu ra. Để đạt tiêu chuẩn ISO22000:2018 và HACCP. Từ 8 lít mật nguyên liệu thô sau khi cô đặc chỉ được 1 lít mật thành phẩm.
‘’Chúng tôi đã từng mất 6 tháng để nghiên cứu bản chất của sản phẩm và làm sản phẩm mẫu để thăm dò thị trường. Sau khi mọi thứ đã ổn định thì bắt tay vào xây dựng nhà máy và thương hiệu. Cho đến tháng 9.2019, những sản phẩm mật hoa dừa đầu tiên mang thương hiệu Sokfarm được giới thiệu và đến tay người tiêu dùng trong nước’’, chị Chal Thi nói trong háo hức.

Chuỗi giá trị nông nghiệp mang tên hạnh phúc

Sok trong tiếng Khmer có nghĩa là hạnh phúc. Sokfarm vừa là tên công ty nhưng cũng mang ý nghĩa là nông nghiệp hạnh phúc.
‘’Bởi đội ngũ tại Sokfarm luôn mong muốn tạo ra một chuỗi giá trị nông nghiệp hạnh phúc từ những người dân trồng dừa, đến nhà máy sản xuất, thương lái và cả người tiêu dùng đầu cuối’’, anh Ngãi nói.
Giờ đây chỉ sau 1 năm, sản phẩm chủ lực là mật hoa dừa được tung ra thị trường thì hiên tại thương hiệu Sokfarm đã có mặt trên 20 tỉnh thành trong nước. Kể cả bán online trên sàn thương mại điện tử Amazon.com của Mỹ. Đôi vợ chồng cùng nhân viên làm việc luôn tay luôn chân với những đơn hàng mới liên tiếp nhưng luôn cảm thấy vui và hạnh phúc.
Hiện tại, anh Đình Ngãi và chị Chal Thi ngoài tạo việc làm cho nhiều công nhân trong nhà máy thì con thu mua mật hoa dừa từ bà con nông dân quanh vùng. Nhiều hộ dân trồng dừa đã bắt đầu tin tưởng và mong muốn được chuyển giao công nghệ thu mật để hợp tác cùng anh chị.
Bên cạnh đó khu vườn 2 ha của gia đình cũng được xây dựng lại để phục vụ cho đối tác và khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm mô hình thu mật thực tế tại vườn. Du khách được tận tay thực hành mát xa hoa dừa, được hòa mình vào một không gian thiên nhiên nơi đậm nét văn hóa Khmer và trải nghiệm nhiều hơn về mô hình nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh tại nhà vườn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.